Từ lâu, đông trùng hạ thảo đã được biết đến là một dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, tăng cường miễn dịch và một số công dụng khác.
Một trong những đặc tác dụng đáng chú ý nhất của loại nấm này là hoạt tính kháng ung thư, được ghi nhận trên nhiều dòng tế bào ung thư phổi, vú, gan, da… và trên chuột. Các thành phần hoạt tính sinh học có tác động chống ung thư chủ yếu từ polysaccharide, sterol, adenosine và đặc biệt cordycepin.
TS Xuanwei Zhou, Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học, Đại học Giao thông Thượng Hải chỉ ra 6 cơ chế kháng ung thư của đông trùng hạ thảo.
Đó là: (i) tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch và miễn dịch tự nhiên; (ii) ức chế có chọn lọc tổng hợp RNA, từ đó ảnh hưởng tới tổng hợp protein; (iii) hoạt động chống oxy hóa và chống các gốc tự do; (iv) chống đột biến; (v) làm nhiễu quá trình sao chép của virus cảm ứng khối u; (vi) cảm ứng methyl hóa nucleic acid.
Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo chưa được công nhận là thuốc do mắc phải những rào cản tương tự nhiều polysaccharide khác như, cấu trúc phức tạp dẫn đến hoạt tính và chuyển hóa phức tạp, không ổn định; cơ chế kháng ung thư chưa rõ ràng. Polysaccharide cũng tương đối khó tan, khiến cho cấu trúc của chất này trở nên phức tạp hơn.
Tại Việt Nam, người dân tiếp xúc với đông trùng hạ thảo còn hạn chế, một phần nguyên nhân nằm ở giá bán. Một sản phẩm hoàn chỉnh có thể lên tới vài, thậm chí chục triệu đồng. Ngược lại, một số mặt hàng khác có giá rẻ hơn, khiến người tiêu dùng băn khoăn khi chọn lựa.
Làm thế nào để ngày càng nhiều người Việt Nam được sử dụng đông trùng hạ thảo là mục tiêu được Hội đồng khoa học do PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng, Trưởng bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra.
Theo ông Trí, thế giới hiện có 2 chủng đông trùng hạ thảo chính, đó là Cordyceps militaris - sử dụng tương tự 1 loại nấm dược liệu, và thường được sản xuất, chế biến; Cordyceps sinensis - có giá thành cao, phân bố rất hạn chế trong tự nhiên (chủ yếu ở khu vực Tây Tạng) và hiện chưa được nuôi thành công trong môi trường nhân tạo.
Những sản phẩm được bán ngoài thị trường hiện nay đa số là Cordyceps militaris.
Về bản chất, đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh, phát triển trên ấu trùng của sâu bướm. Mùa đông, khi các ấu trùng sâu bướm vùi mình vào lớp đất để ngủ đông (đông trùng) tạo cơ hội cho loài nấm Cordyceps sinensis xâm nhập và ký sinh.
Đến mùa hè, loài nấm này sẽ phát triển mạnh mẽ, hút hết các chất dinh dưỡng bên trong ấu trùng và vươn dài cơ thể giống với hình dáng các loài thực vật (hạ thảo).
Là đơn vị thường tổ chức tour du lịch sang Trung Quốc, Công ty CP Tập đoàn Lữ hành Bắc Trung Nam cho biết, nhu cầu về đông trùng hạ thảo rất lớn. Hầu hết, người Việt Nam khi tham quan các điểm du lịch đều hỏi, hoặc sẵn sàng mua sản phẩm này nếu được đảm bảo về dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ.
Đơn vị mong muốn hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp để hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, quản lý chất lượng và thương mại hóa các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiếp cận người dùng từ dịch vụ lữ hành.
Ủng hộ quan điểm "bình dân hóa" đông trùng hạ thảo cho nhiều người có thể sử dụng, ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri), nhận xét, đây là hướng đi tiềm năng. Ông lưu ý thêm, rằng nếu sản xuất thương mại cần chú trọng việc đăng ký bản quyền tác giả, đăng ký thương hiệu, sau đó bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghệ.
Hiện một số người dân chưa biết, rằng phần ngọn đông trùng hạ thảo có hình thái đẹp, nhưng chất dinh dưỡng chủ yếu lại nằm ở phần đế. Các tác dụng chữa bệnh tiểu đường, tim mạch hay thậm chí là ung thư xuất phát từ đây.
Nhiều nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới cũng chỉ rõ, chiết xuất từ đông trùng hạ thảo có tác dụng giảm đường huyết bằng cách thúc đẩy sự chuyển hóa glucose, giảm nồng độ cholesterol toàn phần và chất béo trung tính trong huyết thanh nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch...
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Vitad-Agri đề nghị đối tác có thể hợp tác với người dân, liên kết chặt chẽ và đảm bảo chất lượng từ ngay vùng nguyên liệu. Cùng với đó, nghiên cứu thêm khả năng phát triển sản phẩm hữu cơ.
"Sản xuất đông trùng hạ thảo bằng phương pháp hữu cơ có nhiều lợi ích với sức khỏe, nhưng hiện còn ít sản phẩm có thể đảm bảo việc này", ông Nam chia sẻ, và nhấn mạnh rằng, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm, thúc đẩy sản xuất sản phẩm hữu cơ, nhất là với những sản phẩm tốt cho sức khỏe như đông trùng hạ thảo.
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Chủ tịch hội đồng ủng hộ ý tưởng về việc sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời cam kết đồng hành với đơn vị thực hiện trong khâu tư vấn chứng chỉ chất lượng, công nghệ chế tạo và xây dựng thương hiệu.