Công điền công thổ ở đất Nam bộ xưa có thể hình dung như thế nào? Đây là một vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế vẫn thường lướt qua khi đề cập đến sự hình thành một vùng đồng bằng rộng lớn ở phương Nam. Giáo sư Nguyễn Đình Đầu đã dành nhiều năm để biên soạn công trình “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh” để làm sáng tỏ quá trình phát triển diện tích canh tác của người Việt.
Giáo sư Nguyễn Đình Đầu cho rằng, thực dân Pháp chiếm Nam bộ từ năm 1859 trước khi chiếm toàn cõi Việt Nam vào năm 1884, nên họ đã sớm có những báo cáo mang ý đồ xóa bỏ hoặc thu hẹp tầm vóc của chế độ công điền công thổ cố hữu của Việt Nam. Mục đích của thực dân Pháp là thiết lập và củng cố “quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm”, một khái niệm mà họ hãnh diện mang tới khai hóa An Nam! Thực chất, điều ấy chỉ che đậy mưu tính chiếm hữu và tập trung ruộng đất vào tay kẻ cầm quyền.
Mãi đến năm 1932, chuyên gia nông học Yves Henry mới đưa ra những tỷ lệ về ruộng công tư ở cả ba miền Việt Nam trong cuốn “Kinh tế Nông nghiệp Đông Dương”. Đây là kết quả của một cuộc điều tra tiến hành khoảng từ 1928 đến 1930, theo đó Trung kỳ có 25%, Bắc kỳ 21% và Nam kỳ 3% ruộng là công điền. Như vậy thì công điền ở Nam kỳ có rất ít, không đáng quan tâm.
Năm 1936, tiến sĩ Pierre Gourou viết một cuốn địa lý nhân văn do Trường Viễn Đông Bác Cổ phát hành với nhan đề “Nông dân ở đồng bằng Bắc kỳ”. Tác giả đã dành một chương trình bày vấn đề và tình hình công điền ở vùng châu thổ sông Hồng. Trong mục khảo cứu phương thức khẩn hoang tại vùng bãi biển tân bồi ở Tiền Hải và Kim Sơn do Nguyễn Công Trứ chủ trương, tiến sĩ Pierre Gourou cũng nói nhiều về công điền công thổ.
Năm 1939, tác phẩm “Sở hữu xã thôn ở Bắc kỳ” của tiến sĩ luật khoa Vũ Văn Hiền được ra mắt, với nội dung đặc khảo về công điền công thổ trong lịch sử Việt Nam và tồn tại đương thời ở xứ Bắc.
Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm giá trị nghiên cứu về chế độ công điền công thổ đã được công bố. Tuy nhiên, mỗi khi nói đến tình hình công điền công thổ ở Nam bộ thì tác giả nào cũng chỉ đề cập một cách sơ sài, chứ không đi sâu và đầy đủ như khi phân tích cùng vấn đề ở Trung bộ hay Bắc bộ.
Do tư liệu hạn chế, khi bàn đến công điền công thổ ở Nam bộ, các nghiên cứu thường giản đơn hóa và đôi khi còn gây ấn tượng sai lầm. Như khi nói tới số lượng công điền ở Nam bộ, người ta hay nhắc tới con số 3/100 của chuyên gia nông học Yves Henry và trình bày như là tỷ lệ đó đã có từ trước khi Pháp xâm lăng.
Giáo sư Nguyễn Đình Đầu nhận định: Ngày nay, một số tác giả có xu hướng cho rằng “công điền là cái tồn tại của xã thôn từ thời công xã nguyên thủy”. Có lẽ điểm này đúng cho Bắc bộ. Nhưng Nam bộ là miền đất mới, xã thôn ở đây được thành lập trong giai đoạn xã hội đã biến chuyển không còn là thời công xã nguyên thủy nữa. Cho nên công điền ở Nam bộ không thể xem là “cái tồn tại” đó được.
Mặt khác, không nên lẫn công điền với quan điền, mặc dầu công và quan cùng có nghĩa “thuộc về nhà nước”, vì công điền và quan điền là hai loại ruộng đất khác nhau, có quy chế khác nhau; nên cũng không thể dịch nghĩa hai loại ruộng đó ra cùng một chữ là “ruộng công”.
Chế độ công điền chỉ có ở Việt Nam, bên Tây bên Tàu không có chế độ nào giống thế. Trước đây, người Pháp đã dịch chữ công điền ra thành “terres communales”, “terres publiques”, “propriété communal” hoặc “biens communaux”, đều không sát nghĩa và cũng chẳng khác gì như ta dịch nôm là “ruộng công” hay “ruộng làng”.
Người Trung Quốc cũng không có danh từ nào để nói được trọn vẹn khái niệm công điền của ta, vì nước họ không có chế độ công điền trong suốt quá trình lịch sử sở hữu ruộng đất. Lịch sử Trung Quốc chia làm nhiều giai đoạn: đời thái cổ nhà Hạ theo phép cống, nhà Ân và nhà Chu theo phép tỉnh điền, nhà Tần và nhà Hán để dân tự quyền chiếm hữu, nhà Tấn dùng phép chiếm điền, nhà Ngụy làm phép quân điền, nhà Đường đặt thêm phép hạn điền, nhà Tống ủng hộ trang điền rộng lớn, hại cho nông dân nghèo, nhà Minh lập thêm nhiều quan điền làm thiệt cho tư điền. Không thấy có vết tích nào của một chế độ giống như công điền của ta. Do đó, ta nên dùng nguyên chữ “công điền công thổ”, không nên dịch, vì nó đã trở thành một từ ngữ riêng.
Một đặc điểm đáng chú ý của chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở đất Nam bộ xưa, được giáo sư Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh: “Công điền không nhằm “phúc thiện” hay “cứu trợ”, không có chức năng của các loại ruộng làng như cô quả điền, trợ sưu điền, học điền, hay của xã thương. Bản chất công điền khác xa các loại ruộng làng.
Công điền cũng không nhằm áp đảo tư điền. Nhiều chuyên giao khảo cứu quốc tế cho rằng ở Việt Nam không có quyền tư hữu thực sự trên ruộng đất, vì tất cả ruộng đất, núi sông, bờ cõi là thuộc quyền sở hữu tối thượng của nhà văn, thần dân chỉ có quyền chiếm hữu và hưởng hoa lợi. Quan niệm đó chỉ là lý thuyết, một thứ lý thuyết nào đó ở bên Tàu, hoặc tưởng tượng từ đâu, chứ ở ta hoàn toàn không thấy dấu vết.
Suốt thời quân chủ, các triều đại Việt Nam đều ban hành những luật lệ tôn trọng và bảo vệ tư điền tư thổ. Không ai được xâm phạm ruộng đất tư, kể cả nhà nước. Nếu có tác phạm vào đất tư thì nhà nước căn cứ giá thị trường để bồi thường cho sở hữu chủ.
Công điền công thổ là một định chế kinh tế xã hội rất quan trọng của xã hội Việt Nam xưa, nhằm mục đích hạn chế sự tác hại của tư điền tư thổ quá tập trung, đồng thời mang ý đồ tạo ra một xã hội gồm toàn tiểu nông. Theo ước tính của nhà cầm quyền Nam kỳ lục tỉnh, công điền phải chiếm ít nhất nửa số ruộng, mới đủ khả năng chế ngự tư điền”.