| Hotline: 0983.970.780

Về Phúc Thọ nghe chuyện vay quỹ khuyến nông

Thứ Năm 22/09/2022 , 08:07 (GMT+7)

Hà Nội là địa phương duy nhất trong cả nước có quỹ khuyến nông và suốt từ ngày thành lập cho đến nay đã luôn đồng hành cùng bà con trên địa bàn

Theo quy trình, khi muốn vay vốn, nông dân phải xây dựng phương án sản xuất rồi gửi cho khuyến nông, nếu được Hội đồng thẩm định của quỹ khuyến nông thành phố chấp thuận họ sẽ được giải ngân. Mức cho vay tối đa theo quy định của quỹ hiện nay là 500 triệu. Anh Quang Văn Chung ở thôn Dum, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ là một nông dân từng hưởng lợi từ việc vay vốn quỹ khuyến nông của thành phố Hà Nội kể, trước đây mình đã vay được 250 triệu đồng để có thêm tiền chăm sóc cho đàn bò 25 con giống BBB.

Đó là giống bò siêu năng suất, cơ bắp cuồn cuộn nên khá phù hợp với nhu cầu của thị trường đang thiếu nguồn thịt tươi sống, không đòi hỏi chất lượng phải quá cao như hiện nay. Với giá bán dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg bò BBB đem lại lợi nhuận khá tốt, nhờ đó mà anh Chung thu lãi trung bình hơn 200 triệu đồng/năm.

Anh chia sẻ: Tôi nuôi từ bê mới đẻ lên khoảng 12 tháng tuổi, khi đạt được tầm vóc của khung xương thì mới bắt đầu vỗ béo trong khoảng 6 tháng liên tục. Khẩu phần ăn lúc đó trung bình mỗi ngày, mỗi con gồm 5-6 kg thức ăn tinh và 15 - 20kg thức ăn thô xanh. Nhờ đó lúc bò xuất chuồng có thể đạt trọng lượng khoảng 650-700 kg và được thương lái rất ưa chuộng.

Empty

Một trang trại nuôi bò BBB ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Chị Khuất Thúy Thỏa-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ cho biết, có 8 hộ nông dân trên địa bàn đang vay vốn quỹ khuyến nông với tổng số tiền là 2,75 tỉ đồng, hầu hết đều thực hiện có hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích và nộp phí đúng quy định. Riêng từ đầu năm đến nay đã xét duyệt cho 4 hộ vay gồm 1 hộ ở xã Thọ Lộc vay 500 triệu để mua máy gặt đập liên hoàn; 1 hộ vay 300 triệu ở xã Liên Hiệp để nuôi gà đẻ; 1 hộ ở Tích Giang vay 400 triệu để trồng hoa lily và 1 hộ ở Phụng Thượng vay 400 triệu để nuôi gà đẻ.

Về chăn nuôi, hiện đang khó khăn ở chỗ giá cám cao, nông dân phải giảm quy mô đàn, tiết kiệm tối đa những chi phí có thể. Về cơ giới hóa đồng bộ, các khâu làm đất, gặt đập liên hoàn khá thuận lợi bởi có thể cơ động đi nhiều nơi, mùa vụ kéo dài, thu lợi nhanh, không đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp đi kèm, nhờ đó tỷ lệ đạt rất cao. Nhưng riêng về khâu mạ khay máy cấy rất khó bởi bao gồm nhiều điều kiện đi kèm ví dụ làm đất phải tốt hơn so với cấy thường, mạ khay phải làm tốt mới đem vào máy cấy được, nước phải chủ động. Trong khi đó thời vụ thì ngắn, rồi liên quan đến mặt bằng, nhà xưởng đòi hỏi diện tích lớn, đầu tư ban đầu cao, lợi nhuận thu về thấp nên dù thành phố có chính sách mà tỷ lệ đạt rất khiêm tốn.

Empty

Bò BBB có cơ bắp rất phát triển, được người chăn nuôi Hà Nội ưa chuộng. Ảnh: NNVN.

Nói về chuyện quỹ khuyến nông, chị Thỏa nhận định nhu cầu vay của bà con trong huyện vẫn còn nhiều nhưng hiện tại đang vướng ở chỗ không phải ở chính sách của ngành khuyến nông mà là do cơ chế về đất đai đã thay đổi. Đa số các chủ trang trại trước đây đều có hợp đồng giao khoán ký với các UBND xã, nhưng giờ đang bị mắc ở chỗ là UBND xã không có quyền được giao đất trực tiếp nữa mà phải thông qua đấu thầu. Và việc đấu thầu đất hiện nay cũng đang tắc ở chỗ không có cách xác định giá trị những tài sản, hoa lợi trên đất của người đã đầu tư trước đây. Thực tế, là họ-những người chủ trang trại ấy vẫn đang sản xuất nhưng lại không có đầy đủ các thủ tục pháp lý để mà vay vốn, tham gia vào làm các mô hình nên khó mở rộng quy mô, khó phát triển bền vững được. Bất cập này rất cần được thành phố Hà Nội tháo gỡ kịp thời.

Hiện nay, có nhiều nguồn vay vốn như ngân hàng hay một số quỹ của các hội, đoàn thể nhưng quỹ khuyến nông của Hà Nội vẫn là nơi có mức phí thấp và đặc biệt là luôn có cán bộ kỹ thuật đồng hành tư vấn ngay lúc đầu. Cụ thể, chủ trang trại được cán bộ tư vấn từ thiết kế chuồng trại vườn tược đến mua cây, con giống, cách chăm sóc,  phòng bệnh, bán ở đâu cho được giá và cả cách quản lý kinh tế nữa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.