Dự cảm trên 'Con đường hạnh phúc'

Ngô Đức Hành - Thứ Hai, 08/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Con đường hạnh phúc, được khởi công sau Chiến thắng Điện Biên phủ 5 năm, mở ra cơ hội phát triển cho bà con đồng bào nơi cực bắc Tổ quốc.

Dân phượt nước ngoài dừng lại check- in trên cung đường Hạnh phúc.

Đây là lần đầu tiên tôi đi trên “Con đường hạnh phúc”. Đó là tên gọi của quốc lộ số 4C, bắt đầu từ cột mốc số 0, bên dòng Lô chảy qua thành phố Hà Giang, qua 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc. Chiều dài con đường gần 200km.

Đoàn chúng tôi, đặt chân đến Hà Giang đúng dịp thương binh- liệt sỹ, là thời điểm những người đang sống tri ân những người đã mất, nhất là các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự trường tồn của đất nước.

Còn nhớ “Con đường hạnh phúc”, được khởi công sau Chiến thắng Điện Biên phủ 5 năm. Con đường này được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959, sau 8 năm mới hoàn thành. Hơn 1.300 thanh niên xung phong và 1.000 nhân công thời đó, bằng những công cụ hết sức thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ,… trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn lương thực, nước uống, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao đã lao động quên mình. 14 thanh niên xung phong đã ngã xuống trong quá trình thi công con đường.

Đó thực sự là con đường mơ ước, con đường hạnh phúc của bà con 16 anh em sống trên vùng đất này.

Trước khi rời thị trấn Yên Minh, tôi nhìn thấy Nghĩa trang của 14 liệt sỹ thanh niên xung phong nằm lại vì tuyến đường. Khi dừng chân trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, nhìn xuống sông Nho Quế tôi càng được tỉnh thức về sự quật cường của những con người thời đó.

Đến đó, tôi ngộ thêm “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt thành công”, (Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ngộ thêm về tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong dựng nước, giữ nước và kiến thiết, dựng xây.

Một đoạn quốc lộ 4D.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Giang, kỹ sư Tống Văn Huấn là người tổ chức cho chúng tôi “ngược Mèo Vạc”. “Người quê chỉ có tấm lòng”, thật đúng với ông. Cẩn thận, chu đáo đến từng chi tiết. Ông chia sẻ, Hà Giang là tỉnh khó khăn, để đột phá không thể không “thắt lưng buộc bụng” dành mọi nguồn lực cho hạ tầng giao thông.

Do Tống Văn Huấn bận công việc điều hành, nên cử kỹ sư Lê Ngọc Quý đi cùng đoàn chúng tôi. Quý là thanh niên chưa vợ, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, thông thổ địa hình nên kiêm nhiệm luôn chức “hướng dẫn viên” cho đoàn chúng tôi.

Chủ trương của Hà Giang là “đường thông kinh tế mở”. Năm 2023 các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao như Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1); nâng cấp, cải tạo, đưa vào sử dụng quốc lộ 279, quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành. “Đến nay, 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm”, ông cho biết. Đối với một tỉnh miền núi như Hà Giang, có được đường ô tô về đến trung tâm các xã đã là một kỳ tích.

“Con đường hạnh phúc” thực sự là con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam. Con đường kết nối danh thắng ở Hà Giang đã làm cho du lịch Hà Giang tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho bà con các dân tộc địa phương, đồng thời gia tăng nhận thức về môi trường địa chất cho người dân...

Kỹ sư Lê Ngọc Quý chia sẻ rằng, tháng 5/2023, huyện Mèo Vạc khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên xã từ km 160+500 quốc lộ 4C xã Pả Vi đi cầu Tràng Hương, xã Xín Cái và công trình đường từ Thủy điện Nho Quế 2 đi ngã ba xã Sơn Vĩ nối đường lên Mốc 504 xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc). Còn lại về cơ bản, quốc lộ 4C rất tốt nhưng trên đường đến Mèo Vạc có rất nhiều điểm đang được mở rộng, nâng cấp.

Tôi chưa từng thấy con đường nào lắm khách Tây đi du lịch phượt như trên “Con đường hạnh phúc”. Đến đâu chúng tôi cũng gặp khách du lịch nước ngoài, dừng lại ngắm cảnh đẹp, check-in... Nếu tính từ cầu Gạc Gì thuộc thành phố Hà Giang điểm khởi đầu của “Con đường hạnh phúc” là dốc Bắc Xum, đèo Thẩm Mã, vách Đá trắng, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế...

Đó còn là cách danh thắng, di lích lịch sử, văn hóa “vắt” theo con đường: Cao nguyên đá Đồng Văn (năm 2010 được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”, Thành cổ Cán Tỷ, Nghĩa trang Thanh niên Xung phong mở đường, Phim trường Chuyện của Pao, Nhà vua Mèo, Khu phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Bảo tàng Con đường Hạnh phúc, Bia tưởng niệm đường hạnh phúc, Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.

Hôm từ Mèo Vạc trở lại thành phố Hà Giang, cứ 30 - 45 phút nhìn qua cửa kính tôi lại gặp một đoàn chừng 30 – 50 người, có đoàn đông lên đến cả trăm người “đi phượt”. Có cảm giác, nườm nượp như trẩy hội. Theo Lê Ngọc Quý, ở thành phố Hà Giang có đơn vị cung cấp dịch vụ chở khách du lịch bằng xe máy. Thi thoảng mới gặp chiếc xe máy do khách Tây tự lái.

Trẻ em vùng cao.

Đối với quốc lộ 4C giữa một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, chắc chắn lo lắng nhất với những người quản lý, duy tu là sạt lở về mùa mưa bão. Các anh ở Sở Giao thông vận tải Hà Giang cho biết tháng 10/2023, tại Km 20+286, thuộc xã Minh Tân (Vị Xuyên) đã xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Hàng nghìn mét khối đất đá từ ta-luy dương bất ngờ đổ sập, vùi lấp mặt đường quốc lộ 4C với chiều dài khoảng 30m khiến các phương tiện đang tham gia giao thông không thể di chuyển. “Tư lệnh” ngành Giao thông vận tải Hà Giang đến hiện trường chỉ đạo ngay Công ty Cổ phần Đường bộ 1 - đơn vị có trách nhiệm quản lý, duy tu phải huy động máy móc tiến hành san gạt, vận chuyển đất đá, giải phóng mặt đường. Lực lượng Cảnh sát Giao thông Hà Giang đặt chốt phân luồng giao thông. Sự phối hợp đương nhiên, chuyên nghiệp, đồng bộ.

Khi tôi hỏi về chuyện sạt trượt trên tuyến đường, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải Hà Giang Vũ Hồng Quân cho biết: "Năm nào mùa mưa bão chẳng sụt trượt, sạt lở bác ơi. Địa hình thế cơ mà!". Tôi cảm thấy xấu hổ vì câu hỏi hơi “thừa thãi”.

Để đảm bảo an toàn giao thông, hàng năm Sở đều phải duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp mặt đường, cắt cua...Vũ Hồng Quân nói thêm.

Tài xế Trịnh Xuân Phúc, là người đưa chúng tôi suốt dọc hành trình “Con đường hạnh phúc” từng có 30 năm cầm vô lăng trên tuyến đường. “Đi trên con đường này phải rất có kinh nghiệm, đặc biệt là khi phía trước có đoàn xe máy du lịch phượt ôm cua”, anh chia sẻ. Trong giọng nói của Trịnh Xuân Phúc có chút tự hào về “tay lái lụa” của mình.

Con đường hạnh phúc” trải dài trên những danh thắng nổi tiếng của Hà Giang vốn được Bác Hồ đặt cho vào năm 1965. Bác mong muốn, con đường sẽ mang lại đổi thay cho vùng đất giáp biên nghèo khó nơi cực bắc Tổ quốc. Đường đến đâu văn minh đến đó. Thực tế chứng minh, giao thông thuận tiện đã mang đến cuộc sống thay đổi, tốt lên từng ngày cho bà con, đồng bào Hà Giang.

Đi trên “Con đường hạnh phúc” không chỉ ở các thị trấn Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh mà ở nhiều làng bản dọc con đường, tôi nhận ra sự thay đổi ấy. Nhiều bản đã đã hoàn thành “Nông thôn mới”. Dự cảm rằng, họ sẽ tiếp tục hành trình tới hạnh phúc.

Tôi hát rong cùng bạn / đêm bàng bạc biên cương / gió Cổng Trời thổi ấm từ ngực đá / hoa trẩu trắng rừng câu hát hồn nhiên”, (Gặp ở Hà Giang, thơ Ngô Đức Hành). Mùa này, trên các dãy núi dọc con đường hoa mận, hoa trẩu nở trắng rừng.

Ngô Đức Hành
Tags:
Tags:
Tin khác
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh

Có câu rằng: “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”.

Lễ nghi Tết chốn cung đình
Lễ nghi Tết chốn cung đình

Huế đẹp không chỉ từ Quần thể di tích Cố đô mà đẹp từ trong ý thức của mỗi người về văn hóa lễ hội.

Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'
Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'

Cuộc đời làm quan của Bùi Sĩ Tiêm sẽ còn thăng tiến nếu ông không nói lời ngay thẳng để vạch ra những nguyên nhân khiến xã hội lúc đó rối ren, hỗn loạn.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời

Non tháng nữa là Tết nhưng nắng cứ vàng rờ rỡ cả ngày, còn may trời vẫn se se lạnh lúc cuối chiều nên cữ đạp xe thể thao thường nhật của ông Cả Ngưỡng xem ra nhàn nhã khác hẳn ngày hè nóng nực hay tiết thu thất thường khi oi nồng lúc mát mẻ.

Giao thừa bâng khuâng những hương vị hoài niệm xa xưa
Giao thừa bâng khuâng những hương vị hoài niệm xa xưa

Giao thừa bâng khuâng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, như réo gọi những thanh âm một thời xa xưa từ ký ức vọng về từng đợt nôn nao.

'Trời đã mới người càng nên đổi mới'
'Trời đã mới người càng nên đổi mới'

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ta hãy cùng đọc, cùng ngẫm để cùng thấm tư tưởng sống này của Phan Bội Châu.