| Hotline: 0983.970.780

TP HCM đã sẵn sàng truy xuất nguồn gốc thịt heo

Thứ Ba 08/11/2016 , 09:45 (GMT+7)

Sau nhiều tháng chuẩn bị, bắt đầu từ ngày 10/12 tới, TP HCM sẽ bắt tay vào thực hiện thí điểm chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. 

14-45-15_truy-xut-nguon-goc-thit-heo-nh-2
Quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smart phone (đồ họa của Ban Quản lý Đề án)
 

Chương trình còn chưa bắt đầu nhưng đã thu hút được sự tham gia của đông đảo trang trại, cơ sở giết mổ, doanh nghiệp chăn nuôi, nhà phân phối, chợ, tiểu thương…

Cuối tháng 10 vừa qua, 3 cơ quan ở TP HCM là Sở Công thương, Sở NN-PTNT và Chi cục Thú y đã tổ chức Lễ Công bố “Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” thuộc Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2016-2020”.

Theo Sở Công thương TP HCM, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (gọi tắt là Đề án) đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Sở Công thương, Sở NN-PTNT và Chi cục Thú y của nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh… Đặc biệt là sự tham gia của nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động sản xuất, giết mổ, phân phối thịt heo.

Cụ thể, đến hết tháng 10, đã có gần 1.000 trang trại, 11 cơ sở giết mổ (2 ở TP HCM, 5 ở Long An, 3 ở Đồng Nai và 1 ở Bình Dương) và 15 doanh nghiệp đăng ký tham gia Đề án. Trong đó, có nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín như: Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Cty Japfa Comfeed Việt Nam, Tập đoàn Masan, Cty TNHH Anh Hoàng Thy, Cty VISSAN, TCty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Cty CP Nông nghiệp Velmar, Cty TNHH TM - SX Trại Việt, Cty CP Anova Farm, Cty An Hạ ...

Những doanh nghiệp nói trên đều đã có hệ thống trang trại chăn nuôi theo hướng đảm bảo ATTP, chủ yếu tại các tỉnh lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An ... Như vậy, với số lượng trang trại và DN tham gia đông đảo như vậy, đã đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu thịt heo của TP.

Ở mảng phân phối truyền thống, có 2 chợ đầu mối đăng ký tham gia là Bình Điền và Hóc Môn. Đây là 2 chợ đầu mối rất quan trọng vì chiếm tới hơn 80% lượng thịt heo cung cấp cho TP. Điều đáng mừng là đã có 100% thương nhân kinh doanh heo mảnh và pha lóc tại chợ Hóc Môn đã đăng ký tham gia Đề án. Bên cạnh đó, đã có 4 chợ bán lẻ đăng ký tham gia triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành và Thái Bình (Quận 1), An Đông và Hòa Bình (Quận 5), với gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt heo tại 4 chợ đã đăng ký tham gia.

14-45-15_truy-xut-nguon-goc-thit-heo
Kinh doanh thịt heo ở chợ Hòa Bình, một trong 4 chợ bán lẻ đã tham gia Đề án
 

Ở mảng phân phối hiện đại, đến cuối tháng 10 đã có 5 hệ thống siêu thị và 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi đăng ký tham gia. 5 hệ thống siêu thị gồm Co.opmart (34 siêu thị đăng ký tham gia), Satramart (2 siêu thị), Big C (8 siêu thị), Aeon (2 siêu thị) và Aeon Citimart (13 siêu thị). 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi là Co.op Food (96 cửa hàng), Satrafood (88 cửa hàng), Vissan (49 cửa hàng), Sagrifood (5 cửa hàng) và 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm CP.

Điều đáng ghi nhận là ngoài những tiểu thương ở các chợ đã đăng ký tham gia, nhiều tiểu thương ở các chợ khác cũng muốn tham gia Đề án. Chính từ yêu cầu của tiểu thương mà UBND Quận 1 đã đề nghị Sở Công thương đưa 2 chợ khác trên địa bàn là Tân Định và Đa Kao vào chương trình nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, PGĐ Sở Công thương TP HCM, cho biết, một khó khăn lớn có thể ảnh hưởng đến Đề án là 85% sản lượng thịt heo cung cấp cho TP HCM đến từ các tỉnh lân cận. Do đó, để đảm bảo việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo được đúng thực chất, tạo được niềm tin của người tiêu dùng, trong thời gian tới, Đề án cần được nhân rộng, thực hiện ở các các địa phương khác.

Sẽ quản lý từ khi heo mới sinh

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, PGĐ Sở Công thương TP HCM, Đề án sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ triển khai thí điểm từ 10/12/2016 tại các đơn vị đăng ký tham gia ban đầu.

Từ 1/3/2017 sẽ triển khai chính thức trên toàn TP. Trong giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ.

Giai đoạn 2 của Đề án được dự kiến triển khai trong năm 2017. Giai đoạn này tập trung vào quản lý theo chu trình khép kín hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo từ khi mới sinh cho đến người tiêu dùng, và sẽ nhân rộng quản lý đến các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và các sản phẩm khác.

Truy xuất nguồn gốc thế nào?

Trước khi xuất chuồng, heo được lực lượng thú y kiểm tra rồi được đeo 2 vòng nhận diện vào chân. Sau đó, heo được đưa đến cơ sở giết mổ. Heo mổ xong được đưa tới chợ đầu mối.

Tại mỗi công đoạn này, vòng nhận diện đều được cập nhật thông tin. Ở các chợ bán lẻ, Ban quản lý chợ cung cấp tem truy xuất cho tiểu thương. Tiểu thương sẽ dán tem truy xuất lên thịt heo.

Khi mua thịt heo, người tiêu dùng sẽ dùng phần mềm có thể tải và cài đặt miễn phí dễ dàng trên điện thoại thông minh (smart phone) soi lên tem truy xuất. Bằng cách này, người mua có thể biết nguồn gốc con heo từ cơ sở chăn nuôi nào, đã được giết mổ, phân phối ở đâu …

Tem truy xuất được sản xuất theo công nghệ Tem Colorgram bản quyền của châu Âu. Tem này vừa giúp người tiêu dùng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, đường đi của sản phẩm, đồng thời lại là tem chống giả, chống sao chép, được theo dõi và kiểm soát liên tục trên điện toán đám mây.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.