Một ngày giữa tháng 5, khi đến Di tích Nhà Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang), tôi bị cuốn hút bởi hình ảnh 4 - 5 đứa trẻ Mông đang vây xung quanh một nữ du khách ngoại quốc còn rất trẻ, và rất xinh đẹp.
Nữ du khách mang trang phục của dân phượt chuyên nghiệp, có bảo hộ đầu gối chân, tay, giày và quần áo thể thao. Cô toát lên sự trẻ trung, sức sống, tràn đầy năng lượng. Và đặc biệt, gương mặt cô gái rất xinh đẹp - vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng làm bừng sáng cả khoảng sân trước cửa khu di tích nổi tiếng trầm buồn.
Cô gái ngồi bệt trên mặt đất, trong khoảng hẹp có chiếc tay vịn bằng xi-măng giả gỗ ngăn với khu bán vé vào cửa di tích. Tay cô cầm một cây bút chì, và trong chiếc túi nhỏ đeo bên hông, cô gái lấy ra những mẩu giấy nhỏ đã chuẩn bị sẵn.
Misa, 18 tuổi, nữ sinh viên đang học ngành y, đến từ thành phố Chicago, bang Illinois - Mỹ. Mẹ cô người Việt Nam, ở Bình Định, cha cô người Mỹ. Cô mang trong mình hai dòng máu Mỹ - Việt. Misa về Việt Nam thăm quê, và tận dụng thời gian để đặt chân tới Hà Giang - địa danh mà rất nhiều du khách nước ngoài luôn háo hức tìm đến.
Những đứa trẻ vây xung quanh Misa là những đứa bé người Mông, nhà chúng ở xung quanh khu di tích vua Mèo Vương Chí Sình. Ngày nào chúng cũng có mặt ở đây, mang trên tay những bó hoa dại đủ màu sắc mà chúng khéo léo tết thành bó, hay kết thành những vòng nguyệt quế bằng hoa bán cho du khách, hoặc cho khách du lịch mượn/thuê để chụp ảnh và nhận về những đồng tiền nhỏ.
Với chúng, đó là một cách để mưu sinh.
Thông thường, chúng khá lầm lì, ít nói. Đặc biệt, với những du khách người Việt đã đi Hà Giang quá nhiều, đã quá quen thuộc với những đứa trẻ lang thang bán hoa trên dốc Thẩm Mã, trên thung lũng Sà Phìn nơi có ngôi nhà cổ làm phim trường “Chuyện của Pao”…, thường nhìn chúng với ánh mắt không mấy thiện cảm.
Nhưng hôm nay, chúng rất khác!
Những ánh mắt nhìn Misa trìu mến, háo hức và chờ đợi. Cô gái Mỹ rất tự nhiên, lần lượt vẽ những bức tranh nhỏ trên mẩu giấy chỉ bằng bàn tay, rồi trao cho từng đứa trẻ. Đó là những bức tranh ngộ nghĩnh, theo kiểu thể hiện cảm xúc (emotion). Nhận những mẩu giấy phác họa chân dung mình, lũ trẻ phá lên cười, rất tươi…
Chưa bao giờ tôi thấy chúng cười tươi đến thế. Và ánh mắt của chúng, đúng là những đôi mắt con trẻ, trong sáng, thơ ngây, thánh thiện… Những đôi mắt trẻ thơ chưa phải nhìn/chứng kiến những câu chuyện u buồn như người lớn…
Rồi bất chợt, Misa ngừng vẽ. Cô thì thầm với những đứa trẻ, và kéo chúng ra khoảng sân trống trước cửa nhà Vương. Một trò chơi nhỏ được Misa nhanh chóng tổ chức: Misa và những đứa trẻ nắm tay nhau thành một vòng tròn, vừa nhảy vừa chạy, và Misa nhấc bổng từng đứa trẻ quay vòng tròn, càng khiến chúng phá lên cười vang cả nhà Vương.
Đó là một khoảnh khắc vô cùng đẹp mà tôi được chứng kiến. Misa, cô gái mang hai dòng máu Việt - Mỹ đã mang về Hà Giang một món quà vô giá, và trao cho những đứa trẻ một món quà vô giá, không gì khác, đó là những nụ cười. Có lẽ rất hiếm hoi và từ rất lâu, những khoảnh khắc thực sự của tuổi thơ như thế, những đứa trẻ ấy mới được tiếp nhận hay mới có cơ hội được bộc lộ, thể hiện.
Trong khoảng thời gian hiếm hoi của mình ở nhà Vương, Misa cũng trao cho tôi một “món quà”, đó là một bài học về cách cư xử: muốn nhận được nụ cười, hay trao cho người khác những nụ cười; và, phía sau gam màu xám xịt của cao nguyên đá, phía sau những gương mặt lầm lì, ít nói, lúc nào cũng phơ phất buồn của những đứa trẻ bán hoa trước các điểm du lịch, check-in nơi cao nguyên đá, hãy trò chuyện với chúng, hãy sống cuộc sống của chúng để chúng cởi bỏ những gương mặt già trước tuổi, trở về đúng với gương mặt trẻ thơ!
Misa chìa cho tôi chiếc máy ảnh du lịch nhỏ của em, ngỏ ý nhờ tôi chụp giúp một bức hình làm kỷ niệm.
Tôi cũng đã bấm máy rất nhiều để chụp Misa - cô gái xinh đẹp với trái tim thánh thiện đang đùa vui với những đứa trẻ Mông nơi vùng đất mà với cô vô cùng xa lạ.
Ngày hôm qua, tôi nhận được email hồi âm của Misa. Em nói đã trở về Mỹ, và đã nhận được những bức ảnh tôi gửi tặng.
Có lẽ, nhận những shoot hình tôi gửi, em cũng sẽ cười. Với tôi, đó là một hạnh phúc.
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội và báo chí ồn ào câu chuyện nhỏ về bữa tiệc ngọt tổng kết cuối năm của một lớp 1: một cháu bé không được phần ăn vì bố mẹ (quên) không đóng tiền; ban phụ huynh và cô giáo cũng chỉ mua - phát đủ khẩu phần theo suất đóng, và vì thế, bạn nhỏ ấy không được dự tiệc, phải “ngồi nhìn” các bạn…
Câu chuyện không quá to tát như những gì mà người lớn đang tự diễn biến trên các diễn đàn, và các tờ báo cùng nhảy vào mổ xẻ, phân tích… khiến một “sự cố” bé xíu trở thành một kỷ niệm tuổi thơ vô cùng buồn đối với một đứa trẻ - khi sau này chúng lớn lên, biết nhận thức và vô tình đọc lại.
Một đồng nghiệp đầy ưu tư của tôi, chị bày tỏ quan điểm cá nhân: đó là sự nhẫn tâm: phụ huynh của con nhẫn tâm khi không tham gia một số tiền rất nhỏ, để cho con một năm học trọn vẹn; ban phụ huynh lớp - những người đại diện đứng ra chuẩn bị bữa tiệc - nhẫn tâm khi cứng nhắc và hành động như một cái máy vô tri, chỉ chuẩn bị đủ phần cho những người đóng góp; cô giáo nhẫn tâm khi không khéo léo xử lý tình huống, khiến đứa bé phải đứng ngoài “bữa tiệc” của mình!
Không ai có lỗi trong chuyện này, nếu chúng ta nhìn vấn đề chỉ là sơ suất của những người lớn, và đưa ra cách xử lý khéo léo hơn, thay vì tranh cãi nhau trên báo. Và, báo chí, mạng xã hội, đừng mổ xẻ, đẩy vấn đề đi quá xa như thế!
Hãy học Misa, cô gái 18 tuổi đến từ nước Mỹ: Misa không mang gì tới cho những đứa bé vùng cao nghèo khó, ngoài những nụ cười.
Và tôi cam đoan, chúng đã cười rất tươi, nụ cười hồn nhiên từ chính con người của chúng.
Và đẹp vô cùng!