| Hotline: 0983.970.780

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

Thứ Sáu 29/03/2024 , 06:30 (GMT+7)

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Hoạt động khai thác đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn (Cẩm Phả) của Công ty CP Thiên Nam gây nguy cơ sạt lở. Ảnh: Cường Vũ

Hoạt động khai thác đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn (Cẩm Phả) của Công ty CP Thiên Nam gây nguy cơ sạt lở. Ảnh: Cường Vũ

Đẩy nhanh tiến độ công trình phòng, chống mưa bão

Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có gần 30 đơn vị sản xuất, khai thác than đang đổ thải ở hàng chục bãi thải. Trong đó có 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động với tổng trữ lượng đất đá thải mỏ mỗi năm trên 150 triệu m³. Qua nhiều năm khai thác, đến nay, hàng tỷ m3 đất đá này đã tạo thành những bãi thải quy mô lớn như những quả núi nhân tạo, với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến +300m.

Với đặc thù là bãi thải ngoài, nằm trong vùng có dân cư sinh sống, trong khi độ cao của các bãi thải đều đạt mức tối đa; đất đá tại bãi thải thường xốp, tính kết dính với các tầng địa chất kém, bởi vậy rất dễ gây ra sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Điển hình, trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7/2015, khu vực sườn bãi thải Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) bị xói lở, phá vỡ các tầng thải và đê chắn khiến cho hàng chục nghìn mét khối đất đá, xỉ than tạo thành suối lũ bùn trượt xuống khu dân cư phía dưới, khiến cho 17 người thiệt mạng, hơn trăm ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn nước, gây thiệt hại hết sức nặng nề.

Để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới sản xuất cũng như các khu vực dân cư lân cận, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã và đang chỉ đạo các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị khối khai thác than rà soát, củng cố các thiết bị, đẩy nhanh tiến độ công trình phòng chống mưa bão, đảm bảo hoàn thành trước 20/4 tới.

Bãi thải Bàng Nâu của Công ty CP Than Cao Sơn là bãi thải có quy mô lớn nhất vùng Cẩm Phả, diện tích khoảng 440ha, cao trình đổ thải +300m. Việc đảm bảo an toàn phòng chống mưa bão đối với bãi thải này được TKV và Công ty CP Than Cao Sơn xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ngoài việc thường xuyên rà soát các vị trí kè chân bãi thải đã được đầu tư từ nhiều năm trước, năm nay, Công ty đã và đang tiếp tục thi công các tuyến mương thoát nước để nắn dòng nước về các đập chắn đã xây dựng, đồng thời đổ thải hoàn thiện một số tầng vành đai bãi thải để đảm bảo an toàn cho tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn trong mùa mưa bão.

Đối với các công trình phòng chống mưa bão trong khai trường sản xuất, Công ty than Cao Sơn đang thi công các hệ thống mương thoát nước dọc các tuyến tầng, tuyến đường vận chuyển đất đá. Song song với đó là triển khai phương án bơm thoát nước moong, hoàn thành trước 20/4.

Chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở

Ông Bùi Sỹ Tiến, Trưởng Phòng Kỹ thuật khai thác, Công ty CP Than Cao Sơn, cho biết: Để triển khai sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt là công tác sản xuất trong mùa mưa bão, Công ty đã triển khai rà soát các công trình thoát nước, tình trạng các đập chắn, chuẩn bị nguồn nhân lực, phương tiện tham gia công tác phòng chống thiên tai với phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở; xây dựng kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó và triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

Còn tại Công ty Than Thống Nhất, khai trường sản xuất hầm lò của đơn vị này giáp ranh với khai trường lộ thiên của Công ty Khe Sim và Công ty CP Than Đèo Nai. Bởi vậy, lưu lượng nước thẩm thấu và nội sinh của mỏ duy trì bình quân khoảng 1.200m3/h. Riêng những tháng cao điểm mùa mưa có thể lên tới 2.000m3/h. Hiện đây là đơn vị có lưu lượng nước chảy vào mỏ ở mức cao nhất trong các đơn vị khai thác than hầm lò.

Để đảm bảo công tác phòng chống mưa bão, ngay từ đầu năm, Công ty đã cho rà soát, duy tu, bảo dưỡng toàn bộ 18 máy bơm tại hai mức âm 35 và âm 140m là nơi đặt 4 hầm bơm của Công ty. Đồng thời luôn sẵn sàng thiết bị dự phòng, để nâng cao hệ số dự phòng cho các hầm bơm.

Cùng với việc duy trì hệ thống các hầm bơm, Công ty Than Thống Nhất cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp các tuyến cống thoát nước tự chảy trong các đường lò thoát nước chính; bảo dưỡng các thiết bị cung cấp điện, đặc biệt là các máy phát điện dự phòng, với tổng công suất 10.000kVA; đẩy nhanh hoàn thành nạo vét các tuyến suối ngoài mặt bằng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công ty Khe Sim và Công ty CP Than Đèo Nai kiểm tra mặt bằng địa hình khu vực giáp ranh, kịp thời có phương án khơi thông dòng chảy, hạn chế thấp nhất nước thẩm thấu vào trong các đường lò.

Hệ thống mương thoát nước Alpha, khu vực bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, có vai trò quan trọng trong công tác thoát nước mùa mưa bão. Ảnh: Cường Vũ.

Hệ thống mương thoát nước Alpha, khu vực bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, có vai trò quan trọng trong công tác thoát nước mùa mưa bão. Ảnh: Cường Vũ.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng đơn vị

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV, đối với ngành than, trong thời gian qua các đơn vị đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp chống sạt lở tại các bãi thải, như: Xây dựng các công trình phòng chống mưa bão, hồ môi trường, lắng đọng đất đá; nạo vét các tuyến mương, suối thoát nước, sửa chữa gia cố các bờ kè chân bãi thải, các tuyến đường mỏ; đảm bảo chiều cao trung bình trong đổ thải; xây dựng đê chắn không để nước chảy cắt qua sườn tầng; trồng cây xanh hoàn nguyên tại các vị trí đã chấm dứt đổ thải; thực hiện các biện pháp bảo vệ chân taluy, bố trí tầng lọc tại các vị trí hố lắng; bố trí nhân công, máy móc túc trực tại hiện trường trong mùa mưa, có phương án xử lý, khắc phục khi có sự cố xảy ra...

Bên cạnh đó, TKV và tỉnh Quảng Ninh đang lên phương án dùng đất đá thải mỏ tại các bãi thải để san lấp mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn. Hiện mỗi năm tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m3 đất đá làm vật liệu san nền, dự kiến đến năm 2030 nhu cầu còn tăng cao, các dự án đã đăng ký khoảng 1 tỷ m3 dùng để san lấp mặt bằng.

"Nhiều dự án, công trình trọng điểm đang triển khai thiếu đất đá san lấp mặt bằng. Trong khi đó, Quảng Ninh đang tồn chứa một khối lượng khổng lồ đất đá thải mỏ, gây hiểm họa môi trường. Nếu dùng được nguồn đất đá thải mỏ trên, vừa giúp TKV giải quyết về an toàn các bãi thải mỏ, lại giúp tỉnh Quảng Ninh có nguồn vật liệu san lấp dồi dào không tác động đến các đồi rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên", ông Tuấn cho hay.

Có thể thấy, để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Ninh, ngành than và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết phức tạp, hơn lúc nào hết, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phương tiện, vật tư tại chỗ nhằm ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. 

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.