Châu La Việt: Sài Gòn đêm ấy

. - Thứ Tư, 25/01/2023 , 13:39 (GMT+7)

Sau này tôi có dịp sang Mỹ, gặp anh tôi là nhạc sỹ Hoàng Thi Thao, tôi có kể cho anh nghe về chị, vì nhớ lời chị nói chị là một ca sỹ phòng trà. Anh Thao nhíu mày hồi lâu, rồi như sực nhớ ra: "Có, anh có biết chị đó, tên là Mai Hiền".

Sau ngày miền Nam giải phóng, những thằng sinh viên khoác áo lính chúng tôi được trở về trường cũ học tập. Năm học đầu trôi qua, đến mùa hè, biết tôi được nghỉ ba tháng, mẹ tôi đưa cho một chỉ vàng và bảo tôi hãy đi Sài Gòn một chuyến. “Con phải vào gặp ông bà ngoại lấy một lần, ông bà ngoại đã già lắm rồi, hàng chục năm qua mong ngóng gặp mẹ con mình. Lần trước mẹ vào, chính bà đưa mẹ chỉ vàng này, nói để cho con lấy tiền tàu xe vào thăm ông bà. Tôi “Vâng ạ”, đi bán chỉ vàng được hai trăm đồng, đổi sang tiền giải phóng rồi đi mua vé tàu và một ít quà Hà Nội bao gồm chè Thái Nguyên, ô mai mơ, ô mai mận… rồi lên đường.

Chợ Bến Thành. Tranh của Phạm Công Tâm.

Ngày thứ nhất đi tàu từ ga Hàng Cỏ đến Vinh. Ngày thứ hai đi xe đò từ Vinh đến Huế. Ngày thứ ba đi xe đò từ Huế vào Đà Nẵng, rồi lại chuyển sang xe đò khác để chạy vào Sài Gòn. Cũng phải mất đến 5 ngày 5 đêm. Nhưng thế cũng là nhanh rồi, vì trước đó, tôi thầm nghĩ đất nước đã chẳng phải đi từ Hà Nội tới Sài Gòn mất những 21 năm còn gì…

Đến Đà Nẵng, cô gái ngồi bên tôi xuống xe, ngay lập tức có một người thiếu phụ đã ngoài ba mươi mới lên ngồi vào. Chiếc kính to che kín nửa gương mặt, chiếc áo cài khuy cổ kín mít, một mùi nước hoa thoang thoảng bay. Chị ngồi xuống ghế, không nhìn ai và cũng chẳng nói một lời nào.

Chỉ có bác tài, bởi có người anh đi tập kết miền Bắc như bác giới thiệu, nên rất thích vọng xuống hỏi tôi về ngoài ấy ra sao…

- Này, miền Bắc giỏi đó chớ. Đánh được thằng Mỹ là giỏi lắm rồi. Nhưng nghe nói nghèo lắm phải không chú em?

- Vâng - Tôi đáp lại ngay không chút e ngại. Thì miền Bắc nghèo cứ nói là nghèo chứ sao?

- Vậy mà tôi nghe mấy anh bộ đội vô giải phóng Sài Gòn nói miền Bắc giàu lắm, ti vi tủ lạnh chạy đầy đường… Chị lấy tay bụm miệng cười.

- Vậy hả chị - Tự nhiên tôi cũng muốn cười vì mấy ông tướng lém lỉnh, ngộ nghĩnh ấy, rồi quay sang hỏi chị khi thấy chị nói giọng Bắc - Quê chị cũng ngoài Bắc à?

Chị gật đầu:

- Bố mẹ chị quê ở Hà Nam. Nhưng vào đây lâu rồi…

- Vậy hả chị… Thế thì chị còn lạ gì miền Bắc. Ngoài ấy hàng chục năm qua chiến tranh, ngoài một vài thành phố lớn có điện, chứ vùng nông thôn như quê chị hay quê em chỉ toàn dùng đèn dầu thôi. Bọn em đi học toàn dưới đèn dầu. Điện chẳng có thì làm sao chúng em biết được ti vi tủ lạnh là thế nào…

- Ừ, thì cứ nói thiệt như em..

Tôi cười:

- Sài Gòn mới giải phóng, các bạn của em cũng e ngại bà con mình trong đó chưa hiểu miền Bắc lắm, rồi hoang mang không biết tương lai thế nào. Các bạn ấy cũng nói quá lên một chút cho bà con yên tâm thôi. Nhưng bây giờ hòa bình rồi, thế nào miền Bắc cũng sẽ đầy ti vi tủ lạnh chị ạ.

Đến Nha Trang thì trời đã tối. Xe dừng lại trước một quán ăn đèn điện sáng trưng. Mọi người lục tục xuống rửa ráy, ăn uống, rồi thuê ghế bố nghỉ qua đêm để đến sáng mai lại lên đường. Tôi cũng xuống xe theo mọi người. Nhưng vừa bước xuống, chị kéo tay tôi ra một bãi cỏ, nơi có một lối mòn nhỏ tối lờ mờ, ngượng nghịu nói:

- Chị nhờ em một việc nhỏ nhé… Bọn chị phụ nữ đi đường dơ lắm (dơ nghĩa là bẩn). Trong kia có cái giếng, chị muốn vào tắm rửa một chút. Phiền em đứng đây coi chừng, nếu có ông đàn ông nào đi vô thì chặn lại, nói chờ chút vì trong kia có phụ nữ đang tắm…

Tôi gật đầu:

- Chị cứ yên tâm. Em sẽ đứng ở đây canh chừng cho chị.

Chị xách cái túi bước đi. Một lát nghe ào ào nước dội. Tất nhiên là tôi đứng quay lưng lại, vừa giữ ý với chị, vừa nhìn ra mặt đường xem có ai đi tới. Cũng có một vài ba người kéo nhau vào giếng, nhưng do đều là đàn bà nên tôi để họ vào. Như chị dặn thì chỉ chặn đàn ông lại thôi.

Một lát sau chị xách túi ra, đã thay một bộ đồ vải hoa mới. Tôi hơi bất ngờ vì gương mặt chị lúc thô mộc không còn son phấn lại như đẹp hơn, mặt trái xoan trắng trẻo, đặc biệt có đôi lúm đồng tiền. Chị nở một nụ cười rất tươi và rủ tôi vào quán ăn:

- Vào ăn đi em. Chị mời em…

Thú thật tôi hơi ngại, nhưng thấy chị nhiệt tình quá nên cũng ngồi vào bàn ăn, dù rất miễn cưỡng.

Tôi rụt rè nói với chị:

- Chị cho em trả tiền nhé.

Chị lại cười:

- Anh bộ đội này khách khí quá, chị mời mà…

Chị xới cơm cho tôi. Thú thật đi đường xa, lại đang sức trai, chưa kể thức ăn lại rất ngon, nên tôi tì tì làm mấy bát liền. Chị ngồi bên, đũa liên tục gắp cho tôi, chưa hết món này lại đã đến món kia…

Đêm hôm ấy, như mọi hành khách đi xe, hai chị em thuê hai ghế bố (mỗi ghế 6 hào) để nằm ngủ. Ghế chị kê sát ghế tôi, vừa đặt lưng xuống chưa kịp nói chuyện gì tôi đã ngủ. Phần vì mệt mỏi, mà phần cũng vì “căng cơ bụng thì chùng cơ mắt” như các cụ ta thường nói…

Sáng sớm hôm sau tất cả lại lên xe, chỗ người nào người nấy ngồi, và bác tài lái vừa huýt sáo vừa lái xe đi. Khuya thì tới Sài Gòn. Khi sắp tới bến, chị hỏi nhỏ tôi về đâu, tôi thú thật với chị là em mới vào Sài Gòn lần đầu, vào thăm ông bà ngoại nhưng không biết đường, chỉ có tờ giấy ghi địa chỉ này thôi. Chị bảo đưa cho chị coi và sau đó chị nói sẽ chỉ đường đi cho tôi.

Khi xe tới bến, mọi người hớn hở xuống xe, bác tài cũng đã xăng xái đi dỡ hàng cho khách. Chị kéo tay tôi xuống, còn cẩn thận hỏi tôi có quên gì không, rồi gọi một xe xích lô máy. Chị bảo nhà tôi xa lắm, bây giờ khuya khoắt rồi, cứ tạm về nhà chị gần đây nghỉ đã. Thú thật tôi vừa ngại, mà cũng vừa sờ sợ…

Xe đi qua mấy con đường và dãy phố, tới một biệt thự. Chị nhanh nhẹn nhảy xuống xe, trả tiền cho bác tài, rồi bấm chuông gọi cửa. Có một người đàn bà quãng hơn 50 tuổi nói giọng Bắc chạy ra, tíu tít:

- Ơ, mợ Hiền đã về!

Tôi bước vào và thú thật thấy choáng. Sang trọng quá, tôi chưa từng được ngồi ở một phòng khách nào rộng rãi, sang trọng thế này. Tôi thấy trên tường có treo nhiều bức ảnh, và bức ảnh to nhất là hình chị đang ngả đầu vào vai một người đàn ông cũng đã lớn tuổi, mặc đồ sỹ quan rất oai vệ. Có lẽ đấy là chồng chị. Tôi bắt đầu cảm thấy ngại quá, khi bỗng nhiên mình lại bước vào một ngôi nhà của sỹ quan chế độ cũ thế này…

- Đây là nhà chị, em cứ yên tâm - Chị từ bên dưới đi lên và giới thiệu với tôi - Bác gái vừa nãy là u già của con chị, cũng người Bắc di cư. Ông xã của chị kia - chị chỉ lên bức ảnh - là một sỹ quan chế độ cũ đang đi học tập. Chị có hai con nhỏ và chúng nó đều đã ngủ. Chị đang bảo u già nấu ăn đêm cho hai chị em, ăn xong thì em đi ngủ ở căn phòng dưới kia. Sáng mai chị sẽ chở em về nhà ông bà, cũng khá xa đây…

Chị dẫn tôi xuống một căn phòng rất đẹp, giường có nệm và đã mắc sẵn màn, rồi chỉ tay vào buồng tắm trong phòng: “Em vào đây tắm rửa đi. Cứ tự nhiên”. Chị đi ra ngoài, còn tôi đứng lặng trong phòng. Một mùi hương phảng phất thật quyến rũ.

Khi lên nhà, trong khi tôi vẫn đánh bộ quân phục, thì hình như chị cũng vừa tắm, mặc một chiếc váy ngủ màu sữa, phô ra tấm thân đầy đặn và gợi cảm. Ở trên bàn u già đã bày sẵn hai bát cháo bồ câu, và cả hai ly rượu vang:

- Nào, nâng cốc nhé!

Chị chạm ly, và hai chị em cùng uống ngon lành.

- Cưng ăn đi - chị gọi tôi là cưng ngọt ngào - Đây là nhà chị, cưng tha hồ tự do. Chị thấy cưng rất dễ thương, hơn nữa, lại cùng quê với chị, mảnh đất mà bao nhiêu năm thầy mẹ chị vẫn hướng về, bao nhiêu năm thầy mẹ chị cứ ao ước có ngày trở lại…

- Hai bác không ở đây với chị à?

Chị lắc đầu:

- Thầy chị mất rồi, không kịp thực hiện mong ước. Mẹ chị về Biên Hòa ở với cậu em trai chị. Còn đây là nhà chồng chị, trong khu cư xá của sỹ quan chế độ cũ. Nhưng chị chỉ là vợ bé của ông ấy thôi. Chị lấy vì một ân tình ông ấy đã giúp cho thầy chị thoát một tai họa năm ấy đi buôn gỗ bị vỡ nợ, bị chính quyền tống giam. Nhưng giờ ông ấy đang đi học tập, có lẽ phải rất lâu vì ổng là sỹ quan cao cấp…

Tôi lạnh người. Thôi chết, sao mình lại lọt vào nhà một sỹ quan cao cấp của chế độ cũ thế này? Mình đã từng là một người lính. Sao lại sơ suất đến thế được nhỉ. Dù không còn ở trong quân đội nữa, nhưng ý thức người lính vẫn làm tôi chột dạ…

Chị lại rót một ly rượu nữa và nâng ly với tôi:

- Uống đi em. Kể từ sau giải phóng, hôm nay chị mới có một người để có thể dốc bầu tâm sự. Chị cũng rất cô đơn và buồn tủi…

Nước mắt rưng rưng trên mắt chị. Chị xin lỗi lấy khăn lau. Bát cháo bồ câu ngon thế, nhưng nhìn đôi mắt chị đỏ hoe, thú thật tôi cảm thấy đắng ngắt. Đây quả là một người phụ nữ đáng thương. Tôi bỗng lờ mờ hiểu, Sài Gòn giải phóng, triệu con người hân hoan, nhưng cũng có những trái tim rớm lệ…

Như sực nhớ ra, tôi lặng lẽ đứng lên, đi xuống dưới nhà, lục ba lô lấy một gói ô mai sấu và một gói ô mai mơ đem lên tặng chị:

- Em có món quà nhỏ quê hương, ô mai sấu, ô mai mơ. Chị ăn thử nhé…

Tôi đưa cả gói cho chị. Chị nhón một quả ô mai sấu đưa lên miệng:

- Mẹ chị cũng hay nói về xíu muội - trong Nam gọi ô mai là xíu muội em ạ - của miền Bắc ngon lắm. Bây giờ chị mới được nếm…

Chị cho vào miệng nhấm nháp, rồi xuýt xoa:

- Đúng là ngon thiệt!... Mà em cũng thật dễ thương. Chị bắt đầu cảm nhận hết vẻ đẹp của quê mình rồi đó…

Chị nhìn tôi, như chờ tôi tâm sự những điều gì đó, nhưng thấy tôi chỉ cười cười như cho qua chuyện, cho nên chị không nói gì thêm, và bảo tôi chắc mệt rồi, em xuống ngủ đi. Chị dẫn tôi xuống phòng, lịch thiệp hôn lên má tôi, chúc tôi ngủ ngon.

Bưu điện Sài Gòn. Tranh của Phạm Công Tâm.

Chị ra rồi, khép cửa lại, thú thật lòng dạ tôi hết sức xốn xang. Nhất là quanh mình một mùi hương thật lạ, thơm quá, cứ vấn vít, cứ thức dậy trong mình những rạo rực gì đó. Thôi ngủ - tôi tự nói với mình rồi tắt đèn, cứ để nguyên quần áo lính như thế mà ngả xuống giường. Bốn bề tĩnh lặng, thế mà thấy khó ngủ… Hình như có một khao khát, một thèm muốn gì đó từ bóng hình, từ mùi hương của chị… Phụ nữ Sài Gòn đẹp và quyến rũ quá… Ám ảnh nhất với tôi là khi chị mặc chiếc váy ngủ mỏng manh, hai bầu vú của chị hằn lên đầy gợi cảm…

Bỗng nhiên có tiếng mở cửa, tôi giật mình nhìn ra. Chị Hiền… chị khe khẽ bước vào, vẫn với chiếc váy ngủ mỏng rất ấn tượng, và mùi thơm nước hoa thơm phức. Chị nhẹ nhàng ngồi xuống bên giường tôi, cúi sát vào mặt tôi thì thào: "Cưng ngủ chưa?”. “ Em chưa chị ạ”. Tôi cũng thì thào trả lời, giọng hơi run run…”. “Chị cũng không ngủ được. Chị nằm bên này với em nhé”. Chị nhẹ nhàng ngả xuống, sát bên tôi. Như chạm vào da thịt tôi. "Nói thật, chị cô đơn lắm”. Chị bỗng khóc. Những dòng nước mắt cứ chảy dài trên má…

“Nói thật với em, chị là một nghệ sỹ cũ của Sài gòn. Khi biết em mang kiếp cầm ca/ Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người bỏ tiền mua vui/ Hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?/ Đừng nói nữa anh ơi/ Xin đừng nói nữa làm gì/ Em nghĩ rằng đời người ca sĩ/ Đáng thương và đáng được yêu...”. Chị hát se sẽ, và thốt lên: "Đấy, đời chị là thế đấy. Rồi ba chị làm ăn thua lỗ, đã tưởng tù đầy. Lúc này để cứu vãn cha, chị liên lạc với Đại tá X, mà chị biết ổng cảm tình với chị nhân một lần chị lên biểu diễn ở Cao Nguyên. Nghe khẩn cầu của chị, ổng đã lập tức hành động, mang một số tiền rất lớn chạy đủ các cửa để cứu vãn ba chị. Ơn to lớn quá, chị chỉ có thể lấy cuộc đời mình đáp đền cho ổng. Có ổng bao bọc, chị không đi hát nữa, dù là nhớ lắm, để ở nhà sinh con cho ổng. Được đứa thứ hai thì giải phóng, ổng phải đi học tập, bà lớn cùng các con vượt biên, chỉ còn lại mình chị ở lại chăm sóc và chờ ngày ổng về. Nhưng chắc không có ngày ấy đâu. Gặp ổng trong trại, ổng cũng cho phép chị đi tìm hạnh phúc mới, miễn là nuôi dạy hai con ổng nên người”.

Lúc em gặp chị ở Đà Nẵng là chị vừa đi thăm ổng về. Buồn, day dứt và hoang mang tột độ. Duyên nợ gặp được em cùng quê cũng như được an ủi đôi chút. Chị thèm tình cảm lắm, thèm có người trò chuyện. Nghe chị tâm sự, thấy những dòng nước mắt chảy dài trên má chị, lòng tôi nhói lên niềm thương cảm. Nhất là khi chị tâm sự chị là một ca sỹ, với tiếng hát và cuộc đời "Khi biết em mang kiếp cầm ca/ Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người bỏ tiền mua vui/ Hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?”, tôi lại càng nhói lòng hơn. Và nhớ lới mẹ hằng dặn tôi năm xưa: "Mỗi khi khi ra đường gặp bất cứ một người phụ nữ nào, con cũng hãy nghĩ đến mẹ và em gái mình".

Chính lời dặn của mẹ lúc này bỗng vang lên trong tôi, nhất là với chị là một người ca sỹ, dù là ca sỹ của Sài Gòn cũ trước đây không cùng chiến tuyến, nhưng như lời mẹ tôi dặn, tôi thấy cũng rất cần trân trọng và cảm thông. Tôi cầm tay chị, an ủi chị rằng: "Dẫu sao cũng cuộc sống mới rồi chị a, chị hãy tin lời em. Hãy yên tâm, nhất định anh ấy sẽ trở về, nhất định có ngày chị sẽ trở lại sân khấu đứng hát chị ạ”. "Cảm ơn em”, chị xúc động thốt lên. Rồi hôn khẽ lên má tôi và đi về phòng của mình…

Sáng hôm sau, chị lấy honda chở tôi về nhà. Đường phố Sài Gòn ngang dọc, đặc biệt có rất nhiều ngõ hẻm. Ông bà tôi cũng ở trong một con hẻm nhỏ, tìm vào được cũng không phải dễ dàng. Khi tôi bấm chuông và có người nhà ra đón, cũng là lúc chị lặng lẽ nổ xe đi, không kịp để tôi mời vào nhà uống nước…

Tôi đã quá vô tâm khi chia tay chị, đã không hỏi để ghi lại số nhà của chị. Muốn tìm chị mà chẳng có một dấu tích gì, ngoài một cái tên của chị là chị Hiền. Sài Gòn thì mông mênh, biết tìm chị ở đâu?

Nhưng rồi có một hôm, khi tôi vừa đi chơi về, bà ngoại tôi đưa tôi một gói hàng, và nói có một chị nào đó đem đến gửi cho tôi. Ông ngoại tôi còn tủm tỉm: “Ông ở Sài Gòn mấy chế độ rồi, mà chưa từng thấy một người đàn bà nào đẹp như thế!”. Tôi đoán ngay là chắc của chị Hiền. Niềm vui lớn nhất của tôi lúc ấy là hy vọng sẽ có được địa chỉ của chị.

“Em thân mến - Trên một tờ giấy xé từ một cuốn vở học trò, chị viết thư cho tôi - Chị biết ít ngày nữa em sẽ trở ra Hà Nội. Chị muốn tặng em nhiều thứ quà, nhưng chị biết em sẽ không nhận, vì em là một anh bộ đội rất tự trọng. Nhưng dù vậy, cũng cho chị gửi tặng em mấy gói bột ngọt, mong em nhận cho chị để lấy thơm lấy thảo…

Chị rất tiếc cuộc gặp gỡ của chị em mình quá ngắn ngủi. Tiếc hơn bởi nó là lần đầu tiên mà cũng sẽ là lần cuối cùng. Lần sau em vào, sẽ không còn gặp chị nữa. Nếu không phải đi kinh tế mới, bỏ xác trên rừng xanh, thì chị cũng sẽ vượt biên… Chị phải ra đi vì tương lai của các con chị.

Nhưng dù ở đâu, chị cũng nhớ tới em - đứa em thân thương cùng quê hương với chị, chị chỉ gặp một lần trong đời, nhưng để lại cho chị rất nhiều ấn tượng. Chị không biết vì sao. Nhưng chưa bao giờ chị gặp trong đời một người em dễ thương như thế. Thật sự em là một người lính dễ thương”.

Lá thư dừng ở đây. Chị ký tên, nhưng không có một dòng địa chỉ nào ghi bên dưới. Tôi nhói lòng, vậy là xa chị mãi mãi ư?

Sau này tôi có dịp sang Mỹ, gặp anh tôi là nhạc sỹ Hoàng Thi Thao, tôi có kể cho anh nghe về chị, vì nhớ lời chị nói chị là một ca sỹ phòng trà. Anh Thao nhíu mày hồi lâu, rồi như sực nhớ ra: "Có, anh có biết chị đó, tên là Mai Hiền. Chị ấy cũng hát bài của ba em đó, chuyện tình người trinh nữ tên Thi, nhiều người ái mộ lắm (nhớ ngày ấy tôi không phô với chị tôi là con một nhạc sỹ Sài Gòn). Nhưng từ khi anh sang Mỹ, không thấy tăm hơi chị đó nữa. Cũng không thấy đi diễn gì bên này. Rồi anh lấy điện thoại, bấm gọi một ai đó, sau một lúc nói chuyện, anh lặng lẽ nhìn tôi và thốt lên: “Mai Hiền đưa con đi vượt biên. Nhưng gặp bão giữa biển khơi…”.

Tôi lặng người đi. Và như còn vọng lên trong tôi tiếng hát chị đêm ấy: "Khi biết em mang kiếp cầm ca/ Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người bỏ tiền mua vui/ Hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?/ Đừng nói nữa anh ơi/ Xin đừng nói nữa làm gì/ Em nghĩ rằng đời người ca sĩ/ Đáng thương và đáng được yêu”.

Chị Hiền… Những dòng nước mắt dào ra trên má tôi mà không thể ghìm.

Châu La Việt

Thông tin tác giả

Nhà văn Châu La Việt tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, sinh năm 1955 tại Hà Nội.

Quê gốc: Triệu Phong, Quảng Trị.

Ông là con trai đầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ NSƯT Trương Tân Nhân, nữ danh ca nổi tiếng với bài hát “Xa khơi” ngày đất nước còn bị chia cắt. Do hoàn cảnh của thời kỳ chiến tranh, từ nhỏ ông sống với mẹ và lấy tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, tức lấy họ theo cha dượng là nhà báo – nhà hoạt động cách mạng Lê Khánh Căn. Năm 17 tuổi ông xin nhập ngũ và trở thành lính văn nghệ thời chống Mỹ. Ông viết báo, viết văn và làm thơ với các bút danh: Triệu Phong, Trương Nguyên Việt và Châu La Việt.

.
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.