Con trâu trong đời sống văn hóa Việt Nam

Lê Hồng Khánh - Thứ Ba, 08/08/2023 , 06:05 (GMT+7)

Có thể nói rằng, con trâu đã cùng người Việt đi suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, trở thành một hình ảnh gắn bó tha thiết với làng mạc, ruộng đồng.

Đàn trâu đi tắm. Ảnh: Lê Hồng Khánh.

Đàn trâu đi tắm. Ảnh: Lê Hồng Khánh.

Những lễ hội đua trâu, chọi trâu hàng năm không chỉ diễn ra ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Dương hay ở miền Tây Nam bộ của nước ta, mà còn ở Thái Lan, Campuchia và nhiều vùng khác trên thế giới. Đây chính là một nét văn hóa độc đáo của cư dân có truyền thống trồng lúa nước, nơi con trâu đã là một trong những loài vật sớm được thuần hóa để giúp sức cùng con người trong sản xuất nông nghiệp ...

Ở Việt Nam, câu ngạn ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” không biết có từ bao giờ, nhưng những bộ xương trâu có niên đại khá cổ được tìm thấy ở Bình Ca (Tuyên Quang), tượng trâu bò tìm thấy ở Đồng Đậu (Vĩnh Phú), Tiên Hội, Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội), những lưỡi cày đồng được xem như những công cụ sản xuất điển hình của văn hóa Đông Sơn tìm thấy ở các di chỉ Triệu Dương (Thanh Hóa), Vạn Thắng (Vĩnh Phú)... cũng như một bộ lạc có tên là “Trâu” ở vùng đồng bằng Văn Giang (Hải Hưng) được sử cũ ghi nhận, đã là những dẫn chứng đầy thuyết phục cho thấy con trâu đã gắn bó với đời sống cư dân Âu Lạc từ khá xa xưa.

Các nhà cổ nông học cho rằng, ban đầu trâu được sử dụng để kéo gỗ, sau đó được lùa xuống ruộng giẫm cho đất lún thành bùn để dễ cấy như đồng bào Mường vẫn còn làm cách đây không lâu, sau đó mới dùng để kéo cày, bừa.

Có thể nói rằng, con trâu đã cùng người Việt đi suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, trở thành một hình ảnh gắn bó tha thiết với làng mạc, ruộng đồng và cuộc đời một nắng hai sương của người nông dân cày sâu cuốc bẩm. Đâu phải đã là xa xôi lắm, cảnh tượng đầy thương cảm khi người nông dân vì quá quẫn bách đành bán đi con trâu bấy lâu chia sẻ gian lao với mình để rồi ngày đêm quên ăn, quên ngủ, ủ ê một tiếng thở dài; còn con trâu thì dùng dằng bước ra khỏi chiếc chuồng tre quen thuộc, nước mắt ròng ròng.

Con trâu là đầu cơ nghiệp; mất trâu trở thành cái họa tày đình; bởi thế mà ca dao Nam Trung bộ có câu hát ghẹo:

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên, chạy xuống cái đầu chơm bơm...

Con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ.

Con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ.

Ở những ngày chưa xa ấy, thanh bình ở làng quê nước Việt là hình ảnh đàn trâu thả gặm cỏ trên cánh đồng mùa gặt, tiếng sáo diều vi vút từng không hòa trong tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ mục đồng.

Trong số những vĩ nhân làm nên vinh quang cho đất nước, không ít người vốn là chú bé chăn trâu tinh nghịch. Giữa thế kỷ thứ 10, sau khi Ngô Quyền mất (944), nhà Ngô suy yếu, 12 sứ quân mỗi người nổi lên hùng cứ một phương, đất nước chia phân, dân tình điêu linh đồ thán; có một người hùng nổi lên ở Động Hoa Lư, dẹp yên phường nội loạn, củng cố nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, lên ngôi Hoàng đế, bỏ niên hiệu của vua Tàu, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Người đó chính là Đinh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng Đế, vị Hoàng Đế thuở hàn vi vẫn cùng đám bạn chăn trâu, lấy bông lau làm cờ tập trận.

Con trâu gắn bó với nông thôn, đất nước ta đến vậy, nên con vật thân yêu này đã sớm đi vào văn học nghệ thuật và trở thành một trong những hình tượng loài vật thể hiện sâu sắc tâm linh, tình cảm của người dân Việt. Mấy ai trong chúng ta lại không biết đến câu ca dao: “Trâu ơi ta bảo trâu này; Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...”, hoặc thiên chuyện tình Ngưu Lang, Chức Nữ, gắn phận người đời với sự chuyển vận của trăng sao.

Trong văn học cổ, nếu “Lục súc tranh công” mượn lời kể khổ của con trâu để nói lên cuộc đời gian nan, cơ cực của người cày ruộng “làm không kịp thở, ăn chẳng kịp no”, thì ở Truyện Kiều, nhận “làm thân trâu ngựa” ở kiếp sau để đền đáp nợ tình dang dở kiếp này, là lời nguyền làm nhói lên trong lòng người đọc bao nhiêu thương xót:

"Tái sinh chưa dứt hương thề

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan...".

Lê Hồng Khánh
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?