| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan xâm phạm công trình thủy lợi: 'Bất lực' nhìn hồ Yên Thắng bị lấp trái phép

Thứ Ba 03/12/2019 , 10:04 (GMT+7)

Chủ đầu tư đang ngang nhiên san lấp trái phép hồ Yên Thắng để làm sân golf, nhà nghỉ, khu thể thao… 

Mặc dù Yên Thắng được xem là hồ thủy lợi quan trọng bậc nhất, nơi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ cho nhiều xã của tỉnh Ninh Bình.

16-15-15_nh_1
Chủ đầu tư đổ đất đá san lấp, lấn chiếm hồ Yên Thắng. Ảnh: Trần Hồ.

Trong khi đó, chính quyền địa phương đang loay hoay, thậm chí bất lực nhìn hồ bị xâm chiếm mà chưa có biện pháp xử lý kịp thời.
 

Gần 7ha mặt nước bị san lấp

Hồ Yên Thắng nằm trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô (Ninh Bình). Hồ có tổng dung tích 6,384 triệu m3, gồm 3 hồ: Hồ Yên Thắng 1 có dung tích 1,3 triệu m3, nằm trên địa bàn phườnng Trung Sơn, thành phố Tam Ðiêp; hồ Yên Thắng 2 có dung tích 4,116 triệu m3, nằm trên địa bàn xã Yên Thắng, huyên Yên Mô; hồ Yên Thắng 3 có dung tích 0,968 triệu m3, nằm trên địa bàn xã Yên Thành, huyên Yên Mô.

Được biết, Dự án Khu liên hợp thể thao sân gofl 54 lỗ hồ Yên Thắng được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 24/1/2007 và phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2077/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 với tổng diện tích dự án là 670ha.

Dự án chưa được xác định mốc giới trên thực địa cho chủ đầu tư. Đến nay mới được giao 502,03ha, phần diện tích chủ đầu tư lấn ra hồ Yên Thắng là 68.634,9m2 theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường là không thuộc diện tích đất đã giao cho chủ đầu tư nhưng chưa xác định được đất có nằm trong phần diện tích 670ha thực hiện dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận hay không.

Năm 2012 thực hiện Quyết định số 1040/QÐ-UBND ngày 21/12/2012 về điều chỉnh hình thức sử dụng đất thực hiên dự án đầu tư xây dựng khu Trung tâm liên hợp Du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, dưới sự chủ trì cùa Sở NN-PTNT, Cty cổ phần Đầu tư xây dựng PV-Inconess (gọi tắt là PV) đã có bản cam kết với Cty TNHH một thành viên (MTV) Khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình (KTCTTL) thực hiện các nội dung về chấp hành các quy đinh vê quản lý, khai thác, bảo vệ hồ chứa nước Yên Thắng.

Tuy nhiên thời gian qua, chính quyền địa phương phát hiện chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng (tên thương mại là sân Golf Hoàng Gia) là Cty PV đã tự ý san lấp hàng chục nghìn m2 đất lòng hồ Yên Thắng. Theo đó, khoảng 3-4 tháng trở lại đây, nhiều xe chở đất đá đua nhau đổ xuống lòng hồ để san lấp. Vị trí san lấp có bề ngang từ 20 - 30m tính từ mép hồ, chiều dài thì cả vài trăm mét dọc theo lòng hồ Yên Thắng.

16-15-15_nh_2
Nhiều diện tích lòng hồ bị san lấp, lấn chiếm để xây dựng tổ hợp sân golf. Ảnh: Trần Hồ.

Tại công văn số 230/CTKTCTTL-KHKT, ngày 28/6/2019 của Cty KTCTTL đã nêu ra việc Cty PV san lấp lòng hồ chứa nước Yên Thắng. Trong đó, công văn nêu rõ ngày 19/6/2019 Cty KTCTTL tỉnh phát hiện Công ty PV thi công xây dựng san nền san đổ đất, đá xuống khu vực lòng hồ Yên Thắng 2, vị trí Cty PV đang lan lấp là phạm vi lòng hồ thuộc quyền quản lý của Cty.

Cty nhận thấy hoạt động san lấp của Cty PV đã làm giảm đi dung tích hữu ích của hồ chứa, vi phạm Luật Thủy lợi, đồng thời vi phạm cam kết về việc quản lý, vận hành, khai thác hồ chứa nước Yên Thắng 2 giữa Cty KTCTTL và Cty PV được ký kết vào ngày 23/3/2013 tại Sở NN-PTNT Ninh Bình.

Bên cạnh đó, báo cáo số 752/UBND-TNMT của UBND huyện Yên Mô gửi UBND tỉnh Ninh Bình ngày 5/7/2019, sau khi đoàn kiểm tra của xã Yên Thắng và Công ty KTCTTL lập biên bản, tuy nhiên Cty PV vẫn tiếp tục thi công. Sau đó, UBND huyện Yên Mô giao cơ quan chuyên môn tiếp tục vào kiểm tra. Lúc này, Cty PV đã cung cấp được một số giấy tờ pháp lý có liên quan đến dự án đang triển khai.

Trong văn bản 680/VP-UBND ngày 17/9/2019, UBND tỉnh Ninh Bình giao các đơn vị có liên quan xác định rõ vị trí, ranh giới quy hoạch chi tiết và vị trí ranh giới của dự án khu liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng được cơ quan nhà nước chấp thuận; xác định phần diện tích đất mà Cty PV đã san lấp nằm trong phần diện tích được chấp thuận đầu tư hay không, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/10/2019.

Thời điểm này, đoàn kiểm tra chưa xác định được phạm vi mốc giới dự án ngoài thực địa so với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đoàn tiếp tục đề nghị Cty PV tạm dừng việc thi công công trình cho đến khi được cấp có thẩm quyền xác định rõ mốc giới được giao đất, cho thuê đất.
 

Cả hệ thống chính quyền “bất lực”

Theo Chi cục Thủy lợi Ninh Bình, hồ Yên Thắng có nhiệm vụ dự trữ nguồn nước ngọt lớn; chống hạn khi vào mùa hạn hán; tiêu thoát lũ vào mùa mưa; đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho 1.400ha diện tích đất sản xuất của bà con nông dân quanh vùng.

Ông Bùi Trọng Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi bức xúc: “Lòng hồ thiết kế ra để thoát lũ, để cung cấp nước tưới cho sản xuất, chứ không cớ gì phải làm hồ to như thế làm gì. Quan trọng bây giờ là cắm mốc, tỉnh giao cho công ty đất chỗ nào làm sân golf, chỗ nào làm khách sạn… phải rạch ròi ra. Không thể nói lấp thế này không ảnh hưởng gì đâu”.

Cũng theo ông Vinh, khi phát hiện việc san lấp trái phép, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Yên Mô, Cty KTCTTL Ninh Bình nhiều lần lập biên bản yêu cầu tạm dừng hoạt động san lấp trái phép, nhưng Cty PV luôn “phớt lờ” các yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nhiều lần làm việc, lập biên bản nhưng Cty PV không hợp tác để giải quyết vấn đề, vẫn ngang nhiên “bức tử” lòng hồ Yên Thắng.

Ông Bùi Trọng Vinh: “Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi phối hợp với các ban ngành vào kiểm tra, thanh tra thì công ty nhiều lần không cho vào. Đến giờ này công ty không hợp tác nên chưa ký được biên bản, chưa cắm được mốc giới. Công ty vẫn tiếp tục san lấp, vẫn trồng cỏ, cây, xây dựng các công trình trên diện tích san lấp”.

Theo đó, ngày 21/6/2019, UBND xã Yên Thắng phối hợp cùng Cty KTCTTL – Chi nhánh huyện Yên Mô và UBND xã Yên Thắng làm việc với Công ty PV đề nghị cung cấp hồ sơ, nhưng công ty chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý. Đoàn làm việc lập biên bản việc san lấp ra mặt hồ, đề nghị công ty tạm dừng thi công đến khi công ty có đủ hồ sơ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ngày 27/6/2019, UBND xã Yên Thắng phối hợp với Công ty KTCTTL làm việc với Công ty PV, lập biên bản lần 2, tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng thi công san lấp ra lòng hồ để làm rõ mốc giới thực hiện dự án.

Tuy nhiên, công ty này khẳng định đã thi công đúng theo quy hoạch chi tiết dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đại diện công ty đã không đồng ý với ý kiến của đoàn làm việc, không ký vào biên bản làm việc, tiếp tục chỉ đạo đổ đất san lấp mặt bằng ra lòng hồ, mặt hồ Yên Thắng.

Việc san lấp mặt bằng ra lòng hồ, mặt hồ Yên Thắng của Công ty PV vẫn diễn ra cho đến ngày 2/7/2019, UBND huyện Yên Mô phối hợp với Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Ninh Bình) đến kiểm tra hiện trường, làm việc với công ty này.

Sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, UBND huyện Yên Mô đã giao UBND xã Yên Thắng lập biên bản (lần 3), đề nghị công ty tạm dừng vệc đổ đất đá, san lấp mặt bằng, lòng hồ thi công công trình.

Tiếp đó, ngày 6/7 và ngày 10/7/2019 tại UBND xã Yên Thắng, đoàn làm việc đã có biên bản làm việc, đề nghị Công ty PV dừng thi công san lấp hồ Yên Thắng, cũng như các lần trước, đại diện công ty không ký vào biên bản làm việc.

Chủ đầu tư từ chối ký vào các biên bản làm việc. Ảnh: Trần Hồ.

Đến ngày 7/8/2019, ông Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô trực tiếp làm việc với Công ty PV về việc công ty tiếp tục san lấp hồ Yên Thắng. Tuy nhiên, đại diện của doanh nghiệp này vẫn cương quyết không ký vào biên bản làm việc và tiếp tục san lấp.

Lý giải về vấn đề trên, ông Vinh cho biết, UBND tỉnh giao đất cho Công ty PV nên họ vịn cớ được giao thì được làm. Đối với Cty KTCTTL, Chi cục Thủy lợi không có “gậy” trong tay để xử lý vấn đề này. Song, để chứng minh vị trí san lấp mà UBND tỉnh giao cho Công ty PV san lấp, công ty này không chứng minh được.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc không chứng minh được thì sai. Còn ảnh hưởng đến nền nông nghiệp thì phải tính toán và có thời gian. Nếu mà san lấp với diện tích như thế này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến cung cấp nước cho nông nghiệp, ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ, nhưng ảnh hưởng nhiều hay ít, ở mức độ nào thì chưa đánh giá được. “Ngay khi họ san lấp, cả hệ thống chính quyền đã vào làm việc với họ, lập biên bản nhiều lần nhưng công ty họ không ký, vẫn làm, cơ quan quản lý không có cách gì để ngăn chặn. Thông qua biên bản làm việc mà không ký thì đương nhiên là bất lực rồi”.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.