Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Các thị trường xuất khẩu lớn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 4,9 tỷ USD (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái); Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD (tăng gần 40%); Nhật Bản đạt 961 triệu USD (tăng nhẹ 1,4%); Canada đạt 133 triệu USD (tăng 25%); Anh đạt 124 triệu USD (tăng 17,8%); Malaysia đạt 90,7 triệu USD (tăng 12,8%); Australia đạt 86 triệu USD (tăng 14,6%); Ấn Độ đạt 84,4 triệu USD (tăng mạnh 65,8%); Pháp đạt 63,7 triệu USD (tăng 12,9%).
Trong số 40 thị trường xuất khẩu chính, Lào có mức tăng trưởng cao nhất, với kim ngạch tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức giảm sâu nhất, giảm 75,8% so với cùng kỳ; Hàn Quốc giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, còn 452 triệu USD.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), 8 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gỗ và nội thất đã quay lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nội thất, đồ gỗ vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như cạnh tranh thị trường, giá cước tàu biển neo cao kéo dài khiến giá gỗ nguyên liệu nhập về tăng mạnh, chi phí nguyên liệu tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo gây khó khăn khi cạnh tranh về giá cả. Đồng thời, các yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính an toàn, thân thiện cùng nguồn gốc rõ ràng của các sản phẩm cũng như chính sách bảo hộ từ các quốc gia nhập khẩu... cũng là rào cản.
Ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, các chứng chỉ quốc tế cần thiết cũng như tìm kiếm các thị trường phi truyền thống, nhằm đa dạng hóa thị trường đầu ra của sản phẩm gỗ và nội thất là những việc thiết yếu mà các doanh nghiệp phải thực hiện để có thể đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững.
Nhằm tìm kiếm những đơn hàng mới, khách hàng mới, từ ngày 27 - 30/8, tại Trung tâm triển lãm quốc tế SECC (quận 7, TP.HCM) diễn ra Hội chợ Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 2 (VIFA ASEAN 2024). Đây được xem là nơi hội tụ tinh hoa nội thất Đông Nam Á với quy mô 600 gian hàng nội, ngoại thất, thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa… Sự kiện đặc biệt thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp đến từ Việt Nam và 13 quốc gia, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan...
Ông Phạm Xuân Hòa, CEO Công ty TNHH An Hòa Phát Furniture (Bình Dương) nhận định, tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ của doanh nghiệp sang các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu tăng trưởng chậm, đạt 60% kế hoạch đề ra trong năm 2024.
Hiện doanh nghiệp này đã có đơn hàng đến tháng 12 và một số đơn hàng đến tháng 2/2025. Các đơn hàng đã có sự dịch chuyển tốt hơn.
"Tham gia VIFA ASEAN 2024, chúng tôi mong muốn tìm hiểu về nhu cầu của nhà mua hàng thế giới đối với thị trường Việt Nam, cũng như xu hướng dịch chuyển trong thời gian tới để có những bước chuẩn bị trước. Chúng tôi cũng đã tiếp xúc được nhiều nhà mua hàng quốc tế", ông Hòa nó.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm nội ngoại thất bằng gỗ, song, mây và các vật liệu khác, Công ty Cổ phần Nội thất và sân vườn AD đã có mặt tại các thị trường như Mỹ, Anh, Canada, châu Âu và châu Phi.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ triển lãm như VIFA ASEAN 2024, cũng như các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm đơn hàng mới tiềm năng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm thị trường Nam Phi, châu Mỹ", bà Lê Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Nội thất và sân vườn AD nói.
Ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên cho biết, việc tham gia các hội chợ triển lãm và áp dụng công nghệ, giúp doanh nghiệp mở rộng vòng kết nối, gặp gỡ nhà nhập khẩu quốc tế, cũng như khám phá và tiếp cận xu hướng tiêu dùng hiện đại, giúp doanh nghiệp có những đơn hàng ổn định.
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Hiệp hội, đơn vị trong việc xúc tiến thương mại, sản xuất bền vững, thì mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của toàn ngành năm 2024 đạt 14,2 tỷ USD theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT là rất khả quan.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), VIFA ASEAN là sự kiện được tổ chức định kỳ hàng năm giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín, kết nối giao thương, góp phần tăng sức mua trên địa bàn thành phố. Đồng thời, quảng bá giới thiệu và khẳng định vị trí của hàng Việt và đồ gỗ nội ngoại thất xuất khẩu. Qua đó, chắp cánh cho hàng Việt vươn xa hơn.