Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP TP.HCM mới đây tại Hội nghị về công tác đảm bảo ATVSTP trong trường học năm 2016, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức và Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Q.1 với 98 học sinh. Trong khi đó, 2 năm 2014 và 2015, mỗi năm chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm.
TP.HCM có khoảng 0,5 triệu bé mầm non sử dụng suất ăn hàng ngày và một bộ phận không nhỏ học sinh cấp 1, 2 bán trú sử dụng suất ăn.
Song song đó, toàn TP có gần 3.000 cơ sở dịch vụ ăn uống ở các cấp học, trong đó có 1.620 bếp ăn tập thể, 883 căng tin và 318 đơn vị nhận suất ăn sẵn. Với địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, việc giám sát chất lượng, đảm bảo ATVSTP là một thách thức không nhỏ.
Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, tình hình ngộ độc thực phẩm trong trường học đang có chiều hướng gia tăng, trong đó nguyên nhân vi sinh vật chiếm 52%, chủ yếu là vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) thường có trong móng tay, bàn tay của người chế biến thực phẩm. Vi khuẩn này không chết trong điều kiện nấu nướng bình thường, khiến người ngộ độc đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ngộ độc là việc bảo quản thực phẩm không đảm bảo, nhiều trường học ỷ lại các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn.
Bên cạnh đó, mức giá nguyên liệu thực phẩm ngày càng tăng trong khi giá suất ăn một số nơi còn khá thấp (10.000đ – 13.000đ/suất) nên cơ sở nấu ăn phải lựa chọn những nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, không đảm bảo an toàn.
Theo khuyến cáo của Chi cục ATVSTP, trường học có từ 1.000 học sinh trở lên nên tự tổ chức bếp ăn
Để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, Chi cục ATVSTP khuyến cáo các trường học có từ 1.000 học sinh trở lên nên tự tổ chức bếp ăn tập thể tại trường để có điều kiện bảo quản, chế biến, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Các cơ sở chế biến suất ăn phải tuân thủ thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn: Thực phẩm ngay từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hoặc đông lạnh); thời gian từ khi vận chuyển suất ăn sẵn đến khi ăn không quá 2 giờ (trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng như ủ nóng, tủ đông lạnh)…