| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM phải quyết liệt hơn trong phòng chống dịch Covid-19

Thứ Hai 14/06/2021 , 18:29 (GMT+7)

Theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, sau hai tuần áp dụng giãn cách xã hội, TP.HCM chưa áp chế được dịch bệnh, xuất hiện các ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 14/6. Ảnh: TTBC.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 14/6. Ảnh: TTBC.

"Một người coi thường thì cả phường phải cách ly"

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 14/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, dù đã thực hiện tất cả các biện pháp, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, nhưng đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang rất phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây.

Số F1, F2 phải cách ly ngày càng lớn, số người mắc Covid-19 rất nặng cũng đang tăng dần, trong khi điều kiện cấp cứu có hạn, một số bệnh viện đã nhận hết công suất của mình.

Còn một số chuỗi lây nhiễm đã phát hiện, nhưng chưa kịp truy vết. Nhiều trường hợp phát hiện khi bùng phát âm thầm lây bệnh, rất khó đoán định. Trong khi các khâu tầm soát không thể bao quát, không thể phát hiện ở giai đoạn ủ bệnh. Ngày càng xuất hiện những ca lây nhiễm bất ngờ.

"Một số trường hợp do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác gây ra. Có thể thấy, từ một người bán nước giải khát, đã lây cho rất nhiều người, thành chuỗi lây nhiễm. Hay từ một nhân viên hành chính của một bệnh viện lây nguy hiểm cho một “thành trì” – một đơn vị có chức năng tiêu biểu đứng đầu trong phòng chống dịch Covid-19; hay một tiệc nhậu đã gây hậu quả cho nhiều gia đình, lây lan đến cả vùng…", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, tình hình đang đặt cho TP.HCM một thử thách rất lớn. Biện pháp nào để kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời để phục hồi dần sản xuất để nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp… hoạt động trở lại theo tinh thần chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với quyết tâm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” trên địa bàn TP.HCM?

"TP.HCM cần tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, tương ứng một chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể SARS-CoV-2 mới hiện nay.

Việc áp dụng giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM có đủ thời gian, điều kiện để an tâm quyết định những vấn đề quan trọng khác.

Đối với những nơi có nguy cơ cao, dự liệu những tiềm ẩn khó đoán định, không thể kiểm soát được thì có thể áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch cao hơn.

Những nơi đảm bảo an toàn cao, kiểm soát an toàn được, chủ động các biện pháp phòng ngừa căn bản, có thể áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19", Bí thư Nên nói.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, TP.HCM có thể áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể nhịp nhàng để mọi kế hoạch hành động đều phải được chủ động. "Hạn chế tối đa thiệt hại khi không cần thiết. Khi mọi biện pháp linh hoạt để đảm bảo “mục tiêu kép” đi kèm với các biện pháp chặt chẽ để thực hiện một cách khả thi”.

Ông Nên đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ cho Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm lại cho chắc chắn, khách quan, có biện pháp “chặn dịch” sớm nhất điểm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Đồng thời, tăng cường nâng cao ý thức của từng người, từng nhà, từng cơ quan đơn vị, địa phương theo tinh thần tự quản. “Một người lơ là thì cả nhà phải chịu khổ, một người chủ quan là cả làng phải vất vả, một người coi thường thì cả phường phải cách ly”, ông Nên nói.

Cầu Bình Triệu thông thoáng hơn khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cầu Bình Triệu thông thoáng hơn khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đánh giá nguyên nhân để có giải pháp giãn cách xã hội phù hợp

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả phòng chống dịch của TP.HCM cũng như những giải pháp hiệu quả trong thực hiện “mục tiêu kép”. Nhờ đó, kết quả kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm của TP.HCM có nhiều điểm sáng, trên các lĩnh vực đều có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng.

"Tuy nhiên, sau hai tuần áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, chưa đáp ứng được như mong muốn, kỳ vọng của TP.HCM. Chưa áp chế được dịch bệnh, xuất hiện một số ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây. Yếu tố khó lường, bất cập vẫn còn tồn tại, đòi hỏi TP.HCM cần có biện pháp quyết liệt hơn", Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhận định.

Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp linh hoạt cho từng khu vực trên địa bàn TP.HCM.

Ông cũng đề nghị TP.HCM cần đánh giá, phân tích kỹ về nguyên nhân, tình hình thực tế, làm rõ các nguồn lây để có giải pháp hiệu quả. Song song với đó, quản lý, nắm chắc cơ sở, địa bàn dân cư, không để lọt các hoạt động vi phạm làm ảnh hưởng đến quá trình phòng chống dịch. “Cần đánh giá kỹ hơn nguyên nhân để tiếp tục có giải pháp giãn cách xã hội phù hợp. Khi đánh giá phải tính đến cả giải pháp để đạt “mục tiêu kép” và an sinh xã hội đối với người dân”.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần quản lý chặt chẽ các hoạt động cộng đồng, hoạt động mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, khu cách ly...

"Rút kinh nghiệm như Bắc Giang, Bắc Giang, Đồng Nai phát hiện kịp thời ngăn chặn tại các khu công nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, giãn cách an toàn, có quy trình chặt chẽ. Nhất là các dây chuyền khép kín như dây chuyền sản xuất điện tử, nơi sản xuất thức ăn gia súc, nơi sản xuất thực phẩm...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hướng dẫn người dân khai báo y tế khi ra vào quận Gò Vấp trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hướng dẫn người dân khai báo y tế khi ra vào quận Gò Vấp trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xử lý hàng giả, kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế

Trong tình hình dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu củng cố lại công tác điều tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch; khẩn trương điều tra danh sách người tiếp xúc gần (F1, F2) để cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

Tiếp tục điều tra dịch tễ đối với các trường hợp tiếp xúc gần để cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, sắp xếp, điều phối, tiếp nhận và thực hiện mẫu xét nghiệm theo nhóm ưu tiên giữa các cơ sở xét nghiệm phù hợp với công suất, đảm bảo kịp thời có kết quả xét nghiệm của F1 trong vòng 8 - 12 giờ và F2 trong vòng 24 giờ.

Thực hiện giãn cách triệt để tại nơi làm việc và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc đối với cán bộ công chức. Bếp ăn tập thể tại cơ quan chỉ mang đi, không ăn chung. Sau giờ làm việc, cán bộ công chức, người lao động gương mẫu ở nhà toàn thời gian.

Từ thực tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Y tế TP.HCM đánh giá tổng thể các nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bổ sung các phương án phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, không để xảy ra trường hợp tương tự. "Dịch xảy ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho chúng ta một bài học rất sâu sắc", ông Phong nói.

Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế, quận - huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch với yêu cầu 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm.

Sở Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế; đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch, nhất là các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM tăng cường công tác vận động để hỗ trợ cung ứng, phân bổ các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn, khu vực đang bị cách ly.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...