| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư: Tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai

Thứ Tư 04/05/2022 , 12:18 (GMT+7)

Tổng Bí thư đặt câu hỏi: Vì sao ở nhiều nơi tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng?

Sáng 4/5, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Dự kiến trong 7 ngày, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định những vấn đề sau: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), sáng 4/5. Ảnh: Hoàng Phong

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), sáng 4/5. Ảnh: Hoàng Phong

Hội nghị cũng thảo luận về đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, tài nguyên quý giá, nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi, thậm chí đi tù, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về đất đai

Ông khẳng định việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về đất đai lần này là yêu cầu cần thiết, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Mục tiêu là tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Do đây là lĩnh vực rộng lớn, cơ bản, nhạy cảm, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện còn không ít ý kiến khác nhau, Tổng Bí thư yêu cầu đại biểu cần phân tích toàn diện, khách quan chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 và pháp luật về đất đai; chỉ rõ nội dung đã được thể chế hóa như thế nào, những điểm gì đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh?

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tổng Bí thư đề nghị tập trung làm rõ vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và nội dung còn có ý kiến khác nhau. Đơn cử như nhận thức thế nào cho đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất.

Đồng thời, Tổng Bí thư đề nghị thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến đất đai như: Chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản; về chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và đất cho tôn giáo, tín ngưỡng; việc quản lý nhà nước về đất đai... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện như thế nào cho đúng, cho sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới?

Để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng Bí thư đề nghị hội nghị tập trung làm rõ các vấn đề, như nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm; tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển.

Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc nhập khẩu. Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm. Lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn nhiều, nhất là ở vùng xa, dân tộc thiểu số. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tổng Bí thư khẳng định kinh tế tập thể đã có chuyển biến tích cực, quan trọng. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể còn thấp và có xu hướng giảm. Vì vậy, Tổng bí thư đề nghị đại biểu thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học những kết quả đạt được; phân tích sâu sắc những hạn chế, nguyên nhân.

Về đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Tổng bí thư lưu ý, các đại biểu thảo luận dân chủ, thẳng thắn, tạo thống nhất cao về những vấn đề nêu trong tờ trình, để sau hội nghị lần này sẽ có chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nâng cao chất lượng, sức mạnh của Đảng.

Về đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng. Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm; ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đến nay, 5 địa phương đã lập Ban chỉ đạo là Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa. 63 tỉnh, thành nhất trí lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến, quyết định về chủ trương lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Tổng Bí thư đánh giá việc kiểm điểm, tự phê bình được thực hiện nghiêm túc, bài bản, theo quy chế, quy trình từng bước hợp lý. Không khí kiểm điểm theo tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, dân chủ, đoàn kết, chân tình. Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với thực tiễn để đất nước "đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có những dấu ấn nổi bật được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao".

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn một số hạn chế. Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có lúc, có việc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Trong phòng, chống dịch bệnh có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất...

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ trình và Quốc hội quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.

Tại phiên họp của Thường vụ hôm 16/4/2022, Chính phủ lần thứ tư xin lùi trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Xem thêm
Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất