Thuận Tân Hội Quán là hội quán đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vào năm 2017 tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh với tổng số 47 thành viên ban đầu. Hội quán là nơi để bà con nông dân cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể là trái xoài, loại nông sản chủ lực chiếm 98% sản lượng cây trồng.
Ngoài ra, hội quán cũng là nơi để bà con nông dân tiếp cận các chương trình, dự án do ngành nông nghiệp triển khai. Các chương trình chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất sản phẩm sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ được bà con triển khai hiệu quả. Đến nay, hội quán đã phát triển gần 100ha mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP.
Ông Lê Phước Tánh, Chủ nhiệm Thuận Tân Hội Quán nhận thấy, hội quán đã ứng dụng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Nhờ đó, các nông sản của hội quán, cụ thể là trái xoài, đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Úc, Canada, Mỹ và Nhật Bản, mang lại giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.
Xuất phát điểm là những lão nông quanh năm gắn bó cùng ruộng vườn, tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, các thành viên của hội quán đã chủ động tìm đến nhiều địa phương khác trong khu vực để học hỏi kinh nghiệm làm du lịch.
Tiếp đó, hội quán bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất và liên kết thành viên xây dựng điểm du lịch nông nghiệp. Bên cạnh việc xây dựng không gian để du khách tham quan, chụp ảnh, hội quán còn thiết kế các hoạt động trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước. Hiện nay, ngoài nguồn thu nhập từ nông nghiệp, du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con.
Ông Tánh chia sẻ, nếu ngày xưa khách du lịch đến với hội quán chỉ để xem người dân địa phương thực hiện dỡ chà, kéo lưới bắt cá, nay du khách có thể tự mình trải nghiệm thông qua sự hỗ trợ của hướng dẫn viên vốn là các nông dân, thành viên của hội quán.
Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả cả nông nghiệp và du lịch, bà con nông dân cần đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, thành viên Thuận Tân Hội Quán mong muốn ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con đưa vào sản xuất các sản phẩm mới để đa dạng hóa các sản nông nghiệp phục vụ du khách, ông Tánh bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, từ kết quả đạt được cho thấy, Thuận Tân Hội Quán đã có rất nhiều nỗ lực. Với xuất phát điểm từ các chú, các bác nông dân không biết sẽ đi đâu, làm gì, gặp ai để làm du lịch, đến nay hội quán đã vận hành hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.
Cũng theo ông Minh, để nâng cao vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển du lịch sinh thái, địa phương đang hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tái cơ cấu kinh tế, nâng chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng sinh thái, đảm bảo tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên hợp quốc.