Những người dân thuộc xóm Kim Cương (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ) đang rất hoang mang, lo lắng.
Bảo vệ hiện trường
Ghi nhận của PV, cánh đồng xóm Kim Cương đã xuất hiện nhiều hố sụt lún. Tại thửa ruộng trồng lạc và ngô của gia đình ông Nông Cao Khánh đã có 4 hố sụt lún. Hố lớn nhất có diện tích lên đến 40m2. Ông Trần Văn Thìn (xóm Kim Cương, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ) cho biết, sụt lún diễn ra từ tối 22/5, hố thụt sôi như bong bóng, nổ ầm ầm, suốt đêm người dân phải canh gác để ngăn chặn mỏ sắt Trại Cau đưa phương tiện vào lấp hố.
Các hố sụt lún xuất hiện trên đất canh tác của người dân. |
Ông Nông Văn Hoàng (xóm Kim Cương) cho biết, tình trạng sụt lún đã xuất hiện nhiều năm, chính quyền các cấp đã nhiều lần về địa phương nhưng không giải quyết triệt để được sự việc. Người dân không thể yên tâm canh tác, nứt ruộng, mất đất, mất tư liệu sản xuất thường xuyên xảy ra.
Người dân trông chờ vào ruộng phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, tìm cách ăn đong vì không thể canh tác. Hết cấp này đổ trách nhiệm cho cấp kia, doanh nghiệp này đổ cho doanh nghiệp kia. Việc nước đổ vào hố sụt rồi chảy xuống moong mỏ sắt chứng tỏ việc khai thác tại mỏ Trại Cau chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trên trong những năm qua.
Ông Lâm văn Coóng (Bí thư Chi bộ xóm Kim Cương, xã Cây Thị) cho biết, do doanh nghiệp Kim Sơn (phía đầu nguồn dòng suối Ngàn Me) đổ trực tiếp bùn thải vào dòng suối khiến nước lũ không thể rút nhanh.
Cận cảnh một hố tử thần |
Trong khi đó, các hố sụt lún đã hút nước từ dòng suối Ngàn Me xuống. Người dân phát hiện, nước đã đổ thẳng vào moong khai thác tầng sâu Núi Quặng của mỏ sắt Trại Cau (thuộc Cty CP Gang thép Thái Nguyên). Khẳng định, moong khai thác trên chính là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt đất, mất nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong suốt thời gian qua nên người dân đã thay phiên nhau túc trực suốt đêm ngày 22/5 và trong ngày 23/5 để ngăn chặn việc người và phương tiện của mỏ sắt Trại Cau tiến hành lấp các hố thụt lún.
Sụt lún lan rộng
Trong khi đó, nhiều hố sụt lún mới xuất hiện khắp trên bề mặt của cánh đồng xóm Kim Cương. Vì tính chất nguy hiểm của sự việc nên đoàn kiểm tra chỉ dám ghi nhận trong biên bản những hố sụt gần đường được nhìn thấy. Ngay trong lúc PV NNVN đang trực tiếp có mặt tại hiện trường để ghi nhận sự việc thì nhiều hố sụt xuất hiện kèm với tiếng động đất mạnh gây ra sự hoang mang, lo sợ đối với nhiều người. Những mảng ruộng ngô, lạc bị kéo xuống âm ty với tiếng nổ rất lớn.
|
Hố tử thần xuất hiện kéo theo nhiều mảng ruộng ngô, lạc bị sụt lún |
Ông Phạm Thanh Sao (Chủ tịch UBND xã Cây Thị) cho biết, đã có mặt ngay từ khi có trình báo của người dân và tiến hành lập các biên bản sự việc để làm căn cứ cho việc tìm rõ nguyên nhân tình trạng sụt lún đang được các cơ quan chức năng thuộc Viện khoa học (Bộ TN-MT) đánh giá và xác định trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp gây ra tình trạng trên.
Ông Nguyễn Văn Quảng (Bí thư Đảng ủy mỏ sắt Trại Cau, Cty CP Gang thép Thái Nguyên) khẳng định, mỏ không bác bỏ những ảnh hưởng của việc khai thác đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ra sao thì phải có kết luận chính thức từ phía cơ quan chuyên môn.
Ông Quảng thừa nhận nước chảy vào moong của mỏ là rõ ràng. Lo ngại nhất hiện nay là việc bà con không cho mỏ lấp các hố sụt lún, nước từ suối đổ vào moong khai thác thì chắc chắn sẽ phải sớm muộn đóng cửa mỏ, nguy cơ sản xuất sẽ hiển hiện. Mối quan tâm của mỏ lúc này là an sinh xã hội gắn liền với đảm bảo sản xuất. Mỏ gặp khó thì việc đảm bảo khắc phục những khó khăn do đơn vị gây ra lại càng khó thực hiện.
Các hố sụt lún 'nuốt' ruộng ngô, lạc của dân |