Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam

Làng Thạc - một cái duyên tình cờ (*)

Làng Thạc - một cái duyên tình cờ (*)

Lần theo dấu vết tộc họ ở địa phương để ngược đường ra Thanh Hóa. Tưởng chừng mọi thứ đã đi vào ngõ cụt, thì một lần nữa ‘cái duyên tình cờ’ lại gieo xuống.

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt xin trân trọng mời bạn đọc cùng phiêu lưu với tiến sĩ Andrea Hoa Pham ở hành trình khám phá lý thú này trên đất xứ Thanh xa xôi.

 

Khi nói đến giọng Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến cách phát âm kỳ lạ các từ như cá, lạ, bàn và các vần như oi, ai, ăn, ao, ay. Ví dụ như nhăn răng nói như nheng reng; áo, cháo nói như ố, chố; lải nhải, lai rai nghe như lửa nhửa, lưa rưa; loi choi nghe như lua chua, và máy bay nghe như má ba.

Về mối liên quan với tổ tiên từ Nghệ An, chương 4 cho thấy nguyên âm lạ tai trong các từ cá, lạ, bàn của Quảng Nam đã tìm được “người anh em họ” của mình ở hai thổ ngữ huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh (Nghệ An cũ). Không chỉ thế, vần viết là ao phát âm thành ô của giọng Quảng Nam cũng được nói y hệt như vậy ở thổ ngữ Kẻ Chay, Hà Tĩnh. Các cách phát âm này cùng với các phong trào di dân trong lịch sử là sự bảo đảm bằng vàng ròng cho mối liên hệ giữa giọng Nghệ An và Quảng Nam.

Có cái gì là bằng chứng cho mối liên quan giữa giọng Quảng Nam và Thanh Hóa không? Nguồn cung cấp di dân lớn thứ hai vào phương Nam là Thanh Hóa. Thế thì liệu trong giọng Thanh Hóa hiện nay có những nét nào mà chỉ tìm thấy riêng trong giọng Quảng Nam, chứ không phải cũng thấy ở các giọng Nam Trung Bộ và Nam Bộ khác không? Nếu giọng Quảng Nam thực sự bắt nguồn từ giọng Thanh Hóa, thì có lẽ còn giữ ít nhất một vài tính chất riêng biệt nào đó của giọng Thanh Hóa. Chẳng hạn như phụ âm ngạc ch, nh sau hai nguyên âm [i] và [e] ở vị trí âm cuối chỉ xuất hiện trong giọng Thanh Hóa và giọng Quảng Nam (gồm cả bắc Quảng Ngãi). Còn những đặc điểm khác ở giọng Thanh Hóa, ví dụ như sự biến mất của nguyên âm đôi và của thanh ngã, thì đều thấy trong các giọng từ Nam Trung Bộ trở vào Nam Bộ. Liệu ngoài phụ âm cuối ch/nh sau [i] và [e], có còn đặc điểm nào nữa mà chỉ thấy ở giọng Quảng Nam và Thanh Hóa không?

Theo lời vị bô lão tuổi 80 và là cộng tác viên giọng Kẻ Chay, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thì tổ tiên của dân làng Kẻ Chay là người Thanh Hóa. Họ di cư vào lập nghiệp từ lâu lắm, khi mà ban đêm ngủ còn nghe tiếng cọp gầm ngoài rừng. Cuối cùng, nếu tổ tiên của người Quảng Nam là người Nghệ An và Thanh Hóa, thì ít nhất phải có những đặc điểm gì đó mà chỉ thấy ở ba phương ngữ Quảng Nam, Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa.

 

Vài câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên.

Thứ nhất, giọng Quảng Nam và Hà Tĩnh đều phát âm nguyên âm ghi bằng a dạt về dòng sau, thậm chí tròn môi như trong giọng Kẻ Chay. Nếu tổ tiên người Kẻ Chay từ Thanh Hóa đến, liệu có thể rằng nguyên âm /ɑ/ trong giọng Kẻ Chay, Đức Thọ là phát xuất từ Thanh Hóa không? Nếu không thì có cách phát âm nào ở Thanh Hóa mà khác với các phương ngữ Bắc Bộ và Nam Bộ cái nguyên âm viết bằng a không?

Thứ hai, như đã thấy ở chương 2, giọng Quảng Nam có kiểu kết hợp của những vần ai, oi, ăn, ao, ay không giọng địa phương nào có. Hiện tượng rơi rụng âm lướt cuối như máy bay thành má ba, hay heo thành he ở giọng Quảng Nam cũng thấy ở giọng Kẻ Chay Hà Tĩnh (cưa thành, cua thành cu). Ở Thanh Hóa, liệu có tìm thấy hiện tượng nào tương tự ở thổ ngữ nào đó như đã thấy trong giọng Quảng Nam và thổ ngữ Hà Tĩnh không?

Nếu tìm ra chứng cứ về các vần đặc biệt hay cách phát âm lạ nguyên âm viết bằng a ở giọng Thanh Hóa thì sẽ củng cố chắc chắn thêm nhận định giọng Thanh Hóa là tổ tiên của giọng Quảng Nam và các giọng Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Lưu ý rằng chúng tôi chỉ chú trọng vào phần nguyên âm và âm cuối mà không khảo sát thanh điệu.

Những câu hỏi này thôi thúc chúng tôi về những miền quê Thanh Hóa vào tháng 10 năm 2018. Hành trang chỉ là những nhận xét về giọng Thanh Hóa đã đọc được trong những bài viết hoặc tham luận của một số nhà ngữ học người Việt (không ai nói đến nguyên âm viết bằng a). Chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ kiên nhẫn dò dẫm từ làng này qua xã nọ, nghe ngóng dân địa phương nói chuyện với nhau, cố đãi cát để xem có may mắn tìm ra được hạt vàng nào không?

***

 

Tỉnh Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh lớn nhất của Việt Nam với 2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện gồm cả thảy là 559 xã (Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa, 2022). Trong chừng ấy xã mà chỉ có một mình, không một tài liệu nào hé mở chút ý tưởng, biết ở đâu có hiện tượng mình cần tìm mà đến? Thiệt là còn hơn mò kim đáy bể, tìm em như thể tìm chim. Có khi khó hơn mò kim vì cây kim nó chỉ nằm yên đó cho mà tìm. Còn các thổ ngữ độc đáo thì đang dần dần bị “chuẩn hóa”, thành cánh chim bay đi mất.

Cho nên việc tìm được thổ ngữ làng Thạc của Thanh Hóa là một may mắn lớn. Nó gợi ý cho chúng tôi câu trả lời hết sức thú vị về vấn đề đang tìm kiếm.

Chỉ có bốn ngày ngắn ngủi ở Thanh Hóa, chúng tôi đi tìm kiểu chải răng lược ở sáu huyện vừa ven biển vừa đồi núi trung du, và một thành phố biển (Sầm Sơn). Đó là các huyện Thạch Thành (đồi núi), Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa (duyên hải), Triệu Sơn và Thọ Xuân. La cà khắp nơi từ sáng đến tối, tôi tìm về các phiên chợ quê, nói chuyện, hỏi han người địa phương ở ngoài chợ, nghe ngóng họ mua bán mặc cả (chứ sợ mình hỏi thì họ trả lời bằng giọng “phổ thông, giấu đi những gì độc đáo “nhà quê” của họ). Lúc mệt thì ngồi trong những quán nước nhỏ xập xệ bên đường đầy bụi đỏ bụi vàng, lắng nghe người dân nói chuyện với nhau để xem có phát hiện ra điều gì mới trong giọng nói của họ không. Đặc biệt là có nghe thấy nguyên âm nào từa tựa như cách người Quảng Nam phát âm những từ như ba, bàn, cá không? Có những phiên chợ ở xóm nhỏ, người bán ngồi dưới đất với cái thúng hay cái mẹt con con đựng vài bó rau, mấy trái cà chua hay món hàng gì đó trồng được trong vườn nhà. Chợ nhỏ đến nỗi mặc dù mới 2-3 giờ chiều, cả chợ chỉ lác đác chừng vài chục người. Có nơi khi tìm đến được thì vừa hoàng hôn, chợ đang tan. Các bà các cô dọn dẹp hàng quán để về. Nghe hỏi chuyện, họ cũng xúm lại nói đùa vài câu và cười vang. Tôi vẫn kịp nghe thấy trong giọng nói của họ không có ba nguyên âm đôi, và cũng thấy phụ âm cuối ch/nh sau [i] và [ê]. Chất giọng thì đặc sệt Quảng Nam. Tôi phải tự nhắc là mình đang ở Thanh Hóa. Không thì cứ tưởng như đang nghe các bà các cô tán gẫu trong một ngôi chợ nào đó ở làng quê Quảng Nam. Chỉ khác một điều là các vần đặc trưng Quảng Nam kia thì không nghe thấy.

Sau vài ngày đi nghe ngóng và cũng thu âm các cộng tác viên ở một số nơi, tư liệu ban đầu đã khẳng định được một số điều các nhà ngữ học miêu tả về giọng Thanh Hóa. Nhưng bóng dáng của cái nguyên âm a trứ danh kia và những vần đặc biệt “không giống ai” trong giọng Quảng Nam thì vẫn bặt tăm.

Trước khi quay xe vào Đà Nẵng, chúng tôi vẫn còn cố vớt vát thêm vài chỗ ở huyện Thọ Xuân, xem có nơi nào mà nguyên âm a nói thành ô hoặc một cái gì tương tự thế không. Đến lúc tạm yên tâm với ý nghĩ Thanh Hóa không có nơi nào phát âm “đáng ngờ” về các từ như ba, cá, bàn, thì tình cờ chúng tôi “va” phải một phụ nữ trên đường làng. Chị thân thiện đứng lại trò chuyện khi chúng tôi chào hỏi. Sau khi biết chúng tôi đi tìm hiểu về những giọng địa phương lạ, người phụ nữ cười ngặt nghẽo, tuôn một hơi Bừa ơi bừa, bừa rưa chợ mua cho tui hơi trới cừa. Rồi trước cái nhìn nghệt ra của tôi, không đợi hỏi, chị nhanh chóng giải thích câu chị vừa nói, là Bà ơi bà, bà ra chợ mua cho tui hai trái cà. Tôi vô cùng kinh ngạc, vì chưa từng nghe nói hay đọc thấy hiện tượng này ở đâu. Đây hẳn là câu nói nổi tiếng truyền miệng của làng, như kiểu Eng không eng téc đèng đi ngủ chó lớng céng chó nhỏ nheng reng (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ chó lớn cắn chó nhỏ nhăn răng) của người Quảng Nam. Điều kỳ diệu là vần “kỳ cục” này cũng là nguyên âm viết bằng chữ a và trong âm tiết mở! Âm tiết mở là yếu tố quan trọng vì ở đó nguyên âm không bị biến phẩm chất dưới tác động của phụ âm cuối, như khi xuất hiện trước phụ âm mạc. Người phụ nữ cho biết chị ở làng Thạc, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân. Trong khi ở giọng Quảng Nam, nguyên âm ba, lạ, cá được nói như boa, lọa, cóa thì ở làng Thạc, nó được phát âm nghe như nguyên âm đôi dòng giữa: bưa, lựa, cứa. Lòng mừng khấp khởi, chúng tôi hỏi đường và tự đi về làng Thạc vì chị còn đang trên đường đi ra chợ.

Vì không quen ai và không có người giới thiệu, về đến gần làng Thạc, tôi và người tài xế vào một quán ăn, gọi tô phở, và lân la hỏi chuyện chủ quán. Khi nghe nói chúng tôi đi tìm hiểu những giọng nói lạ, ông nói đi về làng Thạc vì họ nói lạ lắm, như thành gừa. Ông nói chúng tôi cứ ăn xong đi, sau đó ông cho con trai dẫn chúng tôi vào một gia đình quen ở làng Thạc. Chúng tôi vào hỏi chuyện và gia đình này sẵn lòng giúp ghi âm. Bà cụ mẹ của chủ nhà năm ấy đã 90 tuổi. Bà cụ chỉ ngồi trên giường tiếp khách, nói bằng một giọng có nhiều âm và từ rất khó hiểu. Tuy cụ còn minh mẫn nhưng tai đã hơi lãng, cho nên chúng tôi xin phép thu âm người con dâu cụ, chị Mai T. S., một phụ nữ cũng sinh trưởng ở làng.

Sau đó chúng tôi còn đi loanh quanh trong xóm, thu âm thêm vài cộng tác viên nữa. Không những a nói như ưa như thành cừa, khi thu âm, chúng tôi nhận thấy người dân phát âm kiểu lạ lùng này một cách rất có hệ thống, đều đặn trong tất cả các loại hình âm tiết chứ không chỉ trong âm tiết mở. Giọng nói của chị Mai rất nhất quán, nhưng ở vài cộng tác viên khác thỉnh thoảng có pha trộn giọng phổ thông. Vì vậy, trong phần phân tích, chúng tôi chỉ dùng tư liệu thu âm chị Mai T. S. Tư liệu từ hai cộng tác viên khác được dùng để đối chiếu khi cần.

 

Phần tiếp theo miêu tả và phân tích hệ thống vần làng Thạc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phát âm của nguyên âm viết bằng a cho thấy thổ ngữ này có mối liên hệ thật đặc biệt và rất riêng (intimate) với giọng Quảng Nam và với hai thổ ngữ Hà Tĩnh đã trình bày ở Chương 4.

(*) Trích chương Năm – Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
A.H.Pham
.

Tin khác

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/01/2025
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/01/2025
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/01/2025
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/01/2025
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/01/2025
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/01/2025
Có một người tu hành như thế

Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/01/2025
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024