Phúc Thọ là huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp như đất đai, tiểu vùng khí hậu, lao động nhàn rỗi…Tại đây đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng sản xuất rau an toàn 480ha tại các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Vân Phúc; vùng sản xuất bưởi theo hướng VietGAP 30 ha tại các xã Vân Hà, Hiệp Thuận; vùng sản xuất chuối theo hướng VietGAP 6 ha tại xã Vân Nam…
Mới đây, huyện đã ban hành “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo” với nhiều chính sách hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực trồng trọt, Phúc Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 1.235 ha lúa chất lượng cao, đạt chuẩn an toàn; nâng diện tích rau an toàn lên 345ha; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản, ưu tiên áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Thực tế, ngay trong năm 2022 huyện đã hỗ trợ xây dựng được một số mô hình như: sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu áp dụng VietGAP trên diện tích 40ha tại xã Hát Môn; trồng bưởi theo chuẩn VietGAP đã triển khai trên diện tích 14 ha tại các xã Hiệp Thuận, Hát Môn, Võng Xuyên; phát triển làng nghề hoa - cây cảnh gắn với sinh thái môi trường, kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch trải nghiệm tại xã Tích Giang; đề án phát triển sản xuất hoa chất lượng cao tại xã Tam Thuấn. Phấn đấu hết năm 2022 huyện sẽ chuyển đổi 100 ha lúa, màu bấp bênh sang các đối tượng cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn và thực hiện từng bước để xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo sông Hát và gạo sông Tích để làm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Thời gian qua, có nhiều đơn vị liên quan đến ngành nông nghiệp đã chung tay hướng dẫn, thực hiện mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP, hữu cơ trên địa bàn Phúc Thọ như Trạm Bảo vệ Thực vật, Phòng Kinh tế, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội…
Chị Khuất Thúy Thỏa-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết đơn vị đang hỗ trợ thực hiện 4 mô hình khuyến nông gồm 2 mô hình thủy sản, 1 mô hình bưởi VietGAP và 1 lúa trong đó có 3 cái áp dụng theo chuẩn VietGAP. Toàn bộ những mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm của các mô hình này đều được đem đi phân tích, xét nghiệm để đánh giá xem nó có đảm bảo an toàn hay không. Sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện mới được cấp giấy chứng nhận VietGAP rồi có thể đưa sản phẩm vào siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm an toàn.
Theo chị Thỏa, trong lĩnh vực trồng trọt đã xây dựng được nhiều mô hình VietGAP bởi có yếu tố thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng trực tiếp hơn và rõ hơn với người sử dụng nên cần phải áp dụng tiêu chuẩn này trước. Tuy nhiên hiện nay lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng phải áp dụng VietGAP vì nhiều loại thức ăn chăn nuôi, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng người dân dùng vẫn chưa đúng cách nên để lại dư lượng không tốt.
Dù quan trọng là thế nhưng thực tế sản phẩm nông nghiệp VietGAP, sản xuất an toàn hay hữu cơ tiêu thụ vẫn còn khó khăn. Làm sao để người tiêu dùng có nhu cầu về sản phẩm an toàn tin tưởng mua chúng qua các nhà phân phối tin cậy? Làm sao để người sản xuất biết cách liên kết với nhau để đủ chất lượng, số lượng đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối?
Để xác định một sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP hay không khác hoàn toàn với một sản phẩm đạt chứng nhận nào đó trong công nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp an toàn là cả quá trình từ gieo trồng, xuống giống chăn nuôi, chăm sóc đến khi thu hoạch, có thời gian rất dài. Trong khi đó, hai cây rau để gần nhau, hai miếng thịt để gần nhau, giữa VietGAP và không VietGAP cũng rất khó có thể phân biệt được. Thậm chí ăn vào miệng có khi cũng không phân biệt được, còn tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng thì có thể cũng không nhìn thấy ngay mà phải sau 5-10 năm bởi thế khó khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm an toàn. Từ đó, khó kích thích người sản xuất mở rộng được diện tích.