Danh nhân Lê Văn Duyệt, thường được dân gian gọi với tước hiệu Tả quân Lê Văn Duyệt, là một nhân vật có công lớn với sự hình thành vùng đất Gia Định. Danh nhân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại Cái Bè - Tiền Giang, hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định vào giai đoạn 1812-1815 và 1820-1832.
Không chỉ thiết lập phòng tuyến chống xâm lược, mà Tả quân Lê Văn Duyệt còn đưa ra nhiều quyết sách góp phần ổn định đời sống cư dân vùng Gia Định. Sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời năm 1832, người dân đã xây lăng mộ của ông ở khu vực Bà Chiểu để thờ phụng. Hàng năm, cứ cuối tháng 7 âm lịch, thì lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt được tổ chức rất long trọng và trang nghiêm. Lăng Lê Văn Duyệt được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.
Nhân lễ giỗ thứ 188 của danh nhân Lê Văn Duyệt, đường Đinh Tiên Hoàng ở quận Bình Thạnh đi ngang lăng Lê Văn Duyệt đã được chính quyền TPHCM đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt.
Đường Lê Văn Duyệt có chiều dài 947 mét, được gắn tên ngày 16/9, đã nhận được sự tán thưởng của đông đảo người dân quận Bình Thạnh nói riêng và TPHCM nói chung. Phó Giáo sư - Tiến sĩ sử học Hà Minh Hồng cho rằng: “Đặt tên đường Lê Văn Duyệt là đúng đắn. Bởi lẽ,với người dân khu vực Gia Định hàng trăm nay nay, danh nhân Lê Văn Duyệt khi sống được ca ngợi là tướng thần, và khi chết được bái vọng là phúc thần!”.
Danh nhân Lê Văn Duyệt chính thức được đặt tên đường tại TPHCM từ hôm nay, nhưng thực tế đã từng có đường Lê Văn Duyệt trước năm 1975. Nhà văn Lê Văn Nghĩa, một người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chia sẻ: “Đường Lê Văn Duyệt từ đầu cầu Bông đến ngã ba Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) có lộ giới thuộc loại “khủng” thời xưa là 30 mét. Thời Pháp , khoảng năm 1874, được gọi là đường l’Inspection nhưng dân cư khu vực nầy quen gọi là đường Hàng Thị. Không rõ trong thời gian nào trong thời Bảo Đại, đường l’Inspection được đổi tên là Lê Văn Duyệt. Đến tháng 8/1975, thì đường Lê Văn Duyệt trở thành đường Đinh Tiên Hoàng, và bây giờ đã được trở lại với tên đường cũ”.
Ngoài TPHCM phục hồi tên đường Lê Văn Duyệt, thì danh nhân Lê Văn Duyệt cũng được đặt tên đường ở nhiều tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng…