| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan xâm phạm công trình thủy lợi: Mất tình nghĩa vì xử lý vi phạm

Thứ Tư 04/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Năm 2019, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nổi lên nhiều điểm nóng xây dựng nhà cửa, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

16-47-51_1
Một công trình vi phạm đã bị phá dỡ tại xã Vĩnh Khúc. Ảnh: Kế Toại.

Ông Khương Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc bảo, đã là vi phạm thì phải xử lý. Nhưng cũng vì việc này, ông bị nhiều người trách móc, thậm chí từ mặt!
 

Khó cũng phải làm

Vĩnh Khúc là xã thuần nông của huyện Văn Giang, người dân bao năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng. Chính vì vậy, dòng kênh Kim Sơn (hệ thống Bắc Hưng Hải) có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sinh kế của người dân, kinh tế của địa phương.

Theo ông Sinh, kênh Kim Sơn trước đây rất nhỏ. Kênh rộng lớn như ngày nay là nhờ có cuộc cách mạng vận động người dân hiến đất đào kênh vào những năm 1960. Hàng trăm hộ dân đã hiến đất, tham gia ngày công, mở rộng kênh Kim Sơn. Đoạn kênh chạy qua xã Vĩnh Khúc dài chừng hơn 3 cây số.

Vì yếu tố lịch sử đó, hàng chục năm nay, người dân vẫn bám theo dòng kênh để sinh sống. Kênh chảy qua làng, qua xóm tạo nên những xóm bờ tre, bụi trúc. Ông Sinh cho biết, trong số các hộ sống dọc kênh Kim Sơn, 80% đã có tiền xây nhà kiên cố để ở. Số còn lại, nay mới tích cóp được tiền dựng nhà để ở.

Nhưng ngặt nỗi, theo quy định, sẽ không xử lý những công trình được xây dựng từ trước năm 2016. Còn những công trình từ 2016 đến nay, nếu phát sinh thì rơi vào trường hợp vi phạm.

Bởi theo quy định, đất ven kênh là hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hay còn gọi là đất lưu không. Người dân thường tự ý mua bán, trao đổi với nhau bằng giấy viết tay. Những mảnh đất này, người dân không được chính quyền chứng thực hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực trạng này diễn ra từ lâu tại các địa phương có kênh thủy lợi chạy qua, Vĩnh Khúc không phải trường hợp cá biệt. Theo ông Sinh, từ đầu năm đến nay, nhiều lần người dân và chính quyền xã Vĩnh Khúc phải căng thẳng với nhau vì chuyện xử lý vi phạm.

Ngay bản thân ông Sinh cũng như đội ngũ cán bộ xã cũng chịu nhiều áp lực từ phía người thân, làng xóm. Vì suy cho cùng, lãnh đạo xã vẫn là công dân trong làng xóm, thành phần trong họ tộc.

16-47-51_2
Nhiều công trình đã xây dựng từ trước 2016, không thể xử lý. Ảnh: Minh Phúc.

Từ đầu năm tới nay, chính quyền xã Vĩnh Khúc phát hiện, xử lý mạnh tay 5 trường hợp đổ móng, dựng nhà ngay trên mép kênh Kim Sơn. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục không thành, xã Vĩnh Khúc đã thuê máy xúc tiến hành cưỡng chế, phá bỏ công trình vi phạm. Thậm chí, có trường hợp phải phá bỏ đến hai ba lần vì người dân cố tình tái phạm, lén lút xây dựng lại.

“Chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng công an xã tham dự. Đồng thời mời cả đại diện cấp huyện tham gia giải tỏa vi phạm. Tình hình rất căng thẳng. Mặc dù không hộ nào có hành vi chống đối hay quá khích nhưng họ chửi. Đoàn cưỡng chế chấp nhận nghe, “ăn” mọi thứ người dân văng ra”, ông Sinh than thở.

Nói về chuyện cưỡng chế, ông Sinh bảo, cũng vì chuyện đó mà một người họ hàng tuyên bố “từ” mặt, không anh em gì sất. Một trong số 5 trường hợp vi phạm là người trong họ Khương của ông Sinh. “Trước khi xây dựng, họ có đến nhà gặp tôi hỏi làm cách nào để xây nhà. Tôi có trả lời là không làm được vì vi phạm pháp luật, nhưng vẫn họ cố tình làm. Làm xong thì bị phá dỡ vì xâm phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi”, ông Sinh kể.

Bị phá nhà, gia đình này quay lại trách móc ông Sinh sống… thiếu tình người, vì dù gì cũng là anh em trong họ. Chia sẻ với chúng tôi, ông Sinh bảo, buồn lắm, đau lắm nhưng vẫn phải làm. Đã là chính sách, quy định của pháp luật thì tất cả mọi người phải tuân thủ. Là người đứng đầu địa phương, lại càng phải gương mẫu, tuân thủ thực hiện.

Tôi cùng ông Sinh đi khảo sát một vòng quanh 5 công trình vi phạm bị phá dỡ. Tại hiện trường, việc tái phạm đã không còn. Do phá dỡ từ 18/6, nhiều công trình cỏ đã mọc trùm lên, mất dấu vi phạm.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi, nếu có trường hợp nào bị phát hiện xây dựng lập tức báo cáo cấp huyện, cho tháo dỡ ngay. Chúng tôi không làm thế, người dân sẽ được đà lấn tới. Một hộ làm được thì tất cả làm được, tới lúc đó thì muộn rồi”, ông Sinh khẳng định.

16-47-51_3
Dân cư san sát ven kênh Kim Sơn. Ảnh: Kế Toại.
Quay lại vấn để lịch sử để lại, ông Sinh bảo, đây mới là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Trong số 182 công trình đã xây dựng từ trước năm 2016, thì có tới 60% là nhà cấp bốn. Do vậy, tình trạng xuống cấp nhà ở không thể tránh khỏi. Mỗi năm, vài hộ dân lại lên xin UBND xã cho phép cải tạo nhà ở, đảm bảo điều kiện sinh hoạt.

“Ngặt nỗi, theo quy định thì những hộ này phải giữ nguyên hiện trạng. Vì dù đảo một viên ngói thuộc công trình đang nằm trong hành lang bảo vệ cũng trình cũng là vi phạm.

Chúng tôi không dám xác nhận mà chỉ khuất mắt trông coi cho người dân sửa nhà để ở. Vì nếu không làm thế, lỡ mưa gió nhà sập, người chết thì rất khó giải quyết”, ông Sinh phân trần.
 

Nhiều điểm đen nhức nhối

Ông Đào Văn Chương, Trạm trưởng Trạm quản lý công trình thủy lợi Xuân Quan (Cty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) cho biết, ngoài xã Vĩnh Khúc, dọc kênh Kim Sơn đoạn do đơn vị phụ trách còn tồn tại nhiều điểm nóng.

Trạm hiện quản lý 15,8km kênh Kim Sơn, chạy vắt qua 3 huyện là Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên). Điểm đầu tiên là cửa sông Hồng (cống Xuân Quan), điểm cuối là xã Vĩnh Khúc.

Theo ông Chương, 2 điểm vi phạm công trình thủy lợi nhức nhối hiện nay là xã Vĩnh Khúc và Nghĩa Trụ (cùng huyện Văn Giang). Trong đó, các vụ việc tại xã Vĩnh Khúc đã tạm thời được xử lý do có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Thời gian tới, điểm nóng Nghĩa Trụ sẽ được xúc tiến xử lý triệt để.

Ngoài ra, theo ông Chương, không chỉ người dân vi phạm, tại một số địa phương đang có dấu hiệu chính quyền xã tiếp tay cho hoạt động khai thác cát, bến bãi vật liệu xây dựng. Trong thời gian qua, 2 hộ dân tại xã Nghĩa Trụ đã bị xử lý, yêu cầu buộc đóng cửa.

16-47-51_4
Cống Xuân Quan – điểm đầu của kênh Kim Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Điển hình như tại một xã khác của huyện Văn Lâm, một hộ dân ngang nhiên chiếm hàng nghìn mét vuông đất lưu không để tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Mặc dù, Trạm đã nhiều lần ý kiến, họp bàn nhưng vụ việc vẫn ngang nhiên diễn ra. Không hiểu vì lý do gì, chính quyền lại thờ ơ với vi phạm nghiêm trọng này, tạo điều kiện để người dân thách thức pháp luật.

Ông Chương khẳng định, việc cấp giấy phép hoạt động bến bãi trên hành lang công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng như kênh Kim Sơn phải thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Bất kỳ một cấp chính quyền nào cho phép cho người dân hoạt động bến bãi là ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Ông Chương đề nghị, chính quyền huyện Văn Lâm cần nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc. Đồng thời mong mỏi các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia phản ánh, góp tiếng nói tuyên truyền để người dân, chính quyền địa phương nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề.

Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ việc vi phạm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được phát hiện, xử lý. Mặc dù, các địa phương đã ký kết quy chế làm việc, phối hợp Cty Bắc Hưng Hải nhưng dường như rất bàng quan với vi phạm.

“Cái khó hiện nay là người dân cứ xây dựng rồi xã lại phải vào cuộc cưỡng chế, phá bỏ. Địa phương buộc dùng tiền ngân sách chi trả tiền giải tỏa như thuê máy xúc, nhân công. Trong khi điều kiện kinh tế của xã còn hạn chế, ngân sách eo hẹp”, ông Sinh thở dài.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.