HLV Park Hang-seo chịu áp lực đạt kết quả cao tại AFF Cup 2018 |
Tại cấp độ châu Á, Việt Nam luôn đặt yêu cầu “nóng máy” lên hàng đầu. Tại giải U23 hồi đầu năm, thầy trò HLV Park Hang-seo phải chạm trán ngay đối thủ mạnh Hàn Quốc trong trận mở màn. Kế đó là Australia, và cuối cùng là Syria. Đó đều là những đội bóng trên cơ, xét trên tương quan trước khi bước vào giải. Nếu không thể giành kết quả có lợi ngay từ đầu, hẳn cơ hội đi tiếp sẽ hẹp với chúng ta.
Điều tương tự cũng đến ở ASIAD 2018. Dù Nepal và Pakistan đều bị xem là chiếu dưới nhưng cả hai đối thủ này đều rất bí ẩn. Qua băng hình, chúng ta không thể đo đếm được sức mạnh của đối thủ. Chính chiến thắng 3-0 ngày mở màn trước Pakistan là bản lề, mở ra cánh cửa vào vòng loại trực tiếp cho Việt Nam.
Nhưng tại AFF Cup là câu chuyện rất khác. Trong nhiều năm, việc vào vòng 4 đội chưa bao giờ là thách thức với Việt Nam. Năm 2014, tướng mới Toshiya Miura chơi ấn tượng vòng bảng và được đánh gía rất cao khi vào bán kết gặp Malaysia, dù thất bại sau đó. Hai năm sau, một tân tướng quân khác – Hữu Thắng – cũng làm nức lòng người hâm mộ khi thắng như chẻ tre tại vòng bảng. Nếu không bất ngờ sảy chân tại Mỹ Đình, chiếc vé đi tiếp hoàn toàn nằm trong túi Việt Nam.
Rõ ràng, yêu cầu ở cấp châu lục ngược hẳn với AFF Cup. Việt Nam cần chơi tốt và bắt nhịp sớm khi ra biển lớn, nhưng tại đấu trường châu lục, chúng ta lại gặp vấn đề khi vào sâu. Đó có thể là việc sử dụng những phương án B, việc cất những quân bài trong tay áo, hoặc đơn giản chỉ là công tác làm tâm lý, sao cho cầu thủ luôn giữ được sự tập trung. Việc có kết quả tốt trước Hàn Quốc hay Australia có tác dụng rất khác so với việc giành 3 điểm trước Lào hoặc Campuchia.
Sau một năm đến Việt Nam, lần đầu tiên “Ngài Park nhiệm màu” sẽ được thử sức với “ao làng” Đông Nam Á. Dù có tính cạnh tranh thấp hơn, nhưng như chính ông thầy người Hàn Quốc từng ngụ ý, mỗi giải đấu có sự khó khăn khác nhau. Vào bán kết châu Á không đảm bảo cho một kết quả cao tại đấu trường nhỏ hơn, là Đông Nam Á. Nếu như đấu với các đội mạnh hơn, chúng ta cần phòng ngự phản công, chơi chắc chắn và tập trung, thì khi đọ sức với các đội yếu hơn, Việt Nam lại phải tránh tâm lý tự mãn và duy trì khao khát chiến thắng tới tận trận đấu cuối cùng.
Cũng cần nhớ rằng AFF Cup là giải đấu cấp đội tuyển. Độ khốc liệt sẽ cao hơn so với những gỉai trẻ như U23 hay ASIAD. Và chỉ có chiến thắng tại AFF Cup mới chứng tỏ rằng bóng đá Việt Nam đã thực sự có bước tiến, thay vì là phút loé sáng nhất thời của một vài cá nhân.