| Hotline: 0983.970.780

Ở làng thông minh Tân Thuận Tây

Thứ Ba 11/07/2023 , 08:36 (GMT+7)

Từ mô hình hội quán nông dân, khát vọng xây dựng làng thông minh đang dần hiện thực ở Tân Thuận Tây, tỉnh Đồng Tháp. Nơi bình yên, hạnh phúc và tự hào.

Mô hình làng thông minh ở Tân Thuận Tây. Ảnh: Hoàng Vũ.

Mô hình làng thông minh ở Tân Thuận Tây. Ảnh: Hoàng Vũ.

Xã Tân Thuận Tây nằm phía tả ngạn sông Tiền. Vùng đất ấy xưa là những bãi lúa manh, canh tác theo kiểu trồng chen lạm xạm, được mất nhờ trời. Người đồng bằng có câu “một năm thất ruộng ba năm còn nghèo”, dù thừa hưởng phù sa châu thổ nhưng đời sống bà con chẳng lấy gì làm khá giả, muốn bứt phá lên cho bằng người ta thật không phải chuyện dễ dàng gì.

Ấy thế mà hôm nay, Tân Thuận Tây lại chính là cái nôi sinh ra mô hình làng thông minh đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp.

Smart Village Tân Thuận Tây

Tôi cùng anh Lê Hoàng Tùng, Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây men theo bờ bãi sông Tiền, đi giữa miệt vườn cây trái. Dọc hai bên con lộ từ trung tâm xã đi vào các ấp Tân Hùng, Tân Chủ, Tân Hậu, Tân Dân hôm nay miên man cây trái, nhất là xoài. Đa phần là giống xoài Cát Chu nức tiếng, “xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”, mỗi một cây đều được gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Anh Tùng nói, Tân Thuận Tây bây giờ ngoài diện tích 500 ha xoài với những mô hình độc đáo, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ… để vừa ứng biến được với thị trường vừa liên kết sản xuất nâng cao giá trị. Biết làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Bài liên quan

“Tất cả những thành tựu ấy là nhờ mô hình hội quán nông dân, đặc trưng riêng có của tỉnh Đồng Tháp, nơi mọi người ngồi lại với nhau chia sẻ hết mọi điều. Chính từ mô hình hội quán Đề án xây dựng Làng thông minh được các bộ ngành và tỉnh Đồng Tháp lựa chọn xây dựng thí điểm ở Tân Thuận Tây, dự kiến giữa năm 2024 sẽ hoàn thành”, anh Tùng hồ hởi.

Tâm Quê là hội quán đầu tiên được thành lập ở Tân Thuận Tây vào năm 2017. Nghe kể ban đầu cũng gian nan, vất vả lắm. Như chia sẻ của một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp là bà con mình trước giờ quen cặm cụi sản xuất, ít khi ngồi lại với nhau. Tuy nhiên chính nhờ sự kiên tâm vận động, hỗ trợ và đồng hành của chính quyền, nỗ lực thay đổi của bà con mà mọi thứ dần đi vào nề nếp. Chủ nhiệm Bảy Những (Đặng Văn Những) chia sẻ: Đời tui hồi nào tới giờ đâu dám nghĩ sẽ có ngày được gặp nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến như vầy. Thế mà từ khi Tâm Quê hội quán ra đời cùng với bà con hết đón lãnh đạo Chính phủ, Chủ tịch nước lại được đón cả đồng chí Tổng Bí thư tới thăm. Còn nhớ năm 2018, khi đến Tâm Quê hội quán Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ rất nhiều, có một câu mà bà con in ra treo ở phòng truyền thống: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”. Nói rồi trầm ngâm, cũng đã gần 5 năm, bà con vẫn luôn mong Tổng Bí thư quay lại nơi này để thấy thành tựu của các mô hình hội quán có ý nghĩa như thế nào.

Số hóa vườn xoài ở làng thông minh Tân Thuận Tây. Ảnh: Hoàng Vũ.

Số hóa vườn xoài ở làng thông minh Tân Thuận Tây. Ảnh: Hoàng Vũ.

Rồi Bảy Những chuyển sang chia sẻ chuyện làng thông minh ở Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ… mà ông được phổ biến, học tập qua tài liệu, nói tinh thần hợp tác, tự lực tự cường của người nông dân trong các hội quán. Sôi nổi, tích cực lắm. Hội quán Tâm Quê nơi Bảy Những làm chủ nhiệm bây giờ có 65 thành viên, chủ yếu là bà con trong ấp Tân Hậu. Mỗi tháng sinh hoạt định kỳ vào ngày 20 Tây, luôn có mặt đầy đủ các thành phần lãnh đạo xã, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học…

Thỉnh thoảng lãnh đạo tỉnh cũng cử người về cùng tham gia với bà con. Những buổi sinh hoạt định kỳ quan trọng đến mức gặp những dịp họp Đảng ủy hay Hội đồng nhân dân của xã, nếu trùng lịch cũng phải ưu tiên cho hội quán. Mỗi kỳ sinh hoạt là một chuyên đề trọng tâm được đưa ra cùng nhau thảo luận. Từ chuyện khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chuyện thị trường, cùng nhau làm nông nghiệp tử tế đến chuyện tình làng nghĩa xóm… Chính Tâm Quê hội quán là nơi đầu tiên đưa ra thông điệp “trồng xoài vì giống nòi” để vận động bà con thực hiện.

Hệ thống quan trắc ở làng thông minh Tân Thuận Tây. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Hệ thống quan trắc ở làng thông minh Tân Thuận Tây. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Bảy Những phân trần, hồi trước trồng xoài gặp sâu rầy, dịch hại cứ ra cửa hàng mua thuốc về xịt nhưng lâu nay bà con đã biết cách ủ chế phẩm sinh học, biết các quy trình trồng xoài hữu cơ, VietGAP… rồi dần dà mở rộng từ xoài sang rau, lúa, các loại cây trồng khác. Các mô hình do hội quán phát động đạt hiệu quả tốt nên từ Hội quán Tâm Quê, xã Tân Thuận Tây phát triển thêm hai hội quán Thuận Tân và Nhân Tân, cũng chính là nền tảng của làng thông minh ngày nay.

Thông minh như thế nào? Tôi hỏi. Cả Bảy Những và anh Tùng thay nhau giải thích, là Smart Village đó. Mô hình này được đúc kết kinh nghiệm từ nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ… và phát triển dựa trên nền tảng của các hội quán nông dân ở Đồng Tháp.

Vừa nói các anh vừa dẫn tôi đi giới thiệu hệ thống công nghệ thông minh của làng. Đó là hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát an ninh trật tự gắn trên những tuyến đường bê tông liên thôn ấp. Hệ thống quan trắc môi trường để đo các chỉ số về nước, khí, đất, giám sát các thông số cơ bản về pH, nhiệt độ, độ ẩm... được đặt ngay trong vườn nhà Bảy Những, cạnh bờ sông Tiền. Hệ thống tưới tự động phục vụ sản xuất, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng năng lượng mặt trời... Tất cả đều đã được đưa vào hoạt động từ mấy năm nay, giúp ích rất nhiều cho bà con cả trong sản xuất lẫn đời sống sinh hoạt thường ngày.

Chính quyền đồng hành, phục vụ xây dựng làng thông minh ở Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chính quyền đồng hành, phục vụ xây dựng làng thông minh ở Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Lẽ tất nhiên vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện, nhưng anh Tùng nói, trung tâm của làng thông minh Tân Thuận Tây chính là con người và mục tiêu là phát triển bền vững. Các nội dung xoay quanh bao gồm môi trường sản xuất, môi trường sống, phát triển kinh tế, kỹ thuật đổi mới sáng tạo và quản trị đều được thể hiện qua phần mềm.

Ở đó là sự kết nối giữa cư dân và chính quyền, doanh nghiệp. Một hệ sinh thái kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương. Từ phổ biến kiến thức pháp luật, thông tin sản xuất, thị trường đến giá trị bản sắc của địa phương sẽ là một hệ thống cơ sở dữ liệu của làng thông minh.

“Phần mềm nền với cơ sở dữ liệu lớn của làng thông minh chính là trái tim để phát triển các dịch vụ, kết nối nhiều giải pháp tiên tiến để ứng dụng cho địa phương. Bằng khoa học công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích hết các lợi thế của địa phương để phát huy tốt nhất giá trị sản xuất, đời sống, văn hóa trên nền tảng số”, anh Tùng nói.

Tất cả các dữ liệu cơ sở đều được tích hợp, kết nối qua điện thoại thông minh. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Tất cả các dữ liệu cơ sở đều được tích hợp, kết nối qua điện thoại thông minh. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Để chứng minh lời anh Tùng, Bảy Những cầm chiếc điện thoại thông minh lên và truy cập. Tất cả những thông tin, tất cả thông tin, dữ liệu về đất đai, môi trường, thời vụ, thị trường của làng thông minh đều được thể hiện.

“Hệ thống chiếu sáng đường phố thông minh này tích hợp công nghệ thông minh và khả năng điều khiển giúp giảm chi phí, tối sáng tùy thích. Hệ thống tưới thì phải tải các ứng dụng trên điện thoại để điều khiển tưới tiêu và xem các thông tin bổ ích trên cổng thông tin Làng thông minh”, giọng ông lão tuổi bảy mươi sang sảng. Lại còn khoe, bà con trong “làng thông minh” đang triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến để buôn bán, trao đổi hàng hóa, từng bước hiện thực mục tiêu không dùng đến tiền mặt. Tân Thuận Tây cũng là xã tiên phong xây dựng cổng thông tin điện tử xã luôn cập nhật đầy đủ các thông tin.

Trò chuyện thêm với ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Đồng Tháp được biết, Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp là dự án do UBND tỉnh Đồng Tháp và trường Đại học Bách khoa, trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì, đã được Bộ KHCN phê duyệt với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm phát huy tính tự lực, học hỏi, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của bà con nông dân, phát triển bền vững và thịnh vượng. Từ mô hình thí điểm ở Tân Thuận Tây, theo kế hoạch, đến năm 2025 Đồng Tháp sẽ xây dựng 7 mô hình làng thông minh và đến năm 2030 sẽ là 14 mô hình.

“Sẽ là một cuộc cách mạng mới ở Đồng Tháp. Làng thông minh là điểm xuất phát mới, không phải là đích đến”, ông Tài khẳng định.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bình yên, hạnh phúc và tự hào

Cuộc cách mạng mà Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Đồng Tháp nhắc đến không chỉ gói gọn trong mô hình làng thông minh mà dường như còn là một hành trình đi cùng nhau giữa chính quyền và bà con nông dân ở tỉnh Đồng Tháp. Kể từ khi hội quán đầu tiên mang tên Canh Tân được ra đời ở xã An Hòa, huyện Châu Thành vào năm 2016, tính đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 134 hội quán, với hơn 7.200 thành viên. Trong đó có 31 hợp tác xã được thành lập trên nền tảng hội quán. Một không gian cùng nhau thay đổi, chia sẻ và kết nối, một thiết chế tự quản của bà con trên mảnh đất Sen hồng với tinh thần xuyên suốt là chăm chỉ, tự lực, hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán Lê Phước Tánh. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán Lê Phước Tánh. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trở lại với Làng thông minh ở Tân Thuận Tây, khi bà con tham gia vào các hội quán, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình cùng nhau làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa. Bà con ở Tâm Quê hội quán phục dựng và phát triển những nghề truyền thống địa phương để phục vụ du khách như nổ cốm, làm bánh dân gian, bắt cá, chọi gà, chọi cá lia thia,…

Bà con Thuận Tân hội quán cùng nhau xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn, hiện đã nổi tiếng khắp miền sông nước. Nhân Tân hội quán còn tập trung phát triển du lịch miệt vườn bằng các dịch vụ trải nghiệm tại vườn xoài, ẩm thực đồng quê, bắt cá, tắm mưa...

Từ sản xuất đến sinh hoạt, một loạt mô hình mới mẻ như Đưa chợ về vườn, Dòng sông không rác… Làn sóng thay đổi tư duy, khát vọng vươn lên và những ý tưởng mới mẻ như thể được lan tỏa, nhân lên gấp bội. Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán Lê Phước Tánh nói, mấy ổng cán bộ Đồng Tháp này kiên trì lắm. Hết vận động bà con thành lập hội quán để ngồi lại với nhau lại tổ chức đưa bà con đi học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mời các chuyên gia, nhà khoa học về tận vườn dạy bà con trồng xoài rải vụ…

Đích thân Bí thư Tỉnh ủy mời cả ông Nguyễn Sự ngoài Hội An vô nói chuyện làm du lịch cộng đồng với bà con. Nói là bà con mình phải kết hợp với nhau du lịch để phát huy giá trị tài nguyên bản địa. Người ta có rừng, có biển thì mình có miệt vườn, có sông có rạch, có nghề dỡ chà, có cá, có xoài…

Rồi cả nụ cười, mấy bài ca vọng cổ của bà con nữa, cũng là tài nguyên bản địa, có thể làm du lịch được hết, có thể có tiền hết. Khi bà con đã cùng sinh hoạt với nhau trong hội quán, tham gia vào các nhóm zalo, facebook, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đi đâu thấy mô hình sản xuất tiên tiến, mô hình du lịch cộng đồng hay đều chụp ảnh, gửi thông tin cho bà con tham khảo. Không phải để bắt chước người ta mà để biết cách phát nâng niu, phát huy những giá trị mình đang có.

Bà con nông dân sinh hoạt hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bà con nông dân sinh hoạt hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Hội quán Thuận Tân sinh hoạt trong ngôi nhà cổ của ông Lê Phước Tánh vào ngày mùng Năm hằng tháng. Hôm chúng tôi đến bà con đang bàn nhau mở rộng “tua” du lịch về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn. Sắm ghe thuyền chở khách là một chuyện, bà con phải học thêm cách giới thiệu thêm cho du khách các sản vật, giá trị văn hóa khác của địa phương.

“Ví dụ du khách đến thăm vườn xoài thì mình quét mã QR code để khách biết xoài của mình là xoài hữu cơ, xoài VietGAP. Khách đi du thuyền thì mình giới thiệu về sông Tiền, về nghề dỡ chà và các món ăn đặc sắc”, giọng ông Tánh nói chuyện với các thành viên.

Xã Tân Thuận Tây hôn nay đang hoàn thiện hồ sơ chờ quyết định công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu sau khi đã về đích nông thôn mới nâng cao từ năm 2021. Phó Chủ tịch UBDN xã Phạm Thanh Sang chia sẻ, mức thu nhập bình quân của bà con mấy năm nay vào khoảng 60 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên đó không phải là đích đến của chính quyền xã khi thực hiện mô hình hội quán hay làng thông minh. Mục tiêu của xã cũng như của thành phố, của tỉnh Đồng Tháp là xây dựng Tân Thuận Tây trở thành miền quê đáng sống, nơi mỗi người dân luôn cảm thấy bình yên, hạnh phúc và tự hào.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.