| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Quảng Ninh căng mình chống bão số 2

Thứ Hai 22/07/2024 , 22:11 (GMT+7)

Trước diễn biến của bão số 2 (Bão Prapiroon), các địa phương và đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.

Huyện Vân Đồn

Tính đến 13h ngày 22/7, hơn 1.500 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn đã được kêu gọi và nắm được thông tin để di rời vào các nơi tránh trú an toàn. Hiện các toàn bộ số lượng tàu trên đã về các khu vực, vị trí tránh trú trên địa bàn huyện như: Bến Quan Lạn, Vụng Sâu (xã Quan Lạn); khu Ổ Lợn, Cống Đình (xã Minh Châu); Bến Thắng Lợi, khu Áng Giã, vụng Tùng Con, lạch Cống Đông (xã Thắng Lợi); khu Đầm Tàu, khu Cái Tặc, khu Cống Yên (xã Ngọc Vừng); khu Xà Kẹp, cống Lão Vọng (xã Hạ Long); khu Đầm Cóc (xã Đoàn Kết); khu vực tránh trú bão phía Đông Cảng Cái Rồng, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng cảng Cái Rồng. Đến nay, 618 nhà bè nuôi trồng thủy sản đã được chính quyền các địa phương thông tin và yêu cầu hoàn thành việc gia cố, chằng chống trước 16h ngày 22/7; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão trên khu vực biển Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão trên khu vực biển Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.

Đến 13h ngày 22/7, huyện Vân Đồn đã di rời được 400/700 người lên bờ, số người còn trên bè trông coi nuôi trồng thủy sản là 300 người,  đã  ký cam kết với các địa phương trước 16 ngày 22/7/2024 di dời toàn bộ người lao động và chủ các nhà bè, tàu xi măng lên bờ. 81 phương tiện vận chuyển khách phục vụ các tuyến đảo đã chủ động tránh trú tại các bến Cảng cao cấp Ao Tiên, Khu tránh trú bão Cảng Cái Rồng, Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen an toàn.

Thị xã Quảng Yên

Hiện thị xã có 2.351 tàu cá; sau khi có thông tin về tình hình bão số 2 di chuyển hướng vào Quảng Ninh - Hải Phòng, thị xã Quảng Yên đã chỉ các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão số 2 để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu tránh, trú an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TX Quảng Yên vận động ngư dân đang buộc hà tại khu vực Đầm Quả Xoài vào bờ tránh bão số 2. Ảnh: Cường Vũ.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TX Quảng Yên vận động ngư dân đang buộc hà tại khu vực Đầm Quả Xoài vào bờ tránh bão số 2. Ảnh: Cường Vũ.

Tính đến 16h00 ngày 22/7, toàn bộ số tàu thuyền của thị xã đã về nơi neo đậu tránh, trú bão an toàn. Cùng với kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, thị xã cũng tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động những lao động đang ở các chòi canh hà và lều trông coi thủy sản ngoài đê biển vào nơi an toàn khi có bão đổ bộ vào. Ngoài ra, các xã, phường cũng tích cực vận động sơ tán lao động tại nhà lều trông coi thủy sản…

Thành phố Uông Bí

Chiều 22/7, ông Mai Vũ Tuấn, Bí thư Thành uỷ đã đi kiểm tra khả năng ứng phó với bão số 2 của tuyến đê bắc Điền Công, phường Trưng Vương.

Ông Mai Vũ Tuấn đi kiểm tra khả năng ứng phó với bão số 2 của tuyến đê bắc Điền Công, phường Trưng Vương. Ảnh: Cường Vũ.

Ông Mai Vũ Tuấn đi kiểm tra khả năng ứng phó với bão số 2 của tuyến đê bắc Điền Công, phường Trưng Vương. Ảnh: Cường Vũ.

Tuyến đê Bắc Điền Công là đê cấp IV, thuộc sự quản lý, đầu tư của UBND thành phố Uông Bí, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn nhiều hộ dân ở xã Điền Công cùng hàng trăm  héc ta hoa màu và đầm nuôi thủy sản. Khu vực này hiện cũng đang tập trung máy móc, thiết bị, công nhân của đơn vị thi công tuyến đường ven sông từ thị xã Đông Triều qua thành phố Uông Bí nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và các hình thái thời tiết nguy hiểm sau bão, ông Mai Vũ Tuấn yêu cầu UBND phường Trưng Vương và các phòng, ban, đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ". Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão và mưa lũ tại địa phương, chủ động kịp thời, hướng dẫn người dân và các đơn vị ứng phó với bão. UBND phường Trưng Vương bố trí lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, gia cố những chỗ xung yếu, báo cáo kịp thời tình trạng đê nếu có tình huống bất ngờ xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tiến hành thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thành phố Hạ Long

Chiều 22/7, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long cùng lãnh đạo TP đã đi kiểm tra thực tế một số khu vực trên địa bàn để chủ động, kịp thời triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão số 2 và mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Bí thư Thành ủy Vũ Quyết Tiến kiểm tra vị trí ta luy âm bị sạt lở tại tổ 2, khu 7, phường Hồng Hải. Ảnh: Cường Vũ

Bí thư Thành ủy Vũ Quyết Tiến kiểm tra vị trí ta luy âm bị sạt lở tại tổ 2, khu 7, phường Hồng Hải. Ảnh: Cường Vũ

Kiểm tra vị trí taluy âm bị sạt lở tại tổ 2 khu 7 phường Hồng Hải và khu vực tránh trú bão cho tàu thuyền tại cảng Cái Xà Cong (phường Hà Tu), Bí thư Thành ủy Hạ Long yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão; tăng cường bám nắm địa bàn, kiên quyết di chuyển người dân đến nơi đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản. Triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các cơ sở nuôi trồng thủy sản về diễn biến của cơn bão số 2 và tổ chức thực hiện di dời vào khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn.

Kiểm tra tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các khu neo đậu, cảng tránh trú bão khác và các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, các công trình; Chủ động kiểm tra, khơi thông hệ thống cống, mương thoát nước, tránh ngập úng khi mưa lớn; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè khi có bão.

Thành phố Móng Cái

Tại TP Móng Cái, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái và ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái cùng các ngành chuyên môn đã kiểm tra thực địa khu vực cầu phao km3+4 Hải Yên và một số điểm trên địa bàn xã Bắc Sơn.

Xã đảo Vĩnh Trung đã thực hiện kêu gọi tàu bè về nơi tránh trú an toàn và đảm bảo an toàn cho các hộ dân khu vực xung yếu. Ảnh: Cường Vũ

Xã đảo Vĩnh Trung đã thực hiện kêu gọi tàu bè về nơi tránh trú an toàn và đảm bảo an toàn cho các hộ dân khu vực xung yếu. Ảnh: Cường Vũ

Hiện khu vực cầu phao đã thực hiện các biện pháp an toàn. Chủ tịch UBND TP Móng Cái Hồ Quang Huy yêu cầu Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Công ty cổ phần Thành Đạt, Đồn Biên phòng Bắc Sơn thực hiện nghiêm công tác quản lý, theo dõi mực nước và áp dụng các biện pháp phòng chống mưa lũ, đảm bảo an toàn cho cầu phao, tuyệt đối không để người không có nhiệm vụ ra vào khu vực.

Tại điểm sạt lở (đầu Bản Dao cũ) thuộc thôn Thán Phún xã Bắc Sơn, trước đây đã xảy ra sạt lở đất xuống tuyến 18C, lãnh đạo thành phố nắm tình hình và chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an toàn. Hiện Bắc Sơn đã thông báo tới các hộ dân, thực hiện các biện pháp cảnh báo trên tuyến đường qua điểm sạt lở và báo cáo đề xuất phương án khắc phục.

Tại xã đảo Vĩnh Trung, Chủ tịch UBND TP Móng Cái Hồ Quang Huy đã chỉ đạo UBND xã nắm chắc tình hình 1 điểm xung yếu tại thôn 4 (gồm 4 hộ = 10 khẩu), thực hiện di chuyển người dân về nhà văn hóa thôn tránh trú đảm bảo an toàn. Tổng số tàu, bè của nhân dân trên địa bàn là 201 chiếc đã vào bờ tránh trú an toàn; Hệ thống đê biển, các cánh cống mới được xã tu sửa đảm bảo an toàn.

Trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 1200 tàu, bè mảng hoạt động trên sông và vùng ven biển. Đến 16h ngày 22/7, các Đồn biên phòng; UBND các xã, phường đã thực hiện thông báo cho các phương tiện tàu thuyền của địa phương về diễn biến tình hình Bão số 2 để các chủ phương tiện nắm bắt và nhanh chóng di dời về nơi tránh trú. Hiện tại các tàu, thuyền, bè mảng đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão và đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

Tổng số hộ nuôi trồng thủy sản trên biển là: 119 hộ =  383 giàn bè. Các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển đã được chính quyền địa phương thông tin, yêu cầu chằng chống, gia cố giàn bè và di dời toàn bộ người dân trên các giàn bè vào bờ.

Huyện Cô Tô

Tính đến chiều ngày 22/7, huyện Cô Tô có 796 phương tiện tàu, thuyền lớn nhỏ đang neo đậu, tránh trú. Các đơn vị đã bố trí các tổ cơ động thường trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, gồm: Xuồng máy, xe ô tô và cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan, chủ phương tiện để nắm tình hình; tuyên truyền, vận động thông báo diễn biến, tình hình của cơn bão để có phương án di chuyển, phòng, chống bảo đảm an toàn; điều động các tổ công tác dùng xuồng máy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, khu vực đơn vị quản lý, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

CBCS đồn Biên phòng Cô Tô kêu gọi, tuyên truyền người dân có phương án di dời phương tiện, lồng bè, đưa người lao động trên các lồng bè và phương tiện đến nơi an toàn. Ảnh: Cường Vũ.

CBCS đồn Biên phòng Cô Tô kêu gọi, tuyên truyền người dân có phương án di dời phương tiện, lồng bè, đưa người lao động trên các lồng bè và phương tiện đến nơi an toàn. Ảnh: Cường Vũ.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, huyện Cô Tô đã quán triệt, triển khai chỉ đạo của các cấp; ban hành các văn bản để chỉ đạo, chủ động ứng phó bão số 2 trên địa bàn huyện từ thời điểm chưa hình thành bão. Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, PCCC, PCCR và phòng thủ Dân sự huyện đã thực hiện giao ban nhanh để cử các tổ công tác nắm tình hình, chỉ đạo địa bàn. Các xã, thị trấn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó bão, thông báo dừng hoạt động các bãi tắm trên địa bàn, hướng dẫn, kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án đảm bảo an toàn cho khách lưu trú. Theo thống kê, tính đến 16h ngày 22/7, tổng số du khách hiện có mặt trên địa bàn là 948 khách; trong đó có 9 khách quốc tế.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.