| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở của nghệ nhân làng mây tre đan Phú Vinh

Thứ Bảy 12/08/2023 , 12:32 (GMT+7)

Làng Phú Vinh xưa là Phú Hoa Trang có nghĩa là trời phú cho dân có bàn tay lụa vì vô cùng khéo léo, điệu nghệ trong việc đan lát mây tre.

Làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ngày nay) có nhiều lối đan nhất cả nước. Ngoài quy tắc chung giống như mọi làng nghề đan khác gồm nong mốt, nong hai, nong ba còn có kiểu bỏ lỗi các lóng để tạo thành hoa văn, tranh ảnh, phong cảnh, chân dung rất sinh động. Có kỹ năng xử lý mây đặc biệt, chẻ, vót bằng tay đều tăm tắp; đan tranh bằng cách nhuộm lá cây, nhuộm bùn, hun khói tạo màu đen, còn màu trắng ngà là sắc tự nhiên của mây; luộc nguyên liệu để chống mối mọt.

Thời phong kiến, vua Thành Thái đã ban ơn huệ vô cùng sủng ái cho làng Phú Vinh là phong sắc cho 9 nghệ nhân. Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thợ giỏi của làng là ông Nguyễn Văn Khiếu là 1 trong 9 nghệ nhân đầu tiên được phong tặng đợt đầu ở miền Bắc khi có nhiều sản phẩm độc đáo làm quà tặng cho các lãnh đạo trong nước và quốc tế…Năm 2007, câu lạc bộ Nghệ nhân Phú Vinh được thành lập, tập hợp được nhiều thợ giỏi để giữ và truyền lửa nghề. Nhờ đó mà sản phẩm của Phú Vinh đã gặt hái được nhiều huy chương đủ loại ở các kỳ triển lãm, hội chợ, có tới gần 60 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Xưởng mây tre đan của ông Nguyễn Văn Tĩnh. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Xưởng mây tre đan của ông Nguyễn Văn Tĩnh. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Hiện cả làng Phú Vinh có 700-800 hộ làm nghề đan với đủ chủng loại sản phẩm từ gia dụng đến trang trí nội thất nhưng chỉ có 2 hộ làm lồng bàn nâng lên thành hàng nghệ thuật, mỗi chiếc trị giá tới vài chục triệu đồng là ông Nguyễn Văn Tĩnh và ông Trần Văn Khá. Thời gian để làm ra chúng ít cũng 15-20 ngày, nhiều khi kéo dài đến cả tháng, tuy nhiên, hình dáng, màu sắc, hoa văn lại rất khác nhau. Lồng bàn nhà ông Tĩnh sợi mây to hơn, chắc chắn hơn, còn lồng bàn nhà ông Khá sợi mây nhỏ, mịn đến nỗi người làng gọi là “lồng bàn màn tuyn”.

Ông Tĩnh cười mà rằng: “Đa số lồng bàn của tôi bán không dùng để đậy thức ăn mà để cất vào tủ kính, sưu tầm đấy”. Ngoài những hộ gia đình làm theo kiểu tận dụng thời gian nông nhàn, hiện nay trên địa bàn xã Phú Nghĩa còn có gần 20 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mây tre đan sản xuất chuyên nghiệp. Có những cơ sở rộng hàng ngàn m2, thu hút hàng trăm lao động trực tiếp thường xuyên và nhiều lao động thời vụ, làm gia công theo đặt hàng tại các hộ gia đình ở trong và ngoài làng. Sản phẩm của chúng được xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Úc…

Ông Nguyễn Văn Tĩnh bên sản phẩm chao đèn nghệ thuật. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh bên sản phẩm chao đèn nghệ thuật. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì mỗi năm đến Phú Vinh, lại thấy bớt đi những mái đầu xanh và thêm vào những mái đầu bạc. Nghề mây tre đan ở đây đang phải cạnh tranh khốc liệt với những ngành nghề khác như làm công nhân khu công nghiệp, đi chạy chợ hay làm dịch vụ. Những thợ giỏi hay thậm chí nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Tĩnh dù bán được những sản phẩm tới 20-30 triệu nhưng tính chi li ra, ngày công cũng không quá 300.000đ.

Những thợ trẻ hơn, ngày công chỉ 150-200.000đ, khá thấp so với các lĩnh vực khác. Thêm vào đó, việc học nghề thủ công mỹ nghệ rất tốn thời gian, đào tạo có khi đến vài năm mới thành thục. Khi họ thành thục rồi, thấy chỗ khác thu nhập cao hơn lại bỏ nghề, khiến cho các chủ xưởng, nghệ nhân phải đỏ mắt kiếm người thay thế.

Đó là cái khó chung của hàng trăm làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ không chỉ ở Hà Nội mà khắp cả nước. Bởi vậy mà ngoài việc phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng được thị trường mỗi lúc một phong phú còn phải nghĩ ra cách để kiếm tiền theo kiểu đa giá trị chứ không chỉ sản xuất đơn thuần. Ông Tĩnh tâm sự, những người còn tâm huyết với làng nghề mây tre đan ở Phú Vinh ngoài mong muốn Nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp còn mong được phát triển du lịch trải nghiệm để tăng thu nhập.

"Những lớp nghệ nhân chúng tôi không gì mong hơn được sống đàng hoàng bằng nghề của cha ông để lại. Ở các vùng đã có nghề, mong Nhà nước có nhiều chương trình khuyến khích thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động giữ gìn văn hóa cổ xưa cũng như phát triển được kinh tế để giữ được chân họ. Ở các vùng chưa có nghề, mong có phương án tổ chức nhân cấy nghề thích hợp, mang tính bền vững”.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội bảo tồn và phát triển làng nghề giúp không chỉ chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn gắn với những nét đẹp văn hóa cổ truyền, cần phải giữ gìn. Chính vì vậy nhà nước cần phải có những chính sách đặc thù và phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh của các nghề truyền thống, cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!