| Hotline: 0983.970.780

Tôm gặp tai họa kép!

Thứ Tư 16/05/2012 , 10:09 (GMT+7)

Tình hình dịch bệnh liên tục xảy ra làm tôm nuôi ở ĐBSCL chết hàng loạt, sản lượng bị sụt giảm, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến, thế nhưng nghịch lý là giá tôm vẫn giảm mạnh.

Dù sản lượng thấp nhưng giá tôm nguyên liệu vẫn giảm mạnh

Tình hình dịch bệnh liên tục xảy ra làm tôm nuôi ở ĐBSCL chết hàng loạt, sản lượng bị sụt giảm, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến, thế nhưng nghịch lý là giá tôm vẫn giảm mạnh.

Hiện tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg thương lái thu mua chưa tới 200.000 đồng/kg, loại 30 con giá 145.000 - 150.000 đồng/kg, loại 40 con từ 120.000 - 125.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con được bán với giá 75.000 đồng/kg. Trong đó, giảm mạnh nhất là loại tôm cỡ lớn loại 20 con/kg khoảng 70.000 đồng/kg, còn lại giảm từ 25.000 – 40.000 đồng/kg.

Dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở nhiều địa phương đã đẩy nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Không những thế, ngay cả những hộ may mắn thoát được dịch bệnh cũng trở nên điêu đứng khi giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm. Ông Nguyễn Văn Phong, ở thị trấn Cái Đôi Vàm, Phú Tân, Cà Mau, thở dài ngao ngán: “Năm nay rất ít người có tôm thu hoạch hoặc có thì sản sản lượng cũng không nhiều, nhưng không hiểu sao giá tôm vẫn giảm mạnh.

Từ đầu năm đền nay, mỗi kg tôm người nuôi đã mất đứt khoảng 50.000 đồng. Trong khi đó giá cả vật tư, từ xăng dầu bơm tát nước đến hóa chất xử lý, con giống, thức ăn cho nuôi tôm cái gì cũng tăng cao”. Theo ông Phong, với mỗi ha tôm công nghiệp, nếu thắng lợi thì người nuôi thu được khoảng 7 tấn tôm. Chỉ cần giá giảm 40.000 đồng thì đã mất gần 300 triệu đồng. “Gia đình tui có hơn 3 ha (8 ao tôm), gần đến cuối vụ tôm bị dịch bệnh nên phải thu hoạch sớm, năng suất chỉ đạt 4 tấn/ha nhưng cũng đã mất hơn 400 triệu đồng do giá giảm. Kiểu này thì coi như người nuôi tôm gặp họa kép rồi”, ông Phong than phiền.

Tại những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm-lúa, người nuôi cũng gặp khó khăn không kém. Ông Tư Thiên (Tô Ngọc Thiên), ở xã Đông Hòa, An Minh, Kiên Giang, có 3,5 ha nuôi theo mô hình tôm lúa vừa thu hoạch được gần 1 tấn tôm nhưng vẫn không mấy vui. Theo ông Tư Thiên, giá tôm nguyên liệu năm nay rất khác thường. Tôm càng lớn thì mất giá càng nhiều. Thời điểm này năm ngoái giá tôm loại 20 con lên đến 270.000-280.000 đồng/kg nhưng năm nay giảm xuống mức dưới 200.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm loại nhỏ (40 con/kg) chỉ giảm khoảng 25.000 đồng/kg. Với giá cả như hiện nay thì càng nuôi lớn càng lỗ.

Dịch bệnh nhiều, cộng với giá tôm thương phẩm sụt giảm mạnh đã khiến không ít những DN đầu tư nuôi tôm công nghiệp mất tiền tỷ. Ông Nguyễn Danh Hiện, Giám đốc Cty TNHH Thủy hải sản Minh Phú – Kiên Giang (ở xã Hòa Điền, Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết, trong tổng số 178 ha mà Cty đã thả nuôi (gồm cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng), từ đầu năm đến nay dịch bệnh đã làm cho 133 ha thiệt hại. Diện tích còn lại cho thu hoạch nhưng năng suất giảm khoảng 50%. Giờ lại thêm giá giảm nữa thì cầm chắc vụ tôm này Cty thua lỗ tiền tỷ. Theo ông Hiện, dù đang là thời điểm chính vụ nhưng nhiều đơn vị ở đây không dám thả tôm vì sợ bị thua lỗ do dịch bệnh và giá đầu ra thấp.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết, khó khăn hiện nay là các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt khiến người nuôi rất dè dặt. Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh sẽ thả nuôi 2.000 ha tôm công nghiệp nhưng đến nay mới thả nuôi được 900 ha. Giá tôm hiện nay lại giảm mạnh càng làm cho kế hoạch này khó có thể đạt được. Tôm nuôi công nghiệp của tỉnh cho năng suất bình quân 6 tấn/ha, chỉ cần giảm vài trăm ha thì sản lượng đã sụt giảm hàng ngàn tấn tôm... 

Đúng là người nuôi tôm năm nay gặp tai họa kép!

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.