166 con heo đã được tiêu hủy ở ổ dịch đầu tiên xuất hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh |
Ngay khi ổ dịch xuất hiện, thành phố đã cho tiêu hủy đàn heo bị dịch và khoanh vùng ổ dịch và vùng nguy cơ. Hiện nguyên nhân ổ dịch đang được Chi cục Chăn nuôi & Thú y TP.HCM cùng UBND quận 9 điều tra xác định rõ nguyên nhân.
Ông Nguyễn Phước Trung cho hay, quận 9 có số lượng heo ít, nên không ảnh hưởng đến việc cung ứng heo cho thành phố. Mặt khác, nguồn cung ứng tại chỗ từ các khu vực chăn nuôi thành phố chỉ đáp ứng 15-20%, chủ yếu từ các tỉnh đưa về.
“Đây là hộ chăn nuôi cho ăn thức ăn thừa, đây chính là nguyên nhân dễ làm lây nhiễm dịch bệnh. Khuyến cáo bà con thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, hạn chế sử dụng thức ăn thừa, nếu sử dụng cần nấu chín kỹ 30 phút, phương tiện vận chuyển thức ăn thừa và thùng chứa phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.
Quan trọng nhất là người chăn nuôi phải cương quyết không “nể nang” cho người lạ vào khu vực chăn nuôi”, ông Trung nhấn mạnh.
Về việc hỗ trợ người chăn nuôi có đàn heo bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi, ông Trung cho biết, thành phố sẽ có văn bản chính thức về chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, trên cơ sở sử dụng Nghị quyết số 16, hỗ trợ tối thiểu 80% đối với heo thịt, đối với heo nái sẽ có mức hỗ trợ theo đúng quy định.
Hộ bị dịch tả heo châu Phi nằm giáp ranh với tỉnh Đồng Nai |
Như NNVN đã đưa tin, ngày 11/6 TP.HCM đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại hộ chăn nuôi của bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM) với tổng đàn heo 166 con (23 nái sinh sản, 112 con heo thịt, 28 con cai sữa, 3 con bị chết).
Được biết, thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con; trong đó 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao đối với dịch bệnh này.