| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan xâm phạm công trình thủy lợi: Hà Tĩnh xử lý dứt điểm vi phạm Luật Thủy lợi trước 30/11

Thứ Hai 02/12/2019 , 09:06 (GMT+7)

Bình quân mỗi năm, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện hơn 100 vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai.

19-06-28_1
Tuyến đê biển đi qua xã Cẩm Nhượng có nhiều hộ dân làm nhà, công trình kiên cố trên mái và hành lang đê. Ảnh: Thanh Nga.

Trong đó, có những vụ việc kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa thể xử lý. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chiến dịch ra quân xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trước ngày 30/11/2019.
 

Hàng chục vụ vi phạm có “thâm niên”

Hơn 2 tháng nay, chính quyền 13 huyện, thị xã, thành phố và các công ty thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh xoay như chong chóng trước “lệnh” chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Huyện miền núi Hương Khê có 157 hồ đập; 365 km kênh thì có đến 22 công trình bị vi phạm; có những vụ việc vi phạm do lịch sử để lại, số khác người dân lấn chiếm lòng hồ để nuôi cá; dựng cọc bê tông trên hành lang hồ đập, các tuyến kênh để làm hàng rào thép gai...

Theo cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy lợi huyện này, trong số 22 công trình bị lấn chiếm thì có 11 công trình thuộc quản lý của Cty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh.

“Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chiến dịch ra quân xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, huyện nhanh chóng phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân tự khắc phục, trả lại mặt bằng công trình cho nhà nước.

Đến ngày 24/11, Hương Khê đã xử lý được 8/11 công trình, còn 3 công trình (đập Hóp – xã Hà Linh; đập Khe Mui – Hương Liên và đập Xây – Hòa Hải), các hộ dân đã ký vào biên bản, cam kết hoàn trả nguyên trạng mặt bằng vi phạm trước ngày 30/11”, vị cán bộ nói. Đồng thời cho biết, vướng mắc hiện nay đang gặp phải là những công trình do Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý chưa có kế hoạch để thực hiện giải tỏa.

Cũng đang chạy đua với thời gian, huyện Cẩm Xuyên yêu cầu các xã tập trung đến tận hộ dân tuyên truyền cho bà con, ký cam kết hoàn trả mặt bằng hành lang các tuyến đê cho nhà nước.

Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN- PTNT huyện thông tin, ở Cẩm Xuyên hầu hết các vụ việc vi phạm về trồng cây, xây dựng hàng rào trên hành lang kênh mương, hồ đập đã được huyện xử lý cơ bản triệt để. Tuy nhiên, hiện vẫn đang có 2 hợp tác xã và hơn 260 hộ dân vi phạm các tuyến đê sông, đê biển, kè biển và các công trình hồ đập thủy lợi do lịch sử để lại chưa thể xử lý, như tuyến đê biển Cẩm Nhượng, đê Phúc – Long – Nhượng; tuyến đê Trung – Lĩnh; công trình đập Khe Lau, xã Cẩm Lĩnh; đập Bàu Bà, xã Cẩm Lạc…

Đối với 32 hồ chứa, 5 đập dâng và 460 km kênh mương các loại nằm trên địa bàn 4 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh do Cty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, hiện có đến 25 công trình xuất hiện các hành vi vi phạm hành lang công trình thủy lợi.

Đáng nói, hầu hết các vụ vi phạm cũng đều có “thâm niên” hàng chục năm. Theo lãnh đạo Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, nguyên nhân chưa xử lý dứt điểm được chủ yếu là do chính quyền các địa phương chưa quyết liệt, một số khác hộ gia đình cố tình không phối hợp, chấp hành.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, những công trình vi phạm do lịch sử để lại, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh phải xây dựng lộ trình cắm mốc hành lang bảo vệ theo đúng quy định pháp luật. Tất nhiên, việc sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nhưng phải có kế hoạch cụ thể và cơ bản phải thực hiện giải tỏa trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025.

Đối với nhóm các loại hình vi phạm phổ biến hiện nay như sử dụng mái đê, đập và hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi để trồng cây, dựng lều quán, dựng hàng trào, đổ chất thải, tập kết vật liệu xây dựng… thì phải xử lý dứt điểm trước 30/11/2019.

19-06-28_dscf7189
Thậm chí còn có cả hợp tác xã sử dụng hành lang đê làm triền đà đóng, sửa tàu thuyền cho ngư dân. Ảnh: Việt Khánh.

Sau thời gian này, các địa phương, đơn vị không thực hiện thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải tự nhận hình thức xử lý trước UBND tỉnh.
 

Với những vụ việc vi phạm có tính chất phức tạp, kéo dài qua nhiều năm, như xây dựng xưởng gỗ trên đê Tả Nghèn, huyện Can Lộc; đắp ao hồ ở bãi sông cản trở dòng chảy đê Hữu Nghèn, Can Lộc;
Làm xưởng và tập kết gỗ trên đê tả Nghèn, huyện Lộc Hà; xây dựng cần cẩu trái phép trên mặt đê, mái đê, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều trên tuyến đê Phúc – Long – Nhượng, huyện Cẩm Xuyên;
Xây dựng nhà cửa trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Tàu Voi, thị xã Kỳ Anh; nuôi trồng thủy sản không phép ở hồ Đập Bún, huyện Thạch Hà; cải tạo đê làm chỗ tránh xe, dốc lên đê, xây dựng nhà hàng phía ngoài bãi sông ở TP Hà Tĩnh…,
UBND tỉnh giao chính quyền cấp huyện chủ trì phối hợp các chủ quản lý các công trình bị vi phạm cũng phải xử lý dứt điểm và hoàn thành trước 30/11/2019.

Khó xử lý triệt để

Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trên địa bàn có 351 hồ chứa nước; 90 đập dâng và hàng chục nghìn km kênh mương thủy lợi đang vận hành tưới cho hơn 29.000 ha đất lúa/vụ và cây trồng cạn; cấp nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du cho gần 1,3 triệu dân.

Đóng góp to lớn của các công trình thủy lợi trên đối với đời sống của người dân không cần phải bàn cãi, tuy nhiên, hàng chục năm nay, nhận thức cũng như hành động của một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân đối với công tác bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi chưa thực sự tương xứng.

Nói đúng hơn, việc xử lý các hành vi vi phạm Luật Thủy lợi mới chỉ nằm ở mức nhắc nhở, kiểm điểm, nặng lắm cũng chỉ phạt hành chính một vài vụ việc với số tiền rất ít nên chưa có tính răn đe.

“Bình quân mỗi năm có hơn 100 vụ việc tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về lĩnh vực thủy lợi như trồng cây, đổ rác thải, xây dựng cột bê tông hàng rào, dựng lều quán, tập kết vật liệu xây dựng… trên hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ xử lý được khoảng 60 – 70 vụ, bằng hình thức lập biên bản, đình chỉ, khiển trách, yêu cầu trả lại nguyên trạng mặt bằng, hầu như rất ít trường hợp xử phạt vi phạm hành chính hoặc chế tài nặng hơn. Vì thế, yếu tố tồn đọng các vụ việc vi phạm cứ kéo dài mãi”, ông Nguyễn Công Tâm, Phụ trách Phòng Quản lý công trình (Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh) phân tích.

Ở cấp cơ sở, theo ông Lê Ngọc Hà, các hộ dân vi phạm ở Cẩm Xuyên hiện nay chưa xử lý được chủ yếu cũng là do… lịch sử để lại.

Đơn cử, tuyến đê biển trên địa bàn Cẩm Nhượng có 62 hộ dân làm nhà ở trên mái và hành lang đê. Do các hộ nằm trong diện tái định cư nhưng hiện chưa có kinh phí thực hiện nên việc giải tỏa vẫn phải chờ nguồn ngân sách từ tỉnh.

Hay 23 hộ dân vi phạm ở đập Khe Lau, xã Cẩm Lĩnh. Đây là những hộ dân đã làm nhà ở trước khi dự án nâng cấp đập Khe Lau được thi công vào năm 2017.

Do thời điểm đó không có kinh phí di dời dân nên bây giờ huyện rất cần tỉnh cho chủ trương lập dự án tái định cư, chuyển các hộ dân trên ra khỏi vùng lòng hồ.

Ông Phan Viết Liệu, Phó Giám đốc Cty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho rằng, để xử lý hiệu quả hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, Sở NN-PTNT cần tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cắm mốc chỉ giới hành lang công trình để từng bước giải quyết các tồn tại.

Tại các khu dân cư tập trung phải làm hệ thống gom nước thải trước khi đổ ra môi trường.

Mỗi địa phương phải thành lập HTX môi trường, việc cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi cần phải xem xét kỹ, nên cấp cho một tổ chức, tập thể hoặc cá nhân nhân đủ năng lực xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu trước khi xả vào công trình thủy lợi.

Đặc biệt, khi xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi việc phê duyệt thẩm định xử lý nước thải các địa phương phải đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thủy lợi như lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, xả rác thải, xác động vệt chết, xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đảm bảo đổ trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi.

Xem thêm
Thủ tướng: Việt Nam, Ba Lan tìm ra con đường tốt nhất để hợp tác

Chia sẻ về quan hệ Việt Nam - Ba Lan, Thủ tướng nói trong khó khăn, hai bên vẫn tìm ra được con đường tốt nhất để đến với nhau, hợp tác và phát triển.

Sự cố vỡ đê làm ngập một nửa diện tích cồn Hô

Trà Vinh Do triều cường cao làm vỡ 17m bờ bao cồn Hô, huyện Càng Long, khiến 12ha vườn cây ăn trái của 11 hộ dân bị ngập, tương đương một nửa diện tích của cồn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

‘Giữ lửa’ làng nghề làm hương truyền thống

Là thế hệ kế cận, tiếp nối nghề làm hương của gia đình, nghệ nhân trẻ Nguyễn Thu Phương luôn trăn trở với những hướng đi mới để phát triển nghề truyền thống.