| Hotline: 0983.970.780

Những giống cây đặc sản đang trên bờ vực tuyệt chủng

Cây mít na của vợ một người câm

Thứ Ba 07/06/2022 , 06:55 (GMT+7)

Thấy mấy người thợ làm nhà định cắt mấy cành mít na, anh Tính 'câm' đang cắt cỏ cho bò gần đó liền hét lên những tiếng ú ớ, khua tay để can ngăn.

Cây mít na duy nhất của quê hương Tản Đà

Ra hiệu cách mấy mà tốp thợ vẫn không hiểu nên anh phải lôi cả vợ mình về để giải thích giúp. Nhưng cuối cùng, do vướng họ vẫn phải chặt mất đôi cành, xót, đau như bị dao cứa vào tay bởi cây mít tự bao giờ đã giống như một thành viên trong gia đình rồi. Ngồi nói chuyện với tôi mà chị Nguyễn Thị Lâm (xóm Yên Thịnh, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) mắt đỏ hoe, rơm rớm nước.

Chị về làm dâu đã hơn 40 năm, lúc đó cây mít này còn chưa có mà chỉ thấy cây mít na của bố mẹ chồng, gốc to 2 người ôm, mỗi mùa đến cho mấy trăm quả tròn vo. Quả nào ra sớm vỏ cứ nhẵn thín, sờ vào mát rượi, còn những quả ra sau tuy có gai nhưng không nhọn như mít thường. Khi chín, chỉ cần gọt sơ qua vỏ bên ngoài rồi cứ thế ăn cả cùi, giòn và ngọt,  thơm và đậm hơn hẳn so với các loại mít dai khác. Bởi thế mẹ chồng chị trẩy mít đi chợ Sơn Đà bán mà người ta cứ xúm lại hỏi mua.

Đận năm đói 1987 - 1988, ông bà đã phải dứt ruột bán cây mít quý đi để đổi lấy ít gạo, cầm cự cho qua ngày. Cây mít sau này của nhà chị chính là quả của cây mít ấy, ăn xong vứt hạt ra ngoài vườn mà tự mọc lên.

Chị Lâm bên cây mít na. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lâm bên cây mít na. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi cái cây còn non, quả ít nhưng nặng tới 5 - 6kg, chín còn có cả mật ống, tức một lượng nước ngọt như mật trong múi tứa ra. Còn lúc cây đã già thì quả sai từ gốc lên cành la, sang cành bổng, kéo tới tận đỉnh ngọn, cứ đeo lúc lỉu từng chùm, kích cỡ nhỏ lại, không còn mật ống trong múi nữa nhưng ăn vẫn rất ngon. Mọi năm cuối tháng 2 âm lịch là bắt đầu có mít na chín nhưng gần đây thời tiết biến đổi, nóng hơn nên tháng 4, 5 âm lịch mới có ăn.

Chị Lâm kể mươi năm gần đây không thấy quả mít na chín bao giờ bởi khi chúng hãy còn xanh thợ đã đến hái rồi, giá dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg. Dân làng nhiều người hỏi mua giống nhưng không được liền nói kháy: “Tao chẳng đủ tiền mua mít nhà mày sao?”, hay nói khích: “Mày không để giống tao cuốc gốc cây lên”. Chị phải một hai thanh minh rằng, có đôi ba khách trung thành bao nhiêu năm đều tìm đến dặn mua nên kể cả có người đặt cọc tiền cũng không dám thất hứa.

Dù sở hữu cây mít quý nhưng chẳng mấy khi có quả ngon nên chị Lâm chỉ tận dụng được ít quả méo, thợ chê không mua, dành để gia đình mình ăn rồi lấy hạt đem trồng. Được cả thảy 5 cây, năm ngoái cây đầu tiên ra bói nhưng quả lại dài chứ không tròn, bổ ra ăn thì màu múi không giống mít na mà lại hao hao… mít Thái. Cây mít mẹ năm 2016 đã được Sở NN-PTNT Hà Nội công nhận là đầu dòng, dành để làm giống, từ đó đến nay chị được 3 lần hỗ trợ, vụ đầu 500.000 đồng, vụ thứ hai 300.000 đồng, vụ thứ ba 200.000 đồng.

Do con trai làm nhà mà cây mít na của chị Lâm phải chặt đi mấy cành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Do con trai làm nhà mà cây mít na của chị Lâm phải chặt đi mấy cành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hồi đầu năm, con trai làm nhà, do đất chật nó tính bán hay chặt cây mít na đi nhưng chị ngăn: “Ăn vứt hạt ra ngoài vườn thì thành, còn tự tay lấy hạt để trồng lại không ra giống quý ấy. Nó mà chết đi là hết, còn bán đi là mất, không bao giờ còn tìm thấy nữa, tiền bao nhiêu rồi cũng tiêu hết mà thôi con à”...

Tôi cùng với TS Nguyễn Khắc Quỳnh thuộc Trung tâm Tài nguyên Thực vật đã cất công dò hỏi nhiều nơi thì cả làng, cả xã còn đúng 1 cây mít na của chị Lâm, một số nơi khác ở Ba Vì thì nghe nói còn khoảng vài ba gốc. Trước đó, cũng ở xã Sơn Đà quê hương của nhà thơ Tản Đà, trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Tân có 1 cây nhưng về sau chết già hay chết bệnh trong khi chủ nhân chưa kịp có ý thức nhân giống để lưu giữ cho muôn đời sau. Nói gở mồm, cây mít của chị Lâm chỉ cần một sơ xảy như bão tố gãy thân, sâu bệnh hay người ta trả giá cao rồi đem đi mà rủi thay làm chết là tuyệt chủng, mất mát có khi không chỉ cho riêng Hà Nội.

Múi của quả mít na. Ảnh: Tư liệu.

Múi của quả mít na. Ảnh: Tư liệu.

Theo điều tra khu vực Ba Vì, mít bốn mùa có khoảng dưới 20 cá thể còn mít na có dưới 10 cây, được các nhà khoa học đề xuất vào Danh mục nguồn gen nguy cấp quý hiếm mới theo tiêu chí Nghị định 160. Hai giống mít này cũng được Sở NN-PTNT Hà Nội tuyển chọn cây đầu dòng từ năm 2016 nhưng chưa thể nhân rộng.

Cây mít trả 100 triệu không bán

Trùng hợp làm sao Sơn Đà cũng chính là nơi phát hiện ra một giống mít quý nữa của đất Việt là mít bốn mùa. Ông Nguyễn Văn Hải ở xóm Yên Thịnh năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm, khéo léo chuyền từ cành này sang cành nọ trên cây mít đại thụ hơn 100 năm trong vườn, vỗ vào từng quả, hễ quả nào phát ra tiếng bịch bịch là biết sắp chín. Vụ này mít mất mùa chứ chẳng bù mọi vụ, quả cứ đeo kín. Ông hái tặng tôi 2 quả làm quà để ăn cho biết thế nào là đặc sản, anh Quỳnh vội dặn khi ăn xong nhớ lấy hạt cất vào tủ lạnh để anh làm giống.

Mấy hôm sau, tôi ăn chúng đúng dịp hè nhưng do hiệu ứng Lania, giữa tháng 5 mà gió mát như đầu đông. Từng múi, từng múi như gói cả nắng vàng, mật ngọt, hương của đất trời, chỉ cần bỏ vào đầu môi đã như muốn trôi ngay xuống họng…

Ông Hải đang hái mít bốn mùa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hải đang hái mít bốn mùa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hải kể: “Lớn lên tôi đã thấy cây mít to thế này rồi, nghe các cụ nói xưa mua quả về ăn, thấy ngon thì vứt hạt xuống đất rồi nó tự mọc. Đặc điểm quý nhất của giống mít dai này là dịp Tết đã có quả chín, thắp hương cho tổ tiên rồi. Mỗi năm nó có 2 vụ hoa, tháng 8 âm lịch ra thì quả, chín từ Tết đến hết tháng 3 âm; tháng 2 âm ra quả thì chín từ tháng 6 âm. Quả tròn, múi dày và rất thơm ngọt. Từ cây mít gốc, tôi ươm hạt ra trồng trong khu vườn này 3 cây thì 2 cây có đặc điểm chín sớm giống mẹ, còn 1 cây thì vẫn chín sớm nhưng quả lại dài”.

Ông lại dẫn chúng tôi đến trang trại của con trai cách đó chừng 1km, có 7 - 8 gốc mít khoảng trên dưới 10 tuổi đang đeo quả. Chúng đều được gieo bằng hạt từ cây mít mẹ. Thấy tôi trầm trồ khen mít đẹp, mít sai, TS Nguyễn Khắc Quỳnh liền “nắn”: “Chỉ cần nhìn lá, quả ở đây cho thấy tất cả đều không có gốc nào giống đặc điểm của cây mít mẹ trong vườn nhà cả”.

Cây mít bốn mùa nhà ông Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây mít bốn mùa nhà ông Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghe đến đây, ông Hải cũng phải gật gù công nhận: “Ban đầu, cây mít mẹ cứ cho quả là tôi lấy hạt trồng nhưng chúng lại chẳng giống cây mẹ, không ra sớm, không tròn mà dài và méo, thậm chí còn cây từ mít dai hóa thành mít mật. Rút kinh nghiệm về sau, tôi chỉ lấy hạt của quả ăn vào dịp Tết để trồng vì nghĩ quả chín sớm ắt sẽ ra cây chín sớm. Hiện tôi trồng ở đây thêm mấy chục gốc như thế, có cây đã ra quả rất giống hình dạng của cây mẹ rồi, tuy nhiên lại chưa chín sớm, có thể là do nó còn non tuổi quá hay chăng?”.

Anh Quỳnh phân tích cho chúng tôi hiểu thêm: “Giống mít bốn mùa này quanh năm có quả, những loạt hoa ra sớm vào tháng 8 âm, chín vào dịp Tết nếu lấy hạt làm giống thì cây con sau này sẽ có nhiều đặc điểm giống cây mẹ bởi lúc đó các loại mít khác chưa ra hoa, cây mẹ không bị thụ phấn chéo mà chỉ có phấn của nó tự thụ (từ hoa đực của cây). Trong khi đó, cây ra hoa vào tháng 2, 3 âm thì gió, ong, ruồi, côn trùng… đem theo phấn hoa của những loại mít khác đến thụ thành ra quả lai tạp, vì thế khi đem hạt này gieo cây mọc lên thành giống khác không giống cây mẹ. Thực ra mít là dạng quả phức, dưới mỗi gai là 1 múi, 1 hạt nếu thụ phấn thành công, còn sẽ là 1 xơ nếu thụ phấn thất bại”.

Tỷ lệ ăn được của mít bốn mùa trung bình đạt 51 - 55% so với 40 - 45% của các giống mít khác, độ Brix (độ ngọt) 22 - 23% so với 18 - 20% của các giống mít khác.

Cây mít bốn mùa nhân ra từ cây mẹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây mít bốn mùa nhân ra từ cây mẹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Quang Điệp - con ông Hải bảo: Vì múi dày và ngọt thơm nên xưa cứ nghe tiếng mít nhà ông Hải là không cần phải rao, chưa ra đến chợ đã có người đón mua hết. Mít khác trồng có khi 5 - 7 năm còn chẳng có quả, phải khảo dịp 5 tháng 5, người trên cây đóng giả là mít, người dưới đất hỏi xem bao giờ ra quả và quả có sai hay không, còn mít của nhà mình cho ai trồng cũng đúng 3 năm là có quả hết. Tuy nhiên rất khó có quả từ cây con giống như quả của cây mít mẹ. Riêng gốc mít mẹ ấy, mỗi năm ngoài để nhà ăn, đem cho, đem biếu còn bán tại vườn với giá 20.000 đồng/kg cũng thu được 3 - 4 triệu đồng. Dù có người đã trả 100 triệu nhưng gia đình cũng không bán vì các cụ xưa dặn con cháu rằng phải giữ lấy mà ăn, bao giờ nó không ra quả nữa thì mới chặt để lấy gỗ…

Cây mít mẹ bốn mùa của gia đình ông Hải cũng nằm trong danh sách đầu dòng do Sở NN-PTNT Hà Nội đánh giá công nhận năm 2016 để phục vụ nhân giống nhưng từ trước đến nay gia đình mới chỉ được nhận hỗ trợ duy nhất 1 lần 500.000 đồng. Buồn hơn là giống mít tốt thế nhưng vẫn chưa có cách gì nhân ra sao cho thật chuẩn, thật đúng là mít bốn mùa...

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…