Hà Giang hút khách

Hoàng Minh Tường - Thứ Hai, 25/03/2024 , 10:10 (GMT+7)

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tác giả ở một homestay tại Hà Giang.

Tác giả ở một homestay tại Hà Giang.

Năm mươi năm trước,1974, lần đầu tôi lên Hà Giang. Con sông Lô từ thủ đô tam thất châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), chảy qua cửa khẩu Thanh Thủy, gặp sông Miện từ Quản Bạ, Yên Minh xuống, hội lưu ở ngã ba cầu Gạc – Đì, thành dòng chủ lưu tìm gặp sông Gâm dưới Tuyên Quang, khiến thị xã Hà Giang thành nơi thơ mộng.

 “Lọt giữa một vùng núi đá lô xô

 Thị xã nhìn lên khoảng trời ngợp nắng

 Sông Lô chảy giữa hai bờ dốc đứng

Vẫn hiền lành màu đất phù sa…

Những câu thơ tôi viết ngày ấy, giờ xa lắc. Ngày ấy đến Hà Giang, tức là đến thị xã, chứ không ai dám mơ  lên cổng trời Quản Bạ, Đồng Văn…, bởi đường quanh co dựng đứng đá tai mèo, bởi trên ấy là một “vương quốc” hoang liêu, bí hiểm.

Bây giờ, có thêm đoạn cao tốc Việt Trì -Tuyên Quang, từ Hà Nội lên, chỉ mất năm giờ. Đến Hà Giang, bắt đầu nghĩ đến những con đường trong mây, bắt đầu vào thế giới đá của cao nguyên địa chất toàn cầu. Tỉnh Hà Giang mấy năm nay như con rồng đá tỉnh thức. Con đường 4C và các đường nhánh đều hạ đèo, mở rộng, hai, ba  làn xe mời gọi lên đỉnh trời. Thành phố Hà Giang, sau dịch Covid người kéo về nườm nượp. Khách sạn bốn sao Yên Biên Luxury hơn mười tầng, sang nhất thành phố, không còn đủ sức chứa khách có tiền.

Đến thăm ngôi nhà vườn cuả hai vợ chồng bác sỹ Thu Dư, đôi bạn cũ từ năm mươi năm trước, trong xóm Quang Trung, một tiên cảnh thơ mộng với 7000 mét vuông suối đá, non bộ đá, hơn mười năm nay hoang phế, giờ ngạc nhiên chưa, đã dựng thêm vài căn bungalow và biến thành homestay, lại thêm một ông quản đốc người Anh, khiến khách Tây nhộn nhịp.

Thành phố Hà Giang đang là "bãi đáp" và bệ phóng cho khách đi phượt và trải nghiệm lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Đi xe khách từ Hà Nội lên, thuê xe máy tự đi, hoặc thuê cả xe và tài xế kiêm hướng dẫn viên. Mỗi đội (teams) chừng hai mươi xe máy phân khối lớn, có cờ dẫn đường, đi như trẩy hội trên những cung đường bồng lai.

Qua thành phố Hà Giang vài chục cây số, du khách đã ngây ngất. Trời ơi, cả một đoạn sông Miện mở rộng, xanh biếc như hồ, nếu thả mấy chiếc pê-rit-xoa, kayak thì khác chi đang ở Thụy Sĩ? Thì ra sông Miện, bắt nguồn từ châu Văn Sơn, Trung Quốc, vượt qua dãy Bát Đại Sơn ở Quản Bạ, giống như sông Nho Quế trên kia, là dòng sông điển hình của vùng núi đá Các-xtơ, có lúc như nhát chém khi qua hẻm Cán Tỷ, có lúc mở lòng, tạo ra cánh đồng Lùng Tám phì nhiêu.

Phong cảnh non nước, mây trời trên đường du ngoạn Hà Giang.

Phong cảnh non nước, mây trời trên đường du ngoạn Hà Giang.

Ngày đẹp trời, đoạn lên cổng trời Quản Bạ là nơi lý tưởng cho các tay máy săn mây. Lên đỉnh Quản Bạ, các tay máy thi thố hết tài năng để thu vào ống kính cảnh thần tiên. Mùa tháng giêng hai, bảng lảng các biển mây bồng bềnh vắt qua các đỉnh núi. Đến đoạn dốc cua vào thị trấn Quản Bạ, sẽ gặp cặp nhũ tiên của trời. Đó là cặp vú thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam, căng mọng, tràn đầy nhưng không quá phồn thực mà gợi vẻ đẹp trinh nguyên thanh khiết.

Hãy để Phó Bảng, một phố cổ của người Hoa xưa và cửa khẩu từng là phố thị biên cương sầm uất một thời, cho lượt về, để rẽ qua cánh đồng Lùng Tám, nơi sông Miện xỏa mình mang nước đỉnh núi đá tưới cho mùa màng của những người H’Mông có nghề trồng lanh và dệt vải lâu đời. Một phố chợ của sắc màu, lúc nào cũng tấp nập xe chở hàng, chở khách. Các loại nông sản khắp các vùng miền tụ về đây để rồi đưa lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc phục vụ du khách.

Từ ba năm nay, Lùng Tám đã biết thế mạnh của mình, phát triển homestay và trình diễn quy trình trồng lanh, nhuộm sợi, dệt váy, áo thổ cẩm. Có cặp tình nhân người Pháp đi phượt, nhất định hỏi mua bằng được chiếc áo H’Mong may và thêu tay, giá đến một trăm USD, tức hai triệu rưỡi. Mua rồi mặc ngay, súng sính tuổi hai mươi.

       ***

Không cần phải kể nhiều về Nhà Vương (dinh thự của vua H’Mông) ở Lũng Phìn và cột cờ cực Bắc Lũng Cú, vì quá nổi tiếng. Ai lên Đồng Văn mà chưa tới hai địa danh này thì coi như chưa biết ăn chơi. Tòa lâu đài đá của vua Mèo Vương Chí Sình, với kiến trúc độc đáo, tài hoa, đặc bản sắc dân tộc H’Mông, giữa trung tâm cao nguyên địa chất đá tai mèo với những cây pơ mu sừng sững hai người ôm đã có hơn một trăm hai mươi tuổi, đang trở thành cỗ máy in tiền, nơi thưởng ngoạn, thư dãn  của du khách sau cuộc hành trình dài gần trăm năm mươi cây số.

Từ nhà Vương Sà Phìn có hai ngả đường lên phía bắc, rẽ phải, tiếp tục đường  4C hơn hai mươi cây số sẽ đến Đồng Văn, rẽ trái qua Ma Lé đi theo đường cột cờ quốc gia cũng chừng ấy cây số sẽ lên cột cờ Lũng Cú.

Cuối năm 2007, lần đầu tôi đi với thượng tá, nhà văn Phạm Thanh Khương, phó tổng biên tập báo Biên phòng lên Lũng Cú. Hồi ấy cột cờ Lũng Cú chưa cao và hiện đại, bề thế  như bây giờ. Từ độ cao 1470 mét so với mặt biển, mắt thường không nhìn thấy điểm cực bắc, nơi dòng Nho Quế chảy vào nước Việt. Chúng tôi phải đi bộ hơn sáu cây số mới tới Séo Lủng, xóm cực bắc.

Từ cột mốc 424, nhìn xuống , bỗng thấy một dòng xanh màu lưu ly, lặng lẽ và mơ hồ dưới tít khe sâu. Ấy là dòng Nho Quế chảy vào đất Việt. Như một nhát chém kỳ lạ, từ trên trời bổ xuống vỏ trái đất làm vỡ toác hai dải sơn thạch, dãy Sư Tử hùng vĩ bên Trung Quốc và dãy Núi Rồng (Long Sơn) chất ngất chót đỉnh Đồng Văn.

Dừng chân bên những gốc cổ thụ khổng lồ.

Dừng chân bên những gốc cổ thụ khổng lồ.

Người già bảo rằng, châu tuần về Lũng Cú (có tên xưa là Long Cổ, trống hình rồng, hoặc Long Cư, nơi rồng ở) có chín ngọn núi, chín con rồng, hiện dưới chân cột cờ có hai giếng Rồng, mắt Rồng, tương truyền có từ thời Lý, dù mùa cạn  cao nguyên đá khô cháy, nước vẫn  trong vắt.

“Xóm Séo Lủng, nơi địa đầu nhận được những giọt nước đầu tiên của dòng Nho Quế chảy từ Trung Quốc, là một xóm của người H’Mông. Trong cộng đồng 54 dân tộc nước Việt, người H’Mông trấn giữ những bình độ cao nhất. Ở xóm Séo Lủng này, người H’Mông lại trấn giữ bình độ cao nhất. Họ đi từng đoàn xuống chợ, đi từng tốp lên những ruộng đá cheo leo. Giữa những vạt ruộng mạch ba góc nở hoa tím hồng, những vạt cải vàng mơ, thiếu nữ H’Mông như đàn bướm rực rỡ.

Không có người H’Mông sẽ không có xóm Séo Lủng với những mái nhà màu xám đá suốt năm vương vấn khói bếp, những tường đá rào quanh co, những rặng sa mu buồn trầm mặc. Không có xóm người H’Mông Séo Lủng, sông Nho Quế tìm đâu thấy hơi người?”. Tôi đã viết những dòng này trong bài bút ký “Nho Quế chảy ngang trời” in sau chuyến đi ấy.

Bây giờ, tôi có ý tìm cô giáo Vừ Thị Mỷ trong bài bút ký năm ấy, một cô giáo H’Mông đẹp mê hồn, đẹp hơn cả diễn viên điện ảnh, có mối tình tiểu thuyết với anh bộ đội biên phòng đồn 169 Vàng Dỉ Xuấn người Lô Lô. Năm ấy Vừ Thị Mỷ dạy lớp một ở lớp học cực bắc xóm Séo Lủng năm ấy, nhưng không ai biết giờ cô đã chuyển về đâu. Đến làng du lịch Lô lô Chải sầm uất và đông đúc dưới chân cột cờ, cũng không ai biết Vừ Thị Mỷ. Không thể tin sự thay đổi bất ngờ của Lô Lô Chải sau gần hai mươi năm, với một vẻ đẹp hoang sơ cổ điển, một thế giới văn hóa bản địa độc đáo, những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương, cổng nhà, rào đá và những cây đào cổ thụ… Gặp các cô gái Lô Lô, Giáy, H’Mông, ai ai cũng hao hao giống Vừ Thị Mỷ. Khách du lịch nghỉ chật các Homestay. Hơn năm mươi hộ người Lô Lô từ ngày được chuyên gia Nhật Bản Yasushi Ogura hướng dẫn làm du lịch cộng đồng nay đang trở thành các triệu phú. Gặp Ogura  ở quán Café Cực Bắc, chúng tôi cùng ôm nhau, như người thân xa cách lâu ngày. Ông đã trở thành người của bản Lô Lô Chải Lũng Cú rồi. Ngồi với người trong làng, không ai nghĩ ông là người Nhật.

   ***

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây. Hầu như các ngả, từ Tráng Kìm, Sà Phìn lên, từ Lũng Cú, Ma Lé xuống, từ Cao Bằng, Mèo Vạc sang… du khách Tây, ta, miền Trung, miền Nam, Việt kiều… đều tụ hội về Đồng Văn để dự phiên chợ cuối tuần, nghe hát  giao duyên, múa khèn và thưởng thức ẩm thực phố cổ. Chợ Đồng Văn mới cải tạo, sửa sang để trở thành khu đi bộ ban đêm, phố ẩm thực và quảng trường văn hóa, vẫn giữ được hình bóng khu phố Tây pha kiến trúc bản địa trăm năm trước.

Bữa tối, các nhà lồng, các quầy hàng tràn ra sân chợ, lối đi, các bàn ăn ngào ngạt mùi vị thắng cố, bún, phở, lẩu, cháo ấu tầu… Có một loại bia mới của Hà Giang vừa xuất xưởng, thoạt nhìn giống bia Chimay nâu của Bỉ, đó là bia Tam Giác Mạch, giá đắt gấp ba chai Heineken, Trúc Bạch, nhưng cả khách Tây ta, đã uống vào là say như điếu đổ. Giá đất thị trấn Đồng Văn tăng chóng mặt. Khách sạn ba sao Hoa Cương bậc nhất của thị trấn, hơn hai trăm phòng mà khách không đặt chỗ trước, không thể có cơ hội.

Từ Đồng Văn, vượt Mã Pì Lèng hai mươi cây số là tới thị trấn Mèo Vạc. Trước 1963, muốn từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, phải mất hai ngày, một ngày xuống Yên Minh, rồi vòng trở lên, và ngược lại, từ Bảo Lạc, Mèo Vạc sang Lũng Cú, Đồng Văn cũng phải xuống Yên Minh rồi vòng lên. Từ 1959 đến 1965 con đường Hạnh Phúc – đèo Mã Pì Lèng lừng danh gấp khúc hiểm trở vào hàng tứ đại đèo Việt Nam, đã nối Đồng Văn – Mèo Vạc bằng ba mươi phút chạy xe, tạo những điểm (viewpoint) săn mây  và ngắm dòng xanh huyền ảo Nho Quế.

Đến Đồng Văn không thể không xuống dòng Nho Quế, để khỏa tay vào dòng nước thần, để ngắm nhìn hẻm Tu Sản, nhát dao xẻ đôi hai dãy  Sư Tử Sơn và Long Sơn cho Nho Quế lách qua.

Tác giả và bạn tại một homestay ở Hà Giang.

Tác giả và bạn tại một homestay ở Hà Giang.

Ngày xưa, tức từ thời Lý, Trần, đã có một xóm Mã Pắng của người Tày, người Dáy đón đợi và làm cột mốc ghi dấu sông Nho Quế, sau chặng đường làm ranh giới tự nhiên giữa hai nước Trung – Việt từ xóm Séo Lủng, tới xóm Mã Pắng, thì hoàn toàn đổ vào nước Việt, để xuôi xuống Bảo Lạc, Cao Bằng, gặp sông Gâm ở Nà Phòng, xã Lý Bôn, nơi giao nhau của quốc lộ 4C và đường 34 bây giờ.

Thôn Mã Pắng, một làng Việt cổ xưa, giống như làng Lô Lô Chải trên Lũng Cú, với hơn 50 nóc nhà, nay vẫn còn giữ được vài ngôi nhà 200 năm tuổi, nhưng nếu không bảo tồn, phục dựng, sẽ khó giữ nổi. Bằng chứng ngôi làng cổ còn có cụm đa già 700 năm ở xóm Mã Tiền cạnh đó.

Trong chuyến đi năm 2007, tôi đã cùng nhiếp ảnh gia Nông Tú Tường (ông mới mất cuối năm 2023), người quê gốc Mã Pắng dẫn đến chơi và xem cất rượu ở nhà ông anh họ ngoại Lương Huy Thìn, người từng tham gia mở đèo Mã Pì Lèng, người chủ nhiệm đầu tiên của hợp tác xã Thiên Hương. Cái tên Thiên Hương là do ông Thìn đặt, giờ thành tên quen gọi. Nông Tú Tường có một bộ ảnh quý do chính ông chụp về rừng đa cổ Mã Tiền, từng giới thiệu tại nhiều triển lãm ảnh quốc gia và quốc tế.

Kỳ lạ, một rừng đa quần tụ trên thềm sông Nho Quế suốt bao nhiêu biến thiên tao loạn, một làng cổ có nghề nấu rượu đặc truyền từ đời này sang đời khác, thứ rượu có tên Thiên Hương, uống say êm như sữa dòng Nho Quế, là di sản tổ tiên để lại, giờ du lịch Hà Giang tọa hưởng kỳ thành, quí giá lắm đấy. Hồi tôi đến Mã Pắng thưởng thức rượu với ông Nông Tú Tường, Thiên Hương chưa có điện. Các gia đình đều mua sắm máy phát điện nhỏ, dòng xuống sông Nho Quế để lấy điện chạy máy xay xát ngô, gạo, nấu rượu.

Cả nhà nhiếp ảnh Nông Tú Tường, cả ông Lương Huy Thìn nay đã khuất bóng, nhưng giấc mơ về một làng cổ làm du lịch thì vẫn còn manh nha. Khách phượt hằng ngày từ Đồng Văn vào khám phá, nhưng chỉ biết nhìn mấy ngôi nhà cổ, những đường làng gồ ghề, đầy phân trâu, rồi quay đầu. Giá có một ngài Nhật Bản Yasushi Ogura nữa, như ở Lolo Chải, thì may ra…

Từ bản Mã Pắng, Thiên Hương, sông Nho Quế hoàn toàn chảy  vào nước Việt. Từ đây, Đồng Văn, Mèo Vạc là quê hương. Và thần tiên chưa, khi sông đi qua hẻm Tu Sản, mở dần thành một hồ xanh biêng biếc hình vành trăng non đầu tháng. Rất may là chảy đến đoạn cầu Tràng Hương, con đường dẫn từ Mã Pì Lèng lên của khẩu Săm Pun nối với ba xã tả ngạn Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ, thì Nho Quế lọt vào mắt xanh những người làm thủy điện thuộc Bitexco.

Một đập chắn được ngăn dòng Nho Quế phía trên cầu Tràng Hương 250 mét, tạo ra hồ Nho Quế thần tiên với hẻm Tu Sản hùng vĩ choáng ngợp mà bồng lai huyền hoặc. Du khách sẽ đi thuyền, như trảy hội chùa Hương, như lạc dòng Tràng An, Ninh Bình chừng vài cây số thì gặp hẻm Tu Sản. Ai cũng muốn ra mũi thuyền để giang tay nhảy lên trời, chạm vào những vầng hoa mộc miên đỏ rực hai sườn dốc, với lấy mây và nếu quá phê thì sẵn sàng lao xuống trong xanh…

Cần nói thêm, Thủy điện Nho Quế 1  có công suất lắp máy 32 MW, sản lượng điện hàng năm 129 triệu kWh, nằm trong cụm ba nhà máy thủy điện Nho Quế 1,2,3, khai thác chừng ba mươi cây số dòng sông đẻ ra vàng trắng, vàng dola này. (Nho Quế 3, dưới hạ lưu, thuộc xã Lũng Pù, Sơn Vĩ, xây dựng đầu tiên, năm 2007-2012, công xuất máy 110MW, 500 triệu KWh/ năm. Nho Quế 2, tại Cán Chu Phìn, Sơn Vĩ, công suất 48 MW, 225 triệu KWh/năm).

Nho Quế 1, Giàng Chu Phìn, Xín Cái, làm sau cùng, 2013 -2015, công xuất nhỏ nhất, nhưng lại thu lợi nhuận cao nhờ khai thác du lịch. Có người bảo, du lịch là lợi ích phái sinh nhưng sẽ cho những người làm thủy điện lợi nhuận không ngờ. Quả nhiên Công ty Cổ phần Năng lượng Betixco, làm thủy điện, nhưng  tỏ ra rất có bài bản khi làm du lịch.

Khách Tây ta đến đây gặp một môi trường du lịch khác hẳn, ngăn nắp, khoa học, văn minh, tiện lợi và sảng khoái. Xe vào khu dịch vụ, bãi đỗ, mua vé tham quan, mua sắm, ăn uống rồi du khách lần lượt được xe bus đưa lên bến thuyền, lần lượt xuống các thuyền trực sắn, mặc áo phao và ngược sông lên Tu Sản, để say, để đắm mình vào dòng thần tiên Nho Quế.

May thay, lần đầu tiên lên Tu Sản, tôi được chiêm ngưỡng cây cầu Tràng Hương tuyệt đẹp, thay cây cầu cũ vừa bắc qua Nho Quế. Trên kia, cửa khẩu quốc gia Săm Pun cũng mới khánh thành năm ngoái để mở hướng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch cho ba xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ xa hút nhất của Mèo Vạc, Đồng Văn.

Hoàng Minh Tường
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.