Hội Cựu công an nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” thực hiện sưu tầm, phục dựng ảnh thờ các anh hùng, liệt sỹ bằng công nghệ hiện đại. Gần 100 di ảnh đã được phục dựng thành công, trong đó, 80 bức ảnh tiêu biểu đã được trao tặng cho thân nhân trong buổi lễ.
Phát biểu tại sự kiện, Trung tướng Bùi Bá Định - Chủ tịch Hội Cựu công an nhân dân tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban Tổ chức - khẳng định: “Những di ảnh màu sáng đẹp, được phục dựng bằng kỹ thuật tiên tiến, tuy giá trị vật chất không lớn nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là món quà tinh thần vô giá, góp phần tôn vinh các anh hùng liệt sỹ và lưu giữ hình ảnh của họ mãi mãi trong trái tim các thế hệ sau”.
Những di ảnh thờ vừa được phục dựng màu và trao cho thân nhân các gia đình chỉ là một phần rất nhỏ trong số các anh hùng liệt sỹ của tỉnh Ninh Bình. Bởi trong suốt các cuộc kháng chiến kiến quốc, tỉnh Ninh Bình có hơn 17.000 anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống.
“Sự hy sinh của các anh là ánh hào quang bất diệt. Các thế hệ hôm nay nguyện sống xứng đáng với những máu xương đã đổ xuống, bằng những việc làm thiết thực cho quê hương, đất nước”, Trung tướng Bùi Bá Định xúc động chia sẻ.
Theo Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - người sáng lập và Chủ tịch tổ chức “Trái tim người lính” cho biết: “Sự kiện này mở ra cơ hội để hội cựu công an các địa phương khác trên cả nước tham khảo và nhân rộng mô hình phục dựng di ảnh thờ trao cho thân nhân các gia đình, góp phần gìn giữ hình ảnh và tinh thần của các anh hùng, liệt sỹ”.
Di ảnh được trao không chỉ là kỷ vật gia đình mà còn là biểu tượng của sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, nhắc nhở tất cả về lòng biết ơn và trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chương trình phục dựng màu cho các di ảnh anh hùng, liệt sỹ sử dụng kinh phí xã hội hóa. Các thành viên tham gia phục dựng là những họa sĩ trẻ và sinh viên. Nhiều người là con em gia đình cựu chiến binh, có điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, có người bị khuyết tật về sức khỏe.