| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/02/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 19/02/2019

Trả lại vẻ đẹp tâm linh

“Đi lễ cả năm không bằng ngày Rằm Tháng Giêng”, người xưa đã đúc kết như vậy, nên con cháu bây giờ cũng rất háo hức với việc đi chùa đầu năm âm lịch.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vẻ đẹp tâm tính ấy đang bị trục lợi bởi những nghi lễ cầu kỳ và tốn kém. Vào chùa lạy Phật để cầu bình yên cũng là một tín ngưỡng dân gian, nhưng cúng sao giải hạn lại là một điều khó hiểu. Dù không công khai, nhưng số tiền mà những ngôi chùa nổi tiếng có thể thu được trong Tháng Giêng từ dịch vụ cúng sao giải hạn có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là một hoạt động mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chủ trương, mà cũng chưa có biện pháp ngăn chặn.

Thượng tọa Thích Trí Chơn – Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TPHCM bày tỏ quan niệm: “Mọi thứ trong đời đều do mình quyết định, nỗ lực thay đổi, thực hiện mà thành. Chứ không có ngôi sao nào đủ năng lực chi phối để phải cúng sao. Cần giữ niềm tin nhân quả mới biết cách để kiến tạo cuộc sống của mình tốt lên, chứ không dựa dẫm bất kỳ ai, kể cả Đức Phật!”.

Làm sao để trả lại vẻ đẹp tâm linh cho hành vi đi chùa lễ Phật đầu năm? Phương pháp hiệu quả nhất là kích hoạt tinh thần văn minh của cộng đồng để duy trì không gian văn hóa nơi khói hương thần thánh. Cán bộ, công chức nên làm gương trước, hòng giúp các thành phần quần chúng khác noi theo. Có một sự thật đáng ê chề là những người được xem như biểu tượng thành đạt nhất trong xã hội lại cổ vũ cho trào lưu cúng bái rườm rà phức tạp. Mâm cỗ hoành tráng được bưng bê rồng rắn vào chốn thờ tự rồi xì xụp khấn nguyện cầu phước cầu lộc, vừa tạo cảnh xô bồ nhếch nhác vừa xả rác gây ô nhiễm môi trường. Nếu chức sắc tôn giáo kiên quyết khước từ thái độ hối lộ thần thánh ấy, thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ một cách hoan hỉ!

Ở phía Nam, chùa Bà Thiên Hậu tại thành phố Thủ Dầu Một – Bình Dương là một địa chỉ thu hút hàng triệu người hành hương lễ Phật mỗi dịp Rằm Tháng Giêng. Cảnh chen chấn và hỗn loạn mấy năm trước đến hôm nay đã được khắc phục hoàn toàn. Kinh phí cho sự chấn chỉnh ấy không phải do ngân sách chi ra. Chính quyền chỉ đưa chủ trương và hơn 100 hộ dân sinh sống quanh khu vực chùa Bà Thiên Hậu đã chung tay đóng góp để có được một lễ hội miễn phí. Giữ xe miễn phí, nước uống miễn phí, bánh mì miễn phí, cơm chay miễn phí, nhà vệ sinh cũng miễn phí… Không còn bán mua trả giá thì du khách thập phương cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản những bước chân vào viếng chùa Bà Thiên Hậu. Không thể nói khác, chính tấm lòng thiện nguyện của những người dân thành phố Thủ Dầu Một đã kiến thiết một hình ảnh trong sáng và an vui cho đô thị này.

Mỗi năm chỉ có một ngày Rằm Tháng Giêng, đừng để tâm hồn vẩn đục vì những ham muốn quái gở. Hãy giữ gìn nét văn hóa đi chùa như một vẻ đẹp của người Việt thời hội nhập.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm