| Hotline: 0983.970.780

Top 5 nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc, Việt Nam soán ngôi ‘quán quân’

Thứ Sáu 07/02/2025 , 19:26 (GMT+7)

Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,69 triệu tấn chuối, trị giá 907,7 triệu USD. Việt Nam giữ vị trí số 1 trong danh sách các nhà cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc.

Gian hàng chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2024. Ảnh: Hồng Thắm.

Gian hàng chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2024. Ảnh: Hồng Thắm.

Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ

Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 625,25 nghìn tấn chuối sang thị trường này, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng nhập khẩu chuối của nước này. So với năm 2023, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh 23,7%, giúp Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành nhà cung cấp chuối hàng đầu.

Bên cạnh sản lượng tăng trưởng, tổng giá trị xuất khẩu chuối từ Việt Nam đạt 261,45 triệu USD, tăng 7% so với năm trước. Tuy nhiên, giá trung bình chuối Việt Nam chỉ ở mức 418,1 USD/tấn, giảm 13,5% so với năm 2023, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ như Ecuador 667,6 USD/tấn hay Campuchia 642,3 USD/tấn. Mức giá cạnh tranh có thể là một trong những yếu tố giúp chuối Việt Nam mở rộng thị phần mạnh mẽ tại Trung Quốc.

Philippines sụt giảm đáng kể

Từng là nhà cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, năm 2024, Philippines rớt xuống vị trí thứ hai, chỉ xuất khẩu hơn 463,3 nghìn tấn chuối, giảm 32,4% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu cũng giảm mạnh 38,8%, chỉ còn 261,6 triệu USD. Giá chuối xuất khẩu trung bình của Philippines đạt 564,7 USD/tấn, giảm 9,3%, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với chuối Việt Nam.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu làm trầm trọng thêm những thách thức về sản xuất mà những người trồng chuối Philippines đang phải đối mặt, gồm chi phí sản xuất cao, sâu bệnh, vấn đề hậu cần và thời tiết bất thường. Theo tờ The Philippine Star, quốc gia này cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia cung cấp lân cận là Việt Nam, Campuchia và thậm chí là Lào.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Cheryl Marie Natividad-Caballero cho biết: “Những quốc gia này đã tăng cường năng lực sản xuất và có thể đưa ra mức giá thấp hơn, giúp chuối của họ hấp dẫn hơn ở các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Nhật Bản”.

Ecuador tăng trưởng âm

Ecuador là nhà cung cấp chuối lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc trong năm 2024, với khối lượng đạt hơn 248,4 nghìn tấn, giảm 6,6% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu giảm 9,6%, chỉ đạt 165,8 triệu USD. Giá chuối xuất khẩu bình quân của Ecuador vẫn ở mức cao 667,6 USD/tấn.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, xuất khẩu chuối của Ecuador sang Trung Quốc đã tăng 33%. Tuy nhiên, vấn đề của chuối Ecuador là hành trình từ Nam Mỹ đến Trung Quốc đã làm tăng giá trị nhập khẩu trung bình lên 690 USD/tấn. Điều này có nghĩa là tại thị trường Trung Quốc, chuối từ Ecuador đắt hơn chuối từ Việt Nam 41 lần. Trong suốt 5 năm qua, các thương nhân chuối của Trung Quốc và Ecuador cùng với chính phủ hai nước đã cố gắng giảm chi phí xuất khẩu chuối sang Trung Quốc.

Campuchia giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì vị thế

Với hơn 247,57 nghìn tấn chuối xuất khẩu, Campuchia cũng ghi nhận mức giảm 5,8% về sản lượng và 16,3% về giá trị, giữ vị trí là quốc gia cung cấp chuối lớn thứ 4 cho thị trường Trung Quốc trong năm 2024. Giá chuối xuất khẩu trung bình của Campuchia đạt 642,3 USD/tấn, vẫn cao hơn đáng kể so với chuối Việt Nam.

Lào - Đối thủ tiềm năng mới

Lào có sự tăng trưởng vượt bậc khi xuất khẩu hơn 79,73 nghìn tấn chuối sang Trung Quốc trong năm 2024, tăng 136,7% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt gần 39,8 triệu USD, tăng 70,3%. Dù có mức giá trung bình thấp hơn 498,6 USD/tấn, nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh của Lào có thể tạo ra sự cạnh tranh đáng kể cho chuối Việt Nam trong tương lai.

Zhang Zhongyi, Tổng Giám đốc của Beijing Yongxin Hengchang Fruit Co - một nhà bán lẻ chuối Lào tại Trung Quốc, cho hay, Lào có đất đai và khí hậu lý tưởng để trồng chuối, cho ra những quả chuối ngọt, mềm, khiến chúng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc.

Sự vươn lên của Việt Nam trong năm 2024 là một tín hiệu tích cực, cho thấy ngành sản xuất và xuất khẩu chuối của Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Với lợi thế về vị trí địa lý, chi phí vận chuyển thấp và giá thành cạnh tranh, Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị phần, ngành chuối Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị chuối Việt Nam có thể giúp tăng giá trung bình, nâng cao lợi nhuận và duy trì vị thế trên thị trường Trung Quốc.

Xem thêm
Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Nafoods và Tuấn An phát triển vùng nguyên liệu dứa

Sau chanh leo, Nafoods Group kỳ vọng thông qua dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa với đối tác uy tín là Công ty Nông sản Tuấn An.   

Đầu tư 19.000 tỷ xây cầu Tứ Liên kết nối trục Hồ Tây - Cổ Loa

Cầu Tứ Liên được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 5/2025, góp phần kết nối đô thị và thúc đẩy phát triển trục Hồ Tây - Cổ Loa.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất