| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 26/03/2024 , 18:03 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 18:03 - 26/03/2024

Tội phạm mới cần phương pháp đấu tranh mới

Tội phạm mới là một khái niệm vừa được đại diện Bộ Công an khuyến cáo, khi thông tin về sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn khiến nhiều quan chức bị khởi tố.

Tội phạm mới có thủ đoạn gì? Theo cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Văn Hậu đứng đầu Tập đoàn Phúc Sơn đã có hành vi chi phối, áp lực với lãnh đạo địa phương để trục lợi. Cụ thể là bằng chiêu thức tội phạm mới, Tập đoàn Phúc Sơn có được 21 dự án xảy ra nhiều sai phạm tại Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, làm thiệt hại tài sản Nhà nước và làm xấu hình ảnh chính quyền nhân dân.

Thực tế, tội phạm mới vẫn dùng ngón đòn cũ là dùng tiền bạc để lôi kéo những cán bộ kém phẩm chất, như lời Trung tướng Tô Ân Xô “cán bộ cơ sở bị tấn công bằng “đạn bọc đường” mà không phát hiện ra.

Từ chuyên án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn đang được bốc dỡ từng lớp, nhiều nhân vật có quyền lực đã bị bắt giam như cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa…

Đặc biệt, trong đường dây tội phạm mới có cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long là ông Đặng Trung Hoành bị lực lượng chức năng cáo buộc “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Dù các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn không nằm trên địa bàn Vĩnh Long và dù cương vị trong bộ máy công vụ của ông Đặng Trung Hoành cũng không đáng kể, nhưng cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Măng Thít vẫn nhận hối lộ 64 tỷ đồng từ đối tượng Nguyễn Văn Hậu. Nghĩa là, mức độ nguy hiểm của tội phạm mới nằm ở yếu tố khai thác mối quan hệ thân quen từ cán bộ cấp thấp kết nối cán bộ cấp cao.

Nhìn một cách trực diện, tội phạm mới được biến tấu từ lợi ích nhóm. Những kẻ tha hóa thay vì “liên minh hàng ngang” trong môi trường ngành nghề như trước kia, thì chuyển sang “liên minh hàng dọc” theo dây mơ rễ má xã hội. Biểu hiện dễ thấy là các kiểu “anh em đồng hương” hoặc “chú cháu dòng họ” thỉnh thoảng ôm vai bá cổ quan chức để thị uy thiên hạ và thọc tay khua khoắng các dự án béo bở.

Như vậy, để ứng phó loại tội phạm mới, cần phương pháp đấu tranh mới. Những phường gian manh và những tên vô lại sẽ hết đất dụng võ, nếu mọi dự án và mọi quy hoạch được công khai minh bạch. Có lẽ đã đến lúc nên triển khai ba việc đồng bộ. Thứ nhất, cán bộ cơ sở phải được quyền không chấp hành các “lệnh miệng”, mà chỉ thực hiện văn bản hành chính có người ký tên chịu trách nhiệm. Thứ hai, tất cả các quyết định đấu thầu hoặc ý kiến chỉ đạo phải được đăng tải công khai trên cổng thông tin chính thức của chính quyền địa phương, đúng với tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số quốc gia. Thứ ba, tổ chức tiếp nhận nhanh chóng và xử lý kịp thời những phản ánh từ quần chúng về những biểu hiện kém lành mạnh trong lối sống của cán bộ các cấp.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm