Tranh sơn mài được xem như một sáng tạo độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Các tài liệu ghi nhận ông tổ tranh sơn mài nước ta là Trần Lưu từ thế kỷ 15 đã hướng dẫn nghề vẽ này cho người dân của làng Bình Vọng (nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Tranh sơn mài chính thức được phổ biến tại Việt Nam một cách bài bản, chuyên nghiệp là nhờ khóa học nghệ thuật sơn mài do Joseph Inguimberty giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1927. Từ đó mà các họa sĩ Việt Nam đã đưa hơi thở, cốt cách người Việt và phong cách riêng của họ vào tranh sơn mài.
Triển lãm “Sơn mài” khai mạc tối 20/11 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM được công chúng thực sự quan tâm, vì lần đầu tiên có một cuộc hội ngộ đông vui của những người yêu sơn mài. Gần 100 bức tranh sơn màu của 61 họa sĩ được trưng bày, chứng tỏ nghệ thuật sơn mài đang tạo hào hứng cho giới cầm cọ phương Nam.
Họa sĩ Huyền Lam, phó chủ nhiệm CLB Sơn mài truyền thống của Hội Mỹ thuật TP.HCM bày tỏ: “Vài năm trở lại đây, chất liệu sơn mài được nhiều anh chị em chọn lựa để sáng tác là một tín hiệu tích cực cho thấy thị trường tranh sơn mài đang có những chuyển động mới mẻ”.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Thị Hằng, mỗi họa sĩ khi đến với sơn mài, với tạng chất, cá tính riêng biệt lại có những thủ pháp kỹ thuật khác nhau, sẽ tạo ra những phong cách cá nhân đậm nét. Ngày nay, bảng màu sơn mài đã có tới hàng trăm màu sơn, dễ dàng đáp ứng nhu cầu được tự do biểu đạt của họa sĩ. Những màu sắc mới, ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được thể hiện bằng chất liệu sơn truyền thống tạo ra nét tươi mới cho nghệ thuật sơn mài.
Sơn mài phù hợp với tâm hồn Á Đông, vốn mạnh về diễn đạt đời sống bên trong con người nghệ sĩ. Từ những sự hỗn độn của thế giới hỗn mang tới vẻ đẹp tĩnh lặng đậm chất thiền đều có thể được biểu đạt bằng chất liệu đặc biệt này. Không còn những giới hạn về chất liệu, con đường của sơn mài còn rộng, còn dài, là miền đất màu mỡ nhưng cũng đầy thử thách cho những ai quyết tâm chinh phục.
Là một người gắn bó nhiều năm với tranh sơn mài, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên phân tích: Người làm sơn mài đích thực phải là người tuân thủ và phát huy những truyền thống quý của nghệ thuật dân tộc, không được phép bớt xén bất cứ công đoạn nào của ông cha truyền lại. Bớt đi tức là làm giảm tính độc đáo và nó không còn nguyên giá trị gì nữa.
Tranh sơn mài truyền thống vẽ bằng sơn ta (nhựa cây sơn trồng ở Phú Thọ). Mà sơn ta phải ủ ẩm mới khô. Sơn mài quý ở chỗ vẽ nhiều lớp, khi mài hiện lên mầu sắc ẩn hiện mới đẹp, riêng khâu ủ ẩm và mài nhẵn đã chiếm nhiều thời gian phải sửa đi sửa lại,v.v. Hoàn thành bức tranh sơn mài phải tính hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm...
Muốn làm tranh sơn mài nhanh, chỉ có cách dùng hoá chất ngoại nhập (sơn Nhật Bản) loại sơn này không cần ủ, vẽ xong khô ngay. Những người làm tranh sơn mài nghệ thuật đích thực, không vẽ sơn Nhật bao giờ.