Làng Trà Văn A (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) nằm nép mình bên dòng suối Nước Xe. Từ bao đời nay, con suối hiền hòa này quanh năm róc rách chảy mang theo những giọt nguồn từ núi nuôi nấng bao thế hệ con người nơi đây.
Đến một ngày nó không còn hiền hòa nữa. Cơn bão số 9 đi qua kéo theo sự giận dữ của dòng nước. Suối bỗng chốc gào thét, cuồn cuộn chảy cuốn đi tất cả. Những căn nhà nhỏ bình yên, bao nhiêu tài sản mà những người dân hồn hậu, chất phác bao đời tích cóp mới có được chẳng còn sót lại gì.
29 ngôi nhà ở làng Trà Văn A bây giờ chìm ngập trong bùn đất và cả đá. Một vài nơi chỉ còn trơ lại cái nền nhà. Dường như, cái buổi tối kinh hoàng đó sẽ còn ám ảnh mãi với người dân trong ngôi làng nhỏ.
Chị Hồ Thị Thu (thôn Trà Văn A) nhớ lại: “Tối đó, trời mưa như trút nước. Rồi bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng nổ lớn, cả trời đất như rung lắc. Hai vợ chồng chỉ kịp ôm 2 đứa con lao ra phía ngoài, toàn thân uớt nhẹp. Cả làng chạy ùa ra phía nhà làng ở phía sau. Vừa ra đến nhà làng, khoảng 10 phút sau đó nhìn lại thì nước đã ngập tới nóc nhà, nhanh lắm”.
May quá, cả làng đều kịp chạy thoát khỏi sự hưng dữ của thủy thần. Cả tối hôm đó, hơn 100 con người ngồi chen chúc nhau bên ngôi nhà làng. Phía trước thì nước vẫn cuồn cuộn chảy, sau lưng núi ầm ào đổ xuống. Mọi người như nín thở. “Nếu như không có cái kè đá chắc chắn phía sau nhà làng thì mọi người không biết sẽ như thế nào nữa”, già Hồ Văn Hồng (72 tuổi) kể.
Sáng ngày hôm sau, cơn lũ tạm dứt, nhưng phía trước mặt họ là một bãi hoang tàn, ai cũng ngơ ngác nhìn nhau. Con đường dẫn vào làng bị chắn ngang bởi những ngọn đồi ầm ào đổ xuống khiến họ quay quắt bên dòng nước lũ. Cây cầu treo cũng bị cuốn phăng, chỉ còn lại những mố cầu nằm rải rác ở đôi bờ. Ở giữa, dòng nước vẫn đang chảy xiết.
Nhiều ngày liền, họ sống trong cảnh bị cô lập, từng ngày dõi mắt về phía bên kia để chờ mong sự hỗ trợ từ bên ngoài. Phải 3 ngày sau, khi lớp bùn non khô lại, đóng váng, lực lượng chức năng mới mở đường đến được nơi đây. Lúc này, quầy tạp hóa nhỏ của chị Thu tấp nập người ra vào. Họ không đến đây để mua mà chờ mong những đoàn cứu trợ đến giúp họ có cái ăn sau những cố gắng ngày cầm cự.
Hướng đôi mắt về phía căn nhà nhỏ của mình, tay mân mê vạt áo, chị Thu buồn bã: “Cũng may là người dân chúng tôi được hỗ trợ kịp thời, giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng những ngày tới phải tiếp tục cuộc sống như thế nào đây khi mọi tài sản đều mất hết cả rồi”.
Ngày cơn lũ tràn về, cả nhà chị Thu chỉ biết nhanh chân chạy để bảo toàn tính mạng. Khi mọi người đã an toàn, 2 vợ chồng định quay lại căn nhà để lấy tiền đang cất ở trong tủ nhưng không kịp. Căn nhà dần chìm nghỉm trong nước, cuốn trôi.
“Cả trăm triệu tiền hàng, tiền người dân gửi để lấy hàng đều mất hết. Mấy ngày nay vợ chồng tôi cứ tìm kiếm mãi nhưng không có kết quả gì”, nói rồi, chị Thu lại tiếp tục men theo bờ suối đào bới, lục lọi. Trong sự hy vọng, chị vẫn mong có thể nhìn thấy chút tài sản gì đó của mình.
Cách đó không xa, dưới tấm bạt bay phần phật, 5 người trong gia đình bà Hồ Thị Phanh đang tá túc trên phần nền nhà trơ trọi. Bà đưa ra mấy gói mì tôm, nói xã vừa cho từ hai bữa trước, bà Phanh bảo, bây giờ có cái bỏ vào bụng là tốt rồi. Cứ như thế này không biết đến bao giờ chúng tôi mới trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Nhà cửa thì không còn, ruộng nương cũng bị nước lũ cuốn đi hết cả. Nói rồi, bà Phanh nhặt đống ván gỗ làm củi nhen bếp lửa. Thức ăn của cả nhà trong bữa trưa hôm này chỉ có mấy ngọn rau khoai nấu với mỳ tôm.
Ông Hoàng Đình Ba, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kim cho biết, may mắn là mọi người trong làng đều bình an. Nhưng bây giờ cuộc sống của họ khó khăn lắm. Nhiều người đã tạm trú tại nhà của người thân mình nhưng cũng có nhiều nhà phải dựng lều bằng các tấm bạt cũ còn sót lại để tạm thời sinh sống qua ngày.
“Địa phương đã huy động toàn lực để tiếp tế cho bà con trong những ngày vừa qua. Hiện tại, xã đã bố trí cho những hộ bị mất nhà lên nhà làng ở tạm, nhưng để dựng được nhà mới cho họ thì khó lắm. Nhân, tài, vật, lực đều thiếu. Ít nhất là trong khoảng 2 tuần tiếp theo bà con phải ở tạm nhà làng rồi tính tiếp", ông Ba cho hay.
Cũng theo ông Ba, đối với thôn Trà Văn A, việc bố trí, sắp xếp dân cư rất khó khăn do không có mặt bằng. Theo tính toán, thì xã sẽ phải sử dụng diện tích sân vận động ở giữa làng để bố trí cho những hộ bị mất nhà.
“Về lâu dài sẽ bộn bề gian khó. Khó nhất là địa điểm, chỗ ở và làm sao để tái thiết, ổn định được đời sống nhân dân khi ruộng rẫy bị mất rất nhiều. Tất nhiên, nhà nước và những nhà hảo tâm sẽ không để họ bị đói. Nhưng đó vẫn chỉ là tạm thời, vì đã mất đất sản xuất, họ lấy gì để phát triển kinh tế gia đình”, ông Ba chia sẻ.