Giá trị đi cùng năm tháng
Hát trống quân là một loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian đặc sắc, được coi là "đặc sản" văn hóa của người dân Đức Bác, huyện Sông Lô. Dân ca trống quân Đức Bác đã được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và có giá trị nghệ thuật rất lớn.
Có nhiều câu chuyện gắn liền với sự ra đời của làn điệu dân ca trống quân. Bà Trần Thị Nga (72 tuổi, CLB Trống quân Giáp Trung, Đức Bác, Sông Lô, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “ Ngày xưa, khi có 1 người ở nơi khác đi qua đất Đức Bác mất, dân làng tổ chức chôn cất. Xong người dân hát cầu cho hồn nạn nhân xấu số được siêu thoát. Thế là tự nhiên đến mùa, người ta cứ mở hội, cứ hát thế thôi, cầu cho dân làng bình an vô sự… Đấy là bố chúng tôi kể thế”.
Còn theo lời kể của các bậc cao niên thì điệu hát trống quân đã tồn tại từ lâu, không ai còn nhớ rõ, nhưng tương truyền rằng, ngày xưa, khi người dân Đức Bác tập hợp xuống bãi bồi ven sông Lô, tạo thành một xóm nhỏ lấy tên là Trại Lép (sau này có tên là Kẻ Lép). Cả xóm mưu sinh xuôi ngược trên dòng Lô Giang. Rồi một ngày, lũ sông Lô hung dữ đã cướp đi một phần đất của người Kẻ Lép, cắt sang bên đất Phù Ninh (Phú Thọ).
Trên mảnh đất ấy, có một cô bé được mẹ sinh ra trong giấc mộng, lớn lên theo Bà Trưng đi đánh giặc (nàng xưng là Nương Công chúa). Thắng giặc trở về, nàng bỗng "hóa" trên đất Kẻ Lép. Thấy thiêng, dân Kẻ Lép sang Phù Ninh xin tên nàng về lập đền thờ. Từ đó, hai làng Phù Ninh và Kẻ Lép (nay là Đức Bác) có quan hệ mật thiết.
Bà Hoàng Thị Cử (76 tuổi, thành viên CLB Trống quân Giáp Trung) cho biết: “Đời xưa, cứ về đầu tháng 2 là chúng tôi mở hội đón đào: "Mùng 1 mở tiệc khai xuân, mùng 2 ví đúm, trống quân đón đào, mùng 3 mó cá vui sao, đến mùng 4 là giã hội. Đấy, chúng tôi dát đón đào là hát như thế…”.
Ngày mở hội, trai tráng chưa vợ ở xã Đức Bác bơi thuyền sang bên kia sông làng Phù Ninh (Phú Thọ) để đón các cô đào làng Phù Ninh sang hát đối trống quân, tục còn gọi là hát đón đào. Trong ngày mùng 2 cả trai Đức Bác và gái Phù Ninh đều hát đối ở trong Đình, để cầu phúc cho nhân dân, cầu mưa thuận gió hòa năm mới. Kết thúc lễ hội là những điệu Hát Giã, Mó Cá… Đó là lúc những cô đào làng Phù Ninh lên thuyền về nhà và cũng là khi những chàng trai chưa vợ ở Đức Bác thể hiện tấm chân tình với đào Phù Ninh bằng những điệu hát giao duyên mượt mà, tình tứ nhất.
Thời xưa, các đào nương ở Phù Ninh, Phú Thọ hát xoan trong quá trình di chuyển bằng đò qua sông. Bên kia bờ sông đã có người nam của Đức Bác hát trống quân đón chờ. Họ hát đối với nhau, rồi di chuyển dần qua “năm sào” (vùng đất trồng ngô có tên là năm sào nằm ở bờ sông), đến cội đa (gốc đa) rồi sau đó vào chùa để dùng hát thờ.
Loại hình hát dân ca trống quân được chia thành 2 thể loại, đó là hát giao duyên và hát thờ. Trong đó, hát giao duyên bao gồm các làn điệu: Hát trống quân, hát mó cá, hát đúm, xin hoa đố chữ; hát thờ bao gồm các làn điệu: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang. Hát trống quân đa số được thể hiện theo vần điệu lục bát, được hát dưới hình thức đối đáp, giao duyên.
Món ăn tinh thần
Với tính giản dị, mộc mạc và gần gũi với đời thường, hát trống quân đã lan tỏa sức mạnh từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, từ những năm 1947, khi thực dân Pháp xâm lược, đình Cả (Đức Bác) bị hư hại nhiều, từ đó, hình thức hát trống quân cũng ít được tổ chức và đứng trước nguy cơ bị lãng quên.
Thế nhưng, trống quân gắn liền với cuộc sống của người dân Đức Bác. Lời bài hát của làn điệu dân ca này xuất phát từ hiện thực cuộc sống lao động sản xuất, từ tình yêu đôi lứa: Ơ kìa ai thấp thoáng bên bờ là bên bờ/Để người là người ta đợi í ơ ta chờ, ta mong… Có thể nói, trống quân đi ra từ cuộc sống của người dân Đức Bác, tái hiện cuộc sống của con người nơi đây.
Hát Trống quân vốn là hát đối nên đi làm cỏ, làm đồng người ta gặp nhau để cùng hát, cũng ghẹo nhau. Lời ca tiếng hát đi ra từ hoạt động sản xuất, quay lại phục vụ chính người dân trong khi lao động. Điểm đặc biệt của hát trống quân là chỉ cần hai người có thể hát đối được với nhau”.
Không chỉ trong lao động sản xuất, làn điệu dân ca này còn đi vào trong giấc ngủ của trẻ em Đức Bác. Nhiều người lớn lên trong lời ru bằng làn điệu dân ca trống quân của ông bà, cha mẹ.
Bà Nga chia sẻ: “Bà hát thì cháu biết. Bà nằm ở giường cứ hát, cháu cứ nghe, lâu dần nó ngấm là tự biết hát. Nhiều khi đợi cháu học xong, thì gọi cháu lên giường cháu với bà hát. Đấy, xong thì bà hát ru cho cháu ngủ cũng bằng Trống quân luôn…”.
Bên cạnh đó, làn điệu dân ca này còn là phương tiện để những người cao tuổi của làng, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục con cháu đạo làm người, tình yêu quê hương đất nước; cũng qua những giai điệu âm nhạc cầu cúng mà chuyển lời thỉnh cầu tới thần linh, cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình, xóm làng, mong quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt và cuộc sống ấm no hạnh phúc…
Đến nay, những thế hệ như bà Nga, bà Cử vẫn thường xuyên đi hát, đi diễn bởi các bà đã quen với việc được hát làn điệu của quê hương. Thế nhưng, sự phát triển của kinh tế xã hội đã khiến trống quân không còn được nhiều người đam mê và theo đuổi nữa. “Họ đi làm công ty hết rồi chỉ còn mấy bà già chúng tôi, với lớp trẻ ngoài xã thôi…”, bà Nga nói.
Đặc điểm của hát trống quân Đức Bác là có những tiết tấu, nhịp điệu riêng biệt mang đặc trưng của vùng trung du Bắc bộ thường gắn với nhịp phách của trống nên nhịp điệu khá rõ ràng, mạch lạc, giống tiết tấu của trống hội. Điều thú vị, lôi cuốn của hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp chặt chẽ giữa lời hát và tiết tấu. Trong sự đưa đẩy uyển chuyển, mềm mại của lời hát, người ta vẫn nhận ra kết cấu chặt chẽ của tổ chức câu hát.
Để trống quân mãi trường tồn
Nhận thức được giá trị văn hóa tinh thần to lớn của hát trống quân, sau hơn nửa thế kỷ bị lãng quên, đến năm 2002, xã Đức Bác đã tìm nhiều biện pháp để phục dựng lại văn hóa truyền thống của quê hương, đưa hình thức hát trống quân trở thành niềm tự hào của các thế hệ ở địa phương.
Hiện nay trình diễn trống quân có nhiều điểm mới so với thời xưa. Lớp trẻ chỉ hát một số câu của chặng này, kết hợp cùng đôi ba câu của chặng kia. Nhưng vẫn phải hát ghẹo một đến 2 câu. Bây giờ, cũng không mấy khi ra đò để đón đào nương đâu. Toàn là người xã, đóng quần áo nữ vào rồi hát luôn thôi. Mà cũng chẳng có mấy nam, toàn các bà đóng quần áo nam vào để diễn…”, bà Nga nói thêm.
Không chỉ vậy, mà trang phục hát trống quân cũng có sự thay đổi dần theo thời gian. Thế hệ bà Lan trở về trước, nam nữ đều mặc quần áo, đầu quấn khăn, bụng chít dây. Những lớp trẻ hiện đã mặc váy ngắn để diễn. “Vẫn gọi là trống quân, vẫn đẹp nhưng chúng tôi thích quần áo dài hơn…”, bà Cử bộc bạch.
Dù có những thay đổi nhưng cái “hồn” của trống quân thì còn mãi. Bởi hiện nay, toàn xã Đức Bác có 7 câu lạc bộ hát trống quân, trong đó, có 1 câu lạc bộ do xã quản lý, còn lại 6 câu lạc bộ do các thôn tự tổ chức. Tổng số hội viên là 200 người, người cao tuổi nhất là 63, người thấp tuổi nhất là 18. Xã có 3 người được công nhận là Nghệ nhân dân gian chuyên về hát trống quân.
Ngoài ra, nhiều học sinh cũng được ông bà “truyền lửa” đam mê với trống quân. Nhà bà Nga lúc nào cũng đầy đủ “phương tiện” để sẵn sàng truyền lại những tinh hoa cho cháu. Bà Lan có lời bài hát được chép tay từ thế hệ cha ông. Em Nguyễn Lê Gia Bảo (11 tuổi, Đức Bác) cho biết: “Bà dạy em đánh trống, bà dạy em hát. Đi ngủ bà cũng hát nên em thuộc…”.
Anh Bùi Văn Đồng (Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bác, Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho biết: “Địa phương vẫn đang phối hợp với các bộ, ban ngành để đảm bảo công tác truyền bá những giá trị văn hoá của trống quân trong nội bộ nói riêng và toàn xã hội nói chung. Đồng thời, tạo điều kiện để các câu lạc bộ có thể biểu diễn tại các lễ hội nhằm mục đích lan tỏa giá trị văn hóa đồng thời nâng cao giá trị kinh tế để câu lạc bộ tiếp tục phát triển”.
CLB của xã đã có những buổi dạy và biểu diễn tại trường học, các khu dân cư để truyền bá và lan tỏa những giá trị truyền thống.
Địa phương đã liên tục có những định hướng, kế hoạch để duy trì, gìn giữ và bảo tồn những giá trị cốt lõi của trống quân. Địa phương cũng đã có những định hướng trong tương lai để đầu tư thêm một số hạng mục, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như mở rộng không gian diễn xướng để câu lạc bộ tập luyện và biểu diễn lâu dài.
Mặc dù chưa được cấp kinh phí để duy trì hoạt động, nhưng các hội viên đều tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ hội, mua sắm trang phục và hoạt động rất tích cực, sẵn sàng tham gia biểu diễn phục vụ khi có các sự kiện hoặc lễ hội của địa phương cũng như của tỉnh, huyện.
Hát trống quân Đức Bác là một minh chứng cho đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc, phong phú của người dân Việt Nam từ xa xưa. Có thể nói, môn nghệ thuật này đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người dân địa phương mỗi dịp xuân về, là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, bồi đắp tinh thần, giúp người dân địa phương cảm thấy lạc quan, yêu đời, thêm yêu quê hương, đất nước. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và những nỗ lực trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân và chính quyền địa phương, hy vọng tiếng hát trống quân sẽ mãi bay cao, bay xa, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.