| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 18/11/2022 , 14:05 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 14:05 - 18/11/2022

Trái phiếu doanh nghiệp không thể phát hành tùy tiện

Trái phiếu doanh nghiệp đã được xác định là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, thì nhất định phải xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh.

Sau hai vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị khởi tố, liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phơi bày nhiều bất ổn về phương thức vận hành lẫn phương thức quản lý.

Tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Quan trọng hơn, chỉ có 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo, nghĩa là 53,52% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hàng mà không có tài sản đảm bảo.  

Chỉ trong vòng vài tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã vội vàng mua lại trái phiếu trước kỳ hạn do lo sợ những hệ lụy pháp lý, và nhiều khách hàng cũng sốt ruột đòi bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thực sự đối mặt với sự khủng hoảng niềm tin.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tồn tại chủ yếu dựa trên tam giác quan hệ doanh nghiệp, ngân hàng và khách hàng. Trong đó, khách hàng là đối tượng yếu thế nhất. Bởi lẽ, khách hàng hầu như không phân biệt được hai loại trái phiếu doanh nghiệp khác nhau.

Thứ nhất là trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép (thực hiện theo Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP).

Thứ hai là trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phảm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng (thực hiện theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP).

Khi doanh nghiệp và ngân hàng ung dung xem khách hàng như những “con cừu non” thì khách hàng không thể “tự tìm hiểu, tự mua và tự chịu trách nhiệm” với trái phiếu doanh nghiệp. Khách hàng nào có thể yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp số liệu đầy đủ và chính xác về doanh nghiệp phát hành triếu phiếu, khi ngân hàng cố tình đánh tráo khái niệm “chứng khoán vay nợ” và “tiết kiệm linh hoạt”?

Nếu ngân hàng chỉ dùng uy tín để “cung cấp dịch vụ” và “hưởng phí dịch vụ” mà không cần dùng chuyên môn tín dụng để thẩm định trái phiếu doanh nghiệp khi tư vấn cho khách hàng, thì khác gì buôn bán dự án ma và hàng hóa lậu?

Trái phiếu doanh nghiệp đã được xác định là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, thì nhất định phải xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh. Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng từ có sử dụng quốc hiệu và quốc huy, cho nên cần giám sát chặt chẽ.

Không thể chấp nhận doanh nghiệp có tổng tài sản 1 ngàn tỷ đồng mà lại phát hành số lượng trái phiếu có giá trị lên đến 25 ngàn tỷ đồng. Không thể chấp nhận loại trái phiếu doanh nghiệp được tùy tiện đưa ra thị trường mà không tài sản đảm bảo, không ngân hàng bảo lãnh phát hành, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.

Bình luận mới nhất