| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan xâm phạm công trình thủy lợi: Vi phạm nhan nhản, chính quyền thờ ơ?

Thứ Ba 03/12/2019 , 09:02 (GMT+7)

Trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhiều hệ thống công trình thủy lợi đang bị xâm hại nghiêm trọng.

08-19-47_nh_1
Kênh S48 đang bị băm nát bởi hàng chục cây cầu dân sinh tự phát. Ảnh: Mai Chiến.

Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm rất thờ ơ, chưa quyết liệt. Liệu lãnh đạo một số địa phương có “nhắm mắt” bỏ qua các vi phạm?
 

Kênh S40, S48 bị băm nát

Di dọc quốc lộ 10 từ xã Yên Ninh đến thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định) nhìn bằng mắt thường, cũng nhận ra hoàng loạt công trình vi phạm thủy lợi, lấn chiếm bờ kênh S40 và S48.

Có cả công trình vi phạm lịch sử, lâu năm để lại; nhưng cũng có công trình vừa mới vi phạm và đang vi phạm. Các vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Phải chăng quyết định xử phạt của chính quyền sở tại không có hiệu lực?

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên, tuyến kênh S48 có tổng chiều dài khoảng 4km, kéo dài từ Cầu Tào (xã Yên Ninh) đến ngã ba Cát Đằng (xã Yên Tiến). Hiện vẫn còn khoảng gần 200 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi. Các vi phạm tập trung chủ yếu là xây cầu dân sinh tự phát và xây nhà, lán tạm trên hệ thống kênh.

Kênh S40 dài khoảng 5,5km, kéo dài từ ngã ba Cát Đằng (xã Yên Tiến) đến ngã tư phố Cháy (thị trấn Lâm). Hiện tại, có khoảng 10 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi chưa được xử lý. Các vi phạm chủ yếu là xây cầu dân sinh tự phát.

Cả hai kênh S40 và S48 đều nằm trong hệ thống kênh dẫn nước của công trình thủy nông Ý Yên và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng chục hộ dân cố tình xây dựng các công trình kiên cố trái phép trên hành lang bảo vệ kênh. Việc làm này đã thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến việc nạo vét, duy tu sửa chữa.

Có mặt tại kênh S48, theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến kênh này đang bị người dân phá hoại trầm trọng. Họ tự ý xây cầu dân sinh bắc qua kênh, dày đặc. Các cây cầu này chỉ cách nhau 2 - 3m, thậm chí có đoạn cách nhau chưa đầy 1m. Bề rộng của các cây cầu dao động 1,5 - 2m.

08-19-47_nh_2
Kênh S48 bị lấn chiếm nghiêm trọng, dòng nước đen ngòm. Ảnh: Nguyên Huân.

Tất cả các cây cầu đều được xây dựng kiên cố, chắc chắn và vi phạm hành lang kênh. Nhiều cây cầu có tuổi đời hơn 20 năm. Tuy nhiên, cũng có cây cầu mới được xây dựng cách đây vài năm.

Trong quá trình tác nghiệp tại kênh S48, phát hiện 1 hộ gia đình xã Yên Tiến đang lấn chiếm bờ kênh, kè tường xỉ, đổ đất với mục đích phục vụ cho gia đình, PV Báo NNVN đã hướng máy ảnh về phía khu vực đó để ghi hình thì 1 người phụ nữ đang làm ở đó đã giơ tay từ xa, ra kí hiệu không cho chụp ảnh, đồng thời chạy đến gần chúng tôi nói: “Anh không được chụp ảnh” và có ý định tịch thu máy ảnh của PV.

Không những xây cầu tự phát, vi phạm công trình thủy lợi, một số hộ dân còn tự ý ngâm hàng tấn tre, luồng dưới lòng kênh S48 gây ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt đổ tràn lan dưới kênh, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên, ông Nguyễn Công Trình thừa nhận, tại kênh S40 và S48 vẫn còn tồn tại những công trình vi phạm thủy lợi, chưa được xử lý dứt điểm. Việc xây dựng cầu dân sinh tự phát của các hộ dân đã gây cản trở dòng chảy trên hệ thống các kênh.

Ông Trình lý giải: Đây là những vi phạm có từ lâu đời, khó xử lý. Tuy nhiên, có những vi phạm mới, sau khi nắm bắt, phía công ty đã ghi nhận vụ việc, lập biên bản, đồng thời yêu cầu phía chính quyền sở tại lên phương án giải tỏa.
 

Lấn chiếm hành lang sông Sắt

Việc vi phạm các công trình thủy lợi, hành lang sông, kênh dẫn nước tại tỉnh Nam Định ngày càng diễn ra phức tạp, tràn lan, không những làm mất mĩ quan, các vi phạm còn gây thu hẹp lòng sông, lòng kênh dẫn đến ách tắc dòng chảy.

Sông Sắt là một trong những con sông nằm trong hệ thống thủy nông của công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà (Bộ NN-PTNT). Bề mặt sông rộng 60 - 70m, dài 37km, kéo từ xã Đồng Du (huyện Bình Lục, Hà Nam) đến xã Yên Trị (huyện Ý Yên, Nam Định).

08-19-47_nh_3
Một hộ gia đình lấn chiếm bờ kênh, xây dựng tường bao xỉ. Ảnh: Mai Chiến.

Hiện, dọc hành lang sông Sắt đang xảy ra tình trạng người dân cố tình lấn chiếm bờ sông, xây dựng công trình kiên cố, lán tạm. Điển hình, từ Cầu Tào (xã Yên Ninh) đến Cầu Đen (giáp ranh giữa xã Yên Tiến và Yên Thắng).

Một người dân (xin giấu tên) phản ánh: Hiện tại, sông Sắt đang bị nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng tường bao, công trình kiên cố, lán trại tạm, trồng cây dọc đê, vi phạm hành lang đê sông Sắt.

Nhiều công trình được xây dựng kiên cố, rộng hàng nghìn m2, sát mép bờ sông, gây bức xúc cho người dân. Các công trình chủ yếu là xưởng sản xuất, mua bán đồ gỗ mỹ nghệ. Thậm chí, có cả một công trình được thiết kế theo kiểu khu tâm linh, đồ sộ rộng hàng nghìn m2 đã xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện cũng vi phạm hành lang sông Sắt.

“Song, không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương lại thờ ơ, “nhắm mắt” bỏ qua những vi phạm rõ như ban ngày. Tình trạng, lấn chiếm hành lang sông Sắt ngày một tăng lên nhưng chính quyền sở tại không có động thái xử lý vi phạm”, người dân này bức xúc.

Qua nắm bắt, chúng tôi được biết, tại xã Yên Ninh có hộ gia đình bà Ninh Thị Anh đã xây dựng lán vi phạm hành lang đê điều, đất bãi sông Sắt tại xóm Quyết Phong, thôn La Xuyên với diện tích gần 200 m2. Trong đó, lán lợp tôn 142,5 m2; lán lợp bro xi măng 52 m2. Toàn bộ diện tích đều vi phạm Luật Đê điều, Luật Đất đai 2013, Luật Thủy lợi 2017.

Hộ gia đình ông Ninh Văn Thông xây dựng lán vi phạm hành lang đê điều đất bãi sông Sắt tại xóm Quyết Phong, thôn La Xuyên với diện tích gần 50 m2. Ngoài 2 hộ trên (ông Thông, bà Anh) còn rất nhiều hộ dân khác cũng vi phạm tương tự.

08-19-47_nh_4
Nhiều xưởng sản xuất, mua bán đồ gỗ mỹ nghệ vi phạm hàng lang sông Sắt. Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Trần Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà chia sẻ, phía công ty có phát hiện một số vi phạm trên hành lang sông Sắt. Sau khi nắm bắt vụ việc, công ty đã lập biên bản và đề nghị chính quyền địa phương để xử lý, chứ công ty không có quyền xử lý…

Chính quyền lảng tránh báo chí?!

Vấn nạn vi phạm công trình thủy lợi vẫn chưa được chính quyền sở tại xử lý mạnh tay, quyết liệt. Lãnh đạo còn nể nang, e ngại, không muốn đụng chạm, to tiếng tới người thân (anh em, họ hàng). Sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương khiến tình trạng vi phạm công trình thủy lợi ngày càng gia tăng.

Để thông tin khách quan, chúng tôi có đặt lịch làm việc tại UBND xã Yên Ninh và UBND huyện Ý Yên. Tuy nhiên, gần nửa tháng trôi qua, không thấy phía văn phòng của 2 đơn vị trên hồi âm lại lịch hẹn gặp báo chí.

Chúng tôi có chủ động liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Công Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh; ông Phạm Văn Lưu - Chủ tịch UBND xã Yên Tiến và bà Trịnh Thị Kim Tình - Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên để hẹn gặp làm việc về các vấn đề trên. Tuy nhiên, cả 3 vị đều từ tối đón tiếp với lý do “đi họp” hoặc “bận”.

Phải chăng, cả 3 vị lãnh đạo gồm ông Thắng, ông Lưu, bà Tình đang cố tình lảng tránh báo chí, thờ ơ trước những vi phạm công trình thủy lợi mà không chịu xử lý dứt điểm, gây bức xúc cho người dân?

Báo cáo Tổng cục Thủy lợi

Ngày 24/10/2019, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà có công văn số 700/BC-BNH gửi Tổng cục Thủy Lợi về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi, nước xả thải vào công trình thủy lợi thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà trong tháng 10/2019.

Báo cáo nêu rõ, phát hiện và giải tỏa 1 vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Giải tỏa 5 vụ vi phạm công trình tồn tại cũ. Các vi phạm chủ yếu là xây tường gạch sát mép sông; xây tường bao; dựng lán mái tôn; cắm cọc tre đổ đất lấn chiếm lang sông Sắt.

Tính đến ngày 24/10/2019, tổng số vi phạm công trình thủy lợi còn tồn tại là 74 vụ.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.