Ăn cỗ

Tạ Duy Anh - Thứ Hai, 23/05/2022 , 06:35 (GMT+7)

Ăn cỗ, với người dân quê xưa, không chỉ là tham gia một bữa cơm tập thể trong làng. Ăn cỗ hoàn toàn khác với đánh chén, hoặc ăn cơm khách...

Ăn cỗ.

Ăn cỗ, với người dân quê xưa, không chỉ là tham gia một bữa cơm tập thể trong làng. Yếu tố ăn (ẩm thực) tuy đóng vai trò chính nhưng không hẳn là quan trọng nhất. Ăn cỗ hoàn toàn khác với đánh chén, hoặc ăn cơm khách, mặc dù cũng là “ăn” và phải được “mời”.

Khác nhau trước hết về các món ăn.

Khi được mời đánh chén, bạn sẽ không thể biết người mời cho bạn xơi món gì. Chúng có thể đầy ngập mâm, cũng có thể chỉ là một số món mà bạn ưa thích và được gia chủ thăm dò trước. Có thể món ăn chỉ toàn “cây nhà lá vườn”, theo truyền thống, nhưng cũng có thể bữa chén theo chủ đề Tây, Tầu, Thái… tùy theo cơn ngẫu hứng của người mời. Đồ uống thì nhiều phen tận khi tất cả ngồi xuống mâm mới đưa ra quyết định. Tất cả đều mong muốn tạo ra một bữa ăn thân mật, ngon miệng và nhiều cảm xúc.

Nhưng đi ăn cỗ, nhất là cỗ nhà quê (cả xưa và vẫn còn hiện diện cho đến nay) thì hầu như bạn “biết trước” những món chính, món phụ sẽ bày trên mâm. Chúng có khác thì chỉ là hình thức chế biến, cách bày biện và chất lượng thực phẩm. Ngay cả đồ uống cũng được mặc định là rượu gạo, đóng vào chai có nút lá chuối, uống bằng thứ chén không quá nhỏ nhưng cũng không quá to (từ khi bia lên ngôi, thì thay bằng chai rượu là những chai bia, nước ngọt tùy loại, có thêm thùng đá lạnh).

Khác nhau ở khách mời.

Một bữa chén, thường gói gọn trong vài mâm, với thực khách là những bạn thân, quen, hoặc có mối liên hệ thông qua gia chủ, phần nhiều có cùng quan điểm, sở thích về nhiều thứ hoặc đôi khi chỉ là một môn thể thao nào đó. Nhưng khách mời ăn cỗ thì có thể lên tới hàng ngàn, chỉ gia chủ biết, còn người cùng mâm, nếu không cùng làng, thì đa phần là xa lạ và những chuyện nói ra trong bữa cỗ chỉ mang tính giao tiếp hình thức là chính. Nghĩa là khi đứng dậy, người ta không cần nhớ mình đã nói và nghe gì. Thậm chí cảm giác về các món ăn cũng nhanh chóng bị xóa bỏ.

Khác nhau về tâm thế và tư thế thực khách.

Đi đánh chén, bạn không cần cầu kỳ quá trong trang phục, quà tặng, có thể mang theo đến sự bỗ bã, thân tình. Nhưng khi đi ăn cỗ thì phải tuân thủ quy ước chung, dù có thể bạn đã rất chán ghét. Người đến ăn cỗ luôn phải tự tạo ra sự trịnh trọng khác ngày thường từ trang phục, đầu tóc, đến cách ngồi, ăn, uống, giao tiếp… Tất cả đều mang tính nghi thức và rất dễ bị người khác soi từ các góc khác nhau nếu chả may bạn sơ suất. Nói khác đi, ăn cỗ không chỉ ăn, mà là thực hiện một “nghi lễ”, với hành động ăn làm trung gian.

Khác nhau trong ứng xử với miếng ăn.

Không ai giờ đây đi đánh chén lại chăm chăm lấy phần về cho người thân. Nếu có hành động đó thì nó thuần túy là nhã ý của gia chủ dựa trên mức độ gần gũi của mối quan hệ. Trên thực tế thói quen khách hay chủ mang thức ăn thừa về nhà mới chỉ hình thành từ vài chục năm nay. Trước đây vài chục năm, hành động như vậy bị “đánh giá thấp”. Còn lấy phần sau mỗi bữa cỗ, nhất là thời xưa (và chưa xa lắm) ở nông thôn, thì là một hành động chứa theo cả văn hóa ứng xử.

Các bạn trẻ ngày nay sẽ cười ngất và có phần coi thường thói quen mỗi khi ai đó đi ăn cỗ lấy phần đem về. Thực tế thì chuyện lấy phần cũng đang mất dần, có chăng chỉ còn rớt lại ở những vùng sâu, vùng xa nào đó. Nhưng cách nay vài chục năm, việc lấy phần đem về sau mỗi bữa cỗ ở nhà quê, xứng đáng là một “nét văn hóa” của vùng Bắc bộ. Cái phần cỗ đó, nhất định phải có, thường xuyên là một nắm xôi hay thậm chí chỉ nửa cái oản, mấy miếng thịt gà hoặc thịt lợn to bản thái mỏng, một quả chuối đã bắt đầu nẫu, mấy miếng gan hoặc dồi lợn… Tất cả được gói chung trong cái khăn vuông cũ kĩ (hoặc khăn mùi - soa).

Nhiều người vẫn đơn giản nghĩ, vì bản tính tham (do đói khổ quá lâu) nên người ta phải tìm cách lấy phần đem về? Đói khổ trường kì sinh nhếch nhác thì khó cãi, nhưng chỉ nghĩ như vậy chắc chắn là người thiếu hiểu biết. Bởi nếu gạt bỏ những dị nghị về đói và tham ấy đi, thì sẽ thấy hành động lấy phần cũng ẩn chứa trong đó nhiều nét đẹp đáng để chúng ta trân trọng và ngưỡng mộ.

Ở nhà quê xưa, ai là người thường xuyên được đi ăn cỗ, mỗi khi làng có đám? Dĩ nhiên, phần lớn sẽ là những người cao tuổi và đàn ông được xếp ở bậc cao nhất? Đó là một thứ đặc quyền mặc định? Người đi ăn cỗ cũng là người đại diện cho gia đình, hiện diện trước họ mạc, làng xóm, để chia vui hoặc chia buồn, thể hiện tình làng nghĩa nước. Mặc dù được mời ăn, nhưng trong đa số trường hợp, được (hoặc phải) đi ăn cỗ chính là dịp để trả nợ… miệng! Trước mình mời người ta, thì nay người ta mời lại. Trước người ta mừng mình thế nào, thì nay phải mừng lại tương đương như vậy. Vì thế, người đi ăn cỗ luôn ý thức mình đang ăn vào phần của con cháu (nó phải ăn kham khổ để mình có tiền đi ăn cỗ). Cái ý nghĩ này sẽ ám ảnh mọi người trong mâm cỗ chứ chả riêng ai. Và để “nhẹ lòng” phần nào, họ tìm cách chia nhau thức ăn lấy phần cho con cháu.

Thường những thứ lấy phần đem về phải là những thứ ngon nhất, sạch nhất, có thể gói vào khăn được. Đôi khi ngay từ đầu bữa cỗ người ta đã thỏa thuận thứ sẽ chia phần, để không ai động đũa vào. Phải làm xong việc ấy, ngồi ăn mới ngon. Bởi mỗi người đều biết sự mong ngóng của những đứa con hoặc cháu, kiên nhẫn đứng ngoài ngõ chờ ông bà, bố mẹ đi ăn cỗ về, để được nhận quà. Cuộc chờ đợi có thể bắt đầu ngay từ lúc người lớn khăn áo tề chỉnh bước khỏi cửa. Và ánh mắt chúng sẽ sáng lên, long lanh trong niềm hạnh phúc vô bờ khi chia nhau những thứ mà người lớn lấy phần.

Đây là điểm khác cơ bản để phân biệt giữa đánh chén và đi ăn cỗ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

Tạ Duy Anh
Tags:
Tags:
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.