Tinh gọn bộ máy đã được đề cập nhiều lần suốt hàng chục năm qua, nhưng kết quả vẫn khá hạn chế. Chỉ riêng việc tách và nhập xã, huyện ở các địa phương cũng nảy sinh không ít rắc rối và dây dưa. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia có đơn vị cấp tỉnh nhiều nhất trong khu vực châu Á. Vì vậy, Việt Nam phải chi đến 70% ngân sách, để trả lương cho đội ngũ cán bộ và các hoạt động hành chính.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, muốn đất nước tiến bộ thì ít nhất phải chi 50% ngân sách cho quốc phòng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Cho nên, phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để có nguồn lực ưu tiên cho sự phát triển. Để tránh tình trạng “Bộ trong Bộ” và nhiều cơ quan không rõ địa vị pháp lý, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tinh gọn bộ máy phải đạt được sáu tiêu chí là “tinh”, “gọn”, “mạnh”, “hiệu năng”, “hiệu lực” và “hiệu quả”.
Có một thực tế đáng băn khoăn, sau nhiều lần cải cách hành chính thì bộ máy tổ chức của một số cấp, một số ngành vẫn giữ nguyên số lượng nhân sự. Thậm chí, có nơi còn “phình” ra, khi thành lập thêm một số đơn vị trực thuộc và xuất hiện những vị trí việc làm mang tính “trung gian”, khiến quá trình tinh giản biên chế gặp nhiều trở ngại.
Dù thấy rõ giá trị của việc tinh gọn bộ máy, nhưng khi tiến hành thì một số nơi cảm thấy “tâm tư” do quan hệ nể nang. Phương pháp “một cửa một dấu” ít phát huy được ý nghĩa tích cực, mà chuyển thành “một cửa nhiều dấu”, và hệ lụy “cha chung không ai khóc” do chỗ nọ “vô hiệu hóa” chỗ kia. Khi chưa quyết liệt tinh gọn bộ máy, thì người dân vẫn phải hứng chịu nhiễu nhương do cán bộ đùn đẩy lẫn nhau.
Để tinh gọn bộ máy đảm bảo “hiệu năng” và “hiệu lực” thì cốt lõi vẫn nằm ở con người. Cơ cấu lại bất kỳ đơn vị nào cũng cần cán bộ đáp ứng đòi hỏi cụ thể về năng lực và phẩm chất. Có lẽ phải nghiêm túc đặt lại vấn đề: Liệu các cuộc thi tuyển viên chức và công chức đã hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc trong sáng và chất lượng hay chưa? Những đối tượng biên chế có trình độ tương xứng, hay còn trông cậy các yếu tố khác?
Từ chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm, một lần nữa cả cộng đồng cùng ý thức rõ hơn về tầm vóc cán bộ. Tinh gọn bộ máy không thể “hiệu quả” nếu vẫn còn những dạng cán bộ dửng dưng “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”. Không thể chấp nhận dạng cán bộ ích kỷ chỉ quan tâm đến nồi canh niêu cơm riêng tư, mà thờ ơ với được mất của môi trường xung quanh. Không thể chấp nhận dạng cán bộ “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, không biết sốt ruột vì sự ì ạch trong lĩnh vực mình đang dự phần trước sự vận động không ngừng đi lên văn minh của thế giới hội nhập.
Tinh gọn bộ máy chắc chắn được bắt đầu ở những cán bộ dám nghĩ dám làm để cống hiến cho Tổ quốc, phụng sự cho dân tộc.