| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Không ngừng, không nghỉ phòng, chống tham nhũng'

Thứ Bảy 03/08/2024 , 12:57 (GMT+7)

Tổng Bí thư chia sẻ nhiều vấn để về việc chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chính sách đối ngoại thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sau khi được bầu giữ cương vị mới sáng 3/8. Ảnh: Bảo Thắng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sau khi được bầu giữ cương vị mới sáng 3/8. Ảnh: Bảo Thắng.

Phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc

Trong bài phát biểu sau khi nhận cương vị mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ông là hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.

"Mất mát này là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta", tân Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên cấp bách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống của nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo, trước hết là chức danh Tổng Bí thư.

Mục tiêu nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV; tạo nền tảng vững chắc đạt các mục tiêu chiến lược kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước; đồng thời xác định tầm nhìn tương lai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, việc bầu chức danh Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ được thực hiện theo đúng quy định Điều lệ Đảng, phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các quy định về công tác cán bộ của Đảng. Đây cũng không phải vấn đề mới, bởi trước đây đã bầu Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ đối với ông Trường Chinh và Lê Khả Phiêu.

"Được Bộ Chính trị tin tưởng giới thiệu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tín nhiệm bầu và giao trọng trách Tổng Bí thư, tôi nhận thức sâu sắc đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm vinh quang trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trước truyền thống cha ông và lịch sử hào hùng ngàn năm văn hiến của dân tộc", tân Tổng Bí thư nói.

Trên cương vị mới, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng; phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân là niềm vui, lẽ sống; chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Buổi họp báo được tổ chức ngay sau khi Trung ương thống nhất bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư. Ảnh: Bảo Thắng.

Buổi họp báo được tổ chức ngay sau khi Trung ương thống nhất bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư. Ảnh: Bảo Thắng.

Tập trung công tác nhân sự cho Đại hội XIV

Trao đổi thêm với các cơ quan thông tấn, báo chí về những nhiệm vụ ưu tiên trước mắt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cam kết sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những định hướng lớn, những đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trong đó, trọng tâm là giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc.

"Phải tạo lập những bước bứt phá, tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ, trong bối cảnh chỉ còn hơn một năm nữa là tới Đại hội XIV. Phấn đấu về đích sớm, nhất là các chỉ tiêu kinh tế - xã hội", Tổng Bí thư chia sẻ.

Do thời gian chuẩn bị cho Đại hội XIV không nhiều, Tổng Bí thư cho rằng các tiểu ban phải tích cực chuẩn bị để hoàn thiện văn kiện, phục vụ cho đại hội đảng bộ các cấp. Trong số này, công tác cần được quan tâm, tập trung là phương án nhân sự để đáp lại sự kỳ vọng của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VGP.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VGP.

Mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước

Về công tác đấu tranh phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm thừa nhận, đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm, nhất là sau khi công cuộc đấu tranh được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động thu được nhiều kết quả tích cực.

Song song với đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng được tiến hành. Tổng Bí thư xác định, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục với tinh thần "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ - cảnh tỉnh cả vùng”.

Tổng Bí thư cho biết, dù vẫn còn một số những vấn đề cần khắc phục, Trung ương vẫn “thống nhất rất cao” về phương hướng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. "Sự đoàn kết, uy tín và trách nhiệm của lãnh đạo của các cơ quan phòng chống tham nhũng được tin tưởng rất nhiều. Do đó, công tác này phải tiếp tục được làm triệt để. Bằng mọi cách, chúng ta phải chiến thắng giặc nội xâm này", ông nhấn mạnh.

Sắp tới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước, theo Tổng Bí thư.

Ngoài ra, ông định hướng gắn liền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với cải cách hành chính; quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân để tạo ra khí thế mới, không gian mới phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: Quốc hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: Quốc hội.

Xây dựng một nền ngoại giao hiện đại

Về chính sách đối ngoại, Tổng Bí thư khẳng định, chính sách ngoại giao của Việt Nam “không có gì thay đổi”. Việt Nam sẽ tổ chức thật tốt, cũng như củng cố, phát huy hiệu quả đường lối ngoại giao mà các thế hệ đi trước đã đạt được thời gian qua.

Trên cương vị Chủ tịch nước, ông có dịp tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế. Rất nhiều ý kiến đánh giá tốt về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Trên cơ sở đó, tân Tổng Bí thư nhìn nhận, chính sách đối ngoại góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Một số vấn đề được Tổng Bí thư đúc rút và dự kiến thực hiện thời gian tới. Đó là, tiếp tục giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong hoạt động đối ngoại. Lợi ích quốc gia, dân tộc phải được đặt lên trên hết. Việt Nam sẽ luôn xác định là bạn với tất cả quốc gia trên thế giới và không để bị lôi kéo bởi những xu hướng quốc tế khác.

Tổng Bí thư Tô Lâm nói, Việt Nam sẵn sàng làm bạn, không kể nước lớn hay nước nhỏ, không kể xa hay gần, đồng thời kiên trì với đường lối này. Chính sách ngoại giao sẽ thể hiện, Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực; tham gia một cách tích cực trong giải quyết những vấn đề xung đột.

Nhằm xây dựng một nền ngoại giao hiện đại, Tổng Bí thư cho rằng cần thực hiện đồng thời cả ngoại giao cấp Nhà nước lẫn ngoại giao của nhân dân. Trong đó, ngoại giao cấp Nhà nước mang tính định hướng, đối ngoại của nhân dân sát thực tiễn, mang ý chí, khát vọng của người dân.

Lấy câu nói "Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Lấy chí nhân thay cường bạo”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đẩy mạnh quan hệ đối tác với các bạn bè, đối tác truyền thống, đưa quan hệ vào chiều sâu, thực chất, đồng thời củng cố nền đối ngoại ổn định, hòa bình, tạo điều kiện cho đất nước phát triển.

6 định hướng chiến lược mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cam kết đẩy mạnh theo tinh thần Đại hội XIII. Đó là: 

(1) Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không ngừng tăng cường đóng góp của Việt Nam vào hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

(3) Tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

(4) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(5) Khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm, phát huy cao nhất giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(6) Ưu tiên tập trung chỉ đạo có hiệu quả, chất lượng các văn kiện; công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất