Chuyến “đi săn” hụt
Mọi năm, cây mơ tím của bà Tình ở xóm Quýt, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) ra quả cứ từng chùm trĩu trịt, được đến hơn 100kg, để rụng đầy dưới gốc không người ăn, cũng chẳng ai thèm hỏi mua. Thế mà năm nay nó chỉ đậu được cỡ vài chục quả. Buổi trưa hôm đó, thằng cháu đến nhà bà chơi đã mang theo cả lọ muối ớt rồi trèo tót lên cây, bứt sạch, phần ăn ngay tại chỗ, phần mang về. Nó là một đứa hảo chua.
Ông Nguyễn Minh Sáng chồng bà Tình kể, cách đây hơn 20 năm có xin nhà ông trẻ ở xóm Bài hai cây mơ, một quả tím, một quả trắng về trồng trong vườn. Cây mơ quả trắng vừa rồi bán được 3,5 triệu đồng, còn cây mơ quả tím này ông muốn dành để lại cho các cháu ăn nhưng chẳng mấy đứa thèm bứt.
“Trước đây, quả mơ tím được đổi lấy muối, lấy gạo hay bán lấy tiền nhưng rất rẻ mạt. Hồi đắt nhất 10kg mơ tím quy ra chưa được 3kg gạo. Chúng tôi toàn bán ngoài chợ nên cũng chẳng biết người ta dùng nó vào mục đích gì.
Mơ tuy ngâm được nhưng cũng chẳng mấy người trong nhà thích, còn dùng tươi thì không được chuộng bằng quả sấu, để tủ lạnh từ năm ngoái sang năm nay vẫn còn nấu canh chua tốt, rất tiện. Giờ nhà ông trẻ tôi đã phá hết mấy cây mơ tím bởi trước trồng làm kinh tế, sau kém nên phá thôi. Ngay cái cây mơ tím của tôi một cành lớn đã mục, khô trên cây rồi.
Ngày xưa trong vườn nhà tôi có giống mận quả to bằng cái chén vừa, giống đào quả to bằng cái chén tống, ăn rất thơm ngon nhưng giờ cũng mất, cứ đến tuổi là chúng bị chết, lạ thế, không biết do sâu bệnh hay do già. Trong quá trình trồng cây mơ tím này tôi cũng không để ý gieo hạt hay chiết ghép lấy giống gì cả”, ông Sáng tâm sự.
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên thực vật (thuộc Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), những giống cây trồng có màu sắc thường chứa những hợp chất hữu cơ mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp được, rất có lợi về dinh dưỡng. Các loại thực vật quả cây có màu tím chứa nhiều antocyanin chống oxy hóa tế bào, bảo vệ thành mạch máu, chống xơ vữa và ngăn tắc mạch máu.
“Trong quá trình bản tồn, rất hay là sự đa dạng, độc đáo của giống cây trồng phụ thuộc theo lát cắt của địa lý và của con người. Vùng núi Ba Vì nằm ở lưu vực sông Đáy nên có nhiều giống cây từ trên rừng trôi về. Xã Yên Bài của huyện Ba Vì vốn rất nhiều mơ, có cả một thôn tên là Suối Mơ. Quá trình đi tìm các loại cây có quả màu tím, tôi thường hay nhờ các giáo viên để họ hỏi học sinh thì chúng bảo vùng này có cây mơ tím.
Thông tin đầu tiên về cây mơ tím mà tôi được biết cách đây gần 20 năm. Quả mơ có màu sắc đặc biệt này rất tiện cho làm siro hay chế biến bởi thịt nhiều, nước nhiều nhưng do công nghệ sau thu hoạch của mình kém nên chúng thường chỉ dùng vào việc ăn tươi, không phát triển được. Hồi đó tôi đã nghĩ đến việc chế biến mơ tím thành rượu nhưng rồi không đi đến đâu cả”, ông Hưng kể.
Sau thời gian bị ngắt quãng, lãng quên, TS Nguyễn Khắc Quỳnh, một đồng nghiệp của anh Hưng đã đi điều tra lại xem nó còn hay đã mất. Trước tiên, anh lân la ra các khu chợ địa phương vào đúng mùa mơ để dò hỏi những nhà ai đang có rồi đi tìm. Lần đến UBND xã Yên Bài, anh gặp đúng con trai của bà Tình tên là Nguyễn Anh Tuấn đang làm cán bộ quân sự xã. Anh này nói rằng ở nhà mình còn 1 cây, nhà cô ruột còn 1 cây và nhà ông Đức Anh ở xóm Cổng Trời còn 1 cây.
Theo TS Quỳnh, tiêu chí để lọt vào danh mục nguồn gen giống cây trồng nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định cần phải đảm bảo cả 2 tính hiếm và quý. Tiêu chí đánh giá tính hiếm bao gồm: Hệ số đa dạng <0,25%, tỷ lệ hộ trồng tại nơi xuất xứ <10% tổng số hộ. Theo diện tích trồng: Cây lương thực <0,5ha, rau và hoa <0,1ha, cây công nghiệp hàng năm <0,3ha. Teo số cá thể: Cây công nghiệp lâu năm <250 cá thể; cây ăn quả, cây cảnh <500 cá thể.
Tiêu chí đánh giá tính quý gồm: Có giá trị đặc biệt về khoa học để bảo tồn và chọn tạo giống; có giá trị đặc biệt về y tế; có giá trị đặc biệt về kinh tế; có giá trị đặc biệt về sinh thái, cảnh quan, môi trường; có giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử.
Quả mơ tím Ba Vì có màu xanh lục khi còn non và trở thành màu tím sẫm khi chín vào tháng 3 - 4 âm lịch. Về giá trị y tế, nó có hiệu quả trong cải thiện hệ thống tiêu hóa và tim mạch, lại còn có chất chống ô xy hóa cao hơn giống mơ thường. Trước đây, mơ tím được trồng khá nhiều, nay số cây còn rất ít, ước tính cả huyện Ba Vì còn dưới 100 cây.
Mơ tím Ba Vì vừa qua đã được đề xuất đưa vào Danh mục giống cây trồng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ để có phương án bảo vệ tốt nhất.
Đưa lên miệng rồi chợt rùng mình
Khi nghe thông tin ở khu trang trại dưới chân núi Ba Vì của San Nam Group có trồng cây mơ tím, chúng tôi liền tìm đến. Đã quá nửa chiều, trời lại đang tối sầm vì trời sắp đổ mưa nhưng anh Vũ Quang Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Rượu Núi Tản đồng thời là Giám đốc Công ty Cổ phần Bavieco chuyên nghiên cứu, phát triển các cây trồng bản địa thuộc San Nam Group vẫn nhiệt tình giúp. Anh lấy xe máy chở chúng tôi đi trong khu vực rộng mênh mông gần 100ha của trang trại.
Cạnh ngôi nhà đất mà chủ nhân dùng để nghỉ ngơi có 1 gốc mơ tím còn đúng 2 quả và ở cách đó chừng vài trăm mét, ven một triền dốc là cây mơ tổ đang xòe tán um tùm, còn sót lại đúng 1 quả. Tôi nhẹ nhàng hái nó rồi đưa lên miệng khẽ cắn, chua đến rùng mình giống như bao loại mơ khác chứ không giống như vẻ ngoài tưởng là mận hậu của nó.
Anh Huy cười rồi nói: “Quả mơ tím có nhiều mùi vị khác nhau nhưng nổi trội nhất là đậm đà, thơm hơn hẳn so với các giống mơ khác. Khi chúng tôi mua trang trại ở xóm Đồi Voi, xã Vân Hòa này (huyện Ba Vì), trên đất cũ có 1 gốc mơ tím đường kính cỡ 25cm.
Tôi có hỏi ông chủ đất thì được biết nó có ở đó khoảng 20 năm, giờ tôi quản lý gần 20 năm, nghĩa là nó đã chừng 40 tuổi. Giờ thân chính của cây mơ tổ chết vì già nhưng vẫn còn 2 nhánh. Từ đó, chúng tôi nhân giống bằng hình thức gieo hạt hay chiết ghép được tổng cộng hơn 50 cây, trong đó khoảng 20 cây đã có quả, năm được mùa thu khoảng 200 - 300kg.
Với mơ tím, chiết vẫn là hiệu quả nhất vì 3 năm đã có quả, còn trồng bằng hạt phải mất 7 - 8 năm. Trước đó, ngoài cây mơ tím này tôi còn có 1 cây tím khác nữa, sưu tầm về nhưng do chiết nhiều quá nên đã chết. Xưa lác đác trong dân cũng thấy một vài cây nhưng nay không còn nữa.
Tôi có tìm hiểu quanh vùng chân núi Ba Vì, cách đây chừng 20 năm có dự án trồng rừng Pam đầu tư cho dân cây mơ Nhật rất sai quả nhưng không có đầu ra, trong khi đó những cây mơ tím bản địa cũng bị mai một vì không bán được. Chứng kiến những quả mơ bị vứt bỏ lay lắt ở góc vườn, tôi đã quyết tâm tìm hướng đi mới cho nó. Từ đó sản phẩm Rượu mơ núi Tản chính thức được nghiên cứu, nó là sự kết hợp của phương pháp ủ men truyền thống trên nền tảng dây chuyền hiện đại, đã được người tiêu dùng đón nhận".
Hiện rừng mơ Nhật của công ty đang có gần 10.000 cây nhưng anh Huy vẫn thấy quý mơ tím hơn bởi nó là cây bản địa rất độc đáo của vùng núi thiêng Ba Vì. Anh chưa thử ngâm rượu mơ tím vì số lượng còn rất ít nhưng hi vọng vài ba năm tới khi hơn 50 cây cho quả, được hơn 1 tấn sẽ làm ra loại rượu mơ đặc sắc hơn tất cả các loại mơ khác.
"Cây mơ Nhật cũng như các giống mơ khác di thực về trồng ở đây tuổi thọ chỉ hơn 20 năm nên tôi khẳng định cây ngoại lai chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trước mắt, còn mơ tím bản địa sẽ tồn tại bền vững, mới là tương lai", anh Huy nói.
"Có người chị bên ngành công thương sau khi dùng thử quả mơ tím chúng tôi tặng đã đặc biệt ấn tượng về màu sắc, hương vị của nó và tìm hiểu thêm thì mới biết chúng còn chứa cả chất kháng được bệnh ung thư nữa. Cái này nếu chúng ta nghiên cứu sâu sẽ tạo ra được giá trị gia tăng rất lớn cho quả mơ tím", anh Vũ Quang Huy kể.