| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15

Thứ Hai 14/06/2021 , 10:55 (GMT+7)

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn TP.HCM trong vòng 14 ngày kể từ ngày 15/6 để khống chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Người dân TP.HCM hạn chế ra đường hơn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, khiến những con đường thường ngày tấp nập, đông đúc trở nên vắng vẻ đến lạ thường. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân TP.HCM hạn chế ra đường hơn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, khiến những con đường thường ngày tấp nập, đông đúc trở nên vắng vẻ đến lạ thường. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 14/6, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM với các quận huyện.

Chủ trì cuộc họp tại điểm cầu UBND TP.HCM là Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong để cùng bàn phương án quyết định có tiếp tục giãn cách xã hội tại TP.HCM hay không. 

Tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh TP.HCM ghi nhận 819 ca mắc Covid-19 và đã thực hiện 15 ngày giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15 +, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16 

Báo cáo tại cuộc họp Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, sự xuất hiện liên tiếp hàng loạt các chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM trong thời gian khoảng giữa tháng 5 cho thấy, nhiều khả năng dịch Covid-19 xâm nhập vào TP.HCM từ đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ và đã lây lan âm thầm ít nhất 2 - 3 thế hệ.

"Chủng virus gây bệnh là chủng Delta có đặc tính phát tán, lây lan nhanh và mạnh trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân; dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ và lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phịng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao", ông Bỉnh phân tích.

Theo đó, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15, đặc biệt tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 áp dụng theo Chỉ thị 16 và phong tỏa những khu vực ổ dịch, đến nay, các ổ dịch lớn trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 đã được kiểm soát, khống chế sự lây nhiễm.

"Do trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc tiếp xúc trực tiếp đã được hạn chế đến mức thấp nên các ca bệnh hầu như chỉ lây lan do sự tiếp xúc của những người trong cùng gia đình ổ dịch ở xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư EHome3, hộ dân ở TP Thủ Đức. Đó chính là lợi điểm của giãn cách xã hội trong phòng chống dịch", ông Bỉnh nói.

Đối với khu vực sản xuất, trong chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt, nhưng nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực nguy cơ có ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài cộng đồng vào do mối giao lưu, tiếp xúc của công nhân.

Do đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiếp tục biện pháp giãn cách xã hội trên toàn Thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế giao lưu, tiếp xúc, khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta (chủng virus phát hiện tại Ấn Độ) gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại TP.HCM.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: TTBC.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: TTBC.

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại TP.HCM ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận - huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ 18/5 đến 13/6 là 821 ca tại 22 quận - huyện, TP Thủ Đức gồm Gò Vấp (115 ca, 14/15 phường có ca bệnh), quận 12 (72 ca, 7/11 phường), Bình Thạnh (66 ca, 9/20 phường), Tân Bình (63 ca 10/15 phường), Bình Tân (61 ca, 7/11 phường), Tân Phú (51 ca, 11/11 phường).

Tính riêng từ ngày 18/5 đến 23/5, TP.HCM phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm gồm chuỗi “Công ty Grove ở quận 3” và chuỗi “Bánh canh cá lóc O Thanh quận 3”; từ ngày 26/5 phát hiện chuỗi “điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng”; và từ 2/6 đến nay, phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác chưa rõ nguồn gốc.

Theo Giám đốc Sở Y tế, chuỗi lây nhiễm tại điểm nhóm Hội thanh truyền giáo Phục hưng, từ ngày 26/5 đến nay có 470 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Các nhánh chính của chuỗi gồm Khách sạn Sheraton (quận 1); Cửa hàng cà phê Trung Nguyên (quận Tân Bình); Trường Mầm non song ngữ KID TOWN (quận 12); Khu nhà trọ Phường 5, Gò Vấp; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (quận Tân Phú); Công ty TNHH đầu tư dịch vụ THIÊN TÚ FN (quận Tân Bình); Bệnh viện FV. Các chánh này cơ bản đã được kiểm soát.

“Ngoài ra, trong chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Như vậy đến nay chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng” cơ bản đã được kiểm soát”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định.

Ổ dịch trong công ty quận 3 (phát hiện từ ngày 18/5, có 6 ca mắc Covid-19); Ổ dịch tại quán bánh canh ở quận 3 (phát hiện từ ngày 21/5, có 7 ca) cũng đã được kiểm soát.

Bên cạnh đó, từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết TP.HCM đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng, gồm chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư E Home 3; giáp ranh Bình Tân và quận 8 có 48 ca, trong đó có 1 công nhân làm việc tại công ty Pouchen và 2 công nhân làm việc tại công ty Tỷ Hùng đều thuộc quận Bình Tân.

Cũng thuộc khu dân cư E Home 3, ngày 30/5 phát hiện 2 bệnh nhân trong 1 gia đình tại block A6, có liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng; ngày 12/6 phát hiện 4 bệnh nhân trong 1 gia đình ở block A1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM; ngày 13/6 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm cư ngụ ở block A9.

"Với đặc điểm khu dân cư sử dụng chung các cơ sở hạ tầng có thể nhận định khu dân cư E Home 3 là 1 ổ dịch. Hiện đã phong tỏa tòan bộ Khu dân cư này", ông Bỉnh nhận định.

Riêng chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM phát hiện 55 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là nhân viên bệnh viện thuộc 13 khoa phòng, bộ phận. "Nhận định ban đầu đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược, trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch khu dân cư Ehome 3", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Liên quan đến ổ dịch này đã phát hiện thêm 1 nhân viên Khoa Vi sinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định (vợ của nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), từ đó lây thêm cho 1 đồng nghiệp cùng khoa. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên y tế, kết quả đều âm tính SARS-CoV-2.

Ngoài ra, TP.HCM ghi nhận thêm chuỗi lây nhiễm Xưởng Cơ khí Hóc Môn (49 ca Covid-19, tại các quận huyện Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình); Chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức (7 ca Covid-19); Chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn (10 ca Covid-19); Chuỗi lây nhiễm ấp Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn (24 ca Covid-19).

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.