Bão xưa và bão nay

Thái Hạo - Thứ Ba, 27/09/2022 , 06:40 (GMT+7)

Quê tôi miền Trung, nắng cháy, bão mưa, nước đầy... Có những năm hơn mười trận bão tấp vào thân thể quê nghèo.

Empty

Có những năm hơn mười trận bão tấp vào thân thể quê nghèo. Ảnh mang tính minh họa.

Quê tôi miền Trung, nắng cháy, bão mưa, nước đầy... Có những năm hơn mười trận bão tấp vào thân thể quê nghèo. Cho đến khi lớn và đi xa, sống ở phương Nam không cả đến gió lớn vẫn nhớ về thủa xưa nước ngập mênh mông trong gió rít.

Có lẽ thế hệ 8x chúng tôi không ai không nhớ cơn bão số 6 năm 1996. Nhà cửa trong thôn làng bay như những mảnh áo mưa trong gió. Nhà tôi cũng bay sang bên hàng xóm và nằm ngửa như một chiếc nón rách giữa trời. Ai cũng khóc, khóc trong mưa và trong gió gào.

Những cơn bão ào đến rồi biến đi, trả lại cái im lặng như nghe được tiếng nước chảy róc rách qua những kẽ đá hai bên đường. Bỏ mặc các bà các mẹ ngồi khóc, lũ con nít chúng tôi ùa ra đường, chạy đuổi nhau trên bao nhiêu là lá dập chuối đổ.

Nước chảy trên đường, nước luồn dưới đám lá xoan lá chuối, và lách mình qua những tảng đá, trong vắt. Trong tưởng như có thể vục tay xuống là uống được. Ký ức về những trận bão tuổi thơ của tôi, thật lạ lùng, chỉ có niềm vui và sự sung sướng. Mỗi khi bão chưa kịp đi khuất thì chúng tôi đã chui ra khỏi nhà và chạy như bay trên những con đường làng. Lúc ấy chỉ có hình ảnh của những cây măng béo tròn, những trái dừa xanh nằm im lìm bên dòng nước chảy. Và sung sướng nhất là hình ảnh lũ cá, chúng theo nước lóc ngược lên những đường mà thường ngày chúng tôi vẫn đi học. Đó là một sự kiện ngỡ ngàng và sẽ gây nhung nhớ suốt đời…

Những con cá rô phụng phịu với cái đầu dễ thương cứ thế lũn cũn bò đi. Những con nhỏ thì màu sẫm đen, con lớn vàng ươm, béo tròn, mang theo cái bụng phúng phính lấp lánh trong rãnh nước trong. Bắt được những con cá rô ấy là niềm sung sướng nhất đời, chúng tôi xô nhau chạy và ngã chúi đầu vì hấp tấp giành một con cá còn mắc lại nơi cành rào trong nước. Thật kỳ diệu, là có cả những con cá lóc cũng bò lên. Có con to đến mức nó theo chúng tôi đi qua nửa cuộc đời vẫn chưa thôi sung sướng. Không hiểu sao khi ấy với chúng tôi, những con cá lóc ấy lại to lớn đến thế, dù ngày nay gặp lại có thể chúng chỉ đáng lũ cá choai choai.

Ngày thường những trái ổi, trái dừa, trái táo là thứ xa xỉ, lũ trẻ con chỉ nhìn lên cây mà thèm muốn, lâu lâu được người lớn hào phóng hái cho vài quả là ăn ngon lành nhưng chẳng bao giờ đã thèm. Còn mỗi lần bão qua thì chao ôi, chúng sẽ nằm đầy trên đất cát, sạch tinh và mát rượi bởi những hạt mưa. Chẳng ai cấm chúng tôi nữa cả. Đứa cầm rổ, đứa ngửa mũ cứ thế nhặt đầy và khệ nệ bê đi.

Khi cơn bão chưa kịp tan hết, trên đường và mương đồng đầy nước trong, có khi nước hến, chúng tôi để cả áo quần mà lao ra tắm, ngụp lặn như những con vịt bị nhốt lâu ngày trong những chiếc chuồng tối tăm ẩm mốc. Sau khi đã vùng vẫy và gào thét rát cổ như những tù nhân được phóng thích giữa thảo nguyên, chúng tôi bắt đầu thấy rét và run, da tái đi và môi thì thâm đen. Cả lũ co ro chạy về với cái bụng đói cồn tưởng như có thể nhai bất cứ thứ gì vớ được.

Ở nhà, mẹ đang nấu bếp. Khói bếp ngày mưa bão đặc quánh, nhưng ấm và thơm nồng bởi lẫn trong những mảnh củi khô là những cành tươi. Khói của cành xoan tươi mới thơm làm sao, cái mùi thơm nồng nồng, ngầy ngậy mà mấy chục năm rồi không thể quên. Cơm ngày bão độn với khoai khô ăn cùng lạc rang muối. Nhất là những con cá rô bắt được trên đường, chỉ có muối và những trái ớt nhặt được trên luống cát, mà béo ngậy… Có lẽ đó là những bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời mình, những bữa ăn cứ thế nồng nàn, ngọt lịm theo chúng tôi đi qua bao năm tháng.

Rồi bố sửa lại nhà, lợp lại mái, cả làng rộn rịch ơi ới gọi nhau. Mà lạ, dường như bão đã trở nên thân quen, chúng tôi chẳng thấy ai hờn oán gì, cứ bão qua là dựng nhà sửa bếp, là dọn vườn gom cây. Rồi những mầm rau bắt đầu mọc lên trên luống, mặt đất lấm tấm và xanh tràn trong những khu vườn. Những cành cây bị gãy đã đâm chồi, lộc non túa ra, màu xanh tía sáng long lanh dưới mặt trời. Cuộc sống hồi sinh thật bình thản, bình thản như bão mưa cứ đến rồi đi, muôn đời trên đất quê…

Ngày xưa và ngày nay, những ngôi nhà lúp xúp và những lâu đài xênh xang… Năm tháng cứ đi qua và mặt đất cứ hoang vu dần, lòng người hoang vu dần…

Một ngày hồi sinh sẽ phải đến, nhưng ngày ấy là ngày nào, nó đang đợi ta ở đâu? Bao giờ mắt trẻ mới lại trong veo trên miền nhiệt đới với rừng xanh phồn sinh ngàn ngạt, với trời lộng thênh thang, với những rãnh nước trong chảy mềm trên những con đường đầy cỏ hiền dưới chân đi?

Những cơn bão giông của hôm nay không còn mang hình hài thủa trước. Nước từ đại ngàn đổ về, kéo theo đất cát và cây cối tấp đầy trên những con đường, tấp đầy trên phố, ngập trong những ngôi nhà. Một lớp đất sào sạo ngập nửa chân giường. Rừng đã bị cưa máy phạt ngang lưng, máy cuốc đào xới, một núi non ngàn xanh chỉ còn lại đất trống nằm ngổn ngang những cây cành trơ xương. Mưa lũ kéo bao nhiêu là đất đá về xuôi, mang theo xác chết của rừng già thủa trước, hờn oán đỏ ngầu. Những ngôi nhà bị cuốn đi, nước gào như bạo chúa hung thần, càn qua làng mạc, càn qua thành phố, càn lên những phận người. Không còn thấy đất, chỉ có nước đỏ ngòm, mênh mông, gầm gào, hoang dại và độc ác.

Những đứa trẻ lớn lên trong thế kỷ này, chúng không biết đến những cơn bão ríu rít ngày xưa của chúng tôi. Chúng không biết tắm mưa, không có một rãnh nước trong veo nào chảy trên lá đổ, không có cuộc đổ bộ huyên náo trên những con đường để vừa chạy vừa nhai những trái ổi chín vàng. Hôm nay, bão mưa ập xuống, chỉ có bùn đất và những cơn đói; chỉ có nước đục và những cái chết vùi trước mắt trẻ thơ.

Thái Hạo
Tags:
Tags:
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.