Ghe bầu & nghề buôn biển

Lê Hồng Khánh - Thứ Năm, 01/06/2023 , 06:44 (GMT+7)

Ghe bầu (thương thuyền) là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở Việt Nam và là sản phẩm độc đáo của những người thợ đóng ghe thuyền các tỉnh ven biển miền Trung.

Ghe bầu (thương thuyền) là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, ra đời khoảng từ giữa thế kỷ XVI, tồn tại đến nửa đầu thế kỷ XX và là sản phẩm độc đáo của những người thợ đóng ghe thuyền các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Theo các nhà ngôn ngữ học, “ghe bầu” trong tiếng Việt là một từ gốc Mã Lai - “gay prau” hoặc “gay perahu”. Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quấc âm tự vị thì giải thích "Ghe bầu bụng, vác mũi, chính là ghe đi biển”.

Ghe bầu Lý Sơn theo mô tả của cụ Võ Hiển Đạt (Lý Sơn) - 2011. Ảnh: TL.

Về cấu tạo, ghe bầu có dáng bụng bầu tròn, phình ra rất to để chứa được nhiều hàng hóa. Lái và mũi đều cơ động dễ dàng. Ghe có ba cột với cánh buồm lớn đơn giản, cuốn lại hoặc giương lên đều thuận lợi. Buồm hình tứ giác và tam giác, chằm bằng lá buồng, không có nẹp gỗ chạy ngang như kiểu buồm Trung Hoa. Tuy có nhiều kiểu khác nhau, nhưng căn bản đây là loại thuyền hai đáy, vỏ nhọn, có mũi và lái cong, cao hoặc trục mũi và trục lái thẳng, dài khác thường. Điểm đặc biệt là bánh lái đặt ở khoang kế đuôi thuyền.

Cấu tạo của ghe bầu gồm 3 khoang: khoang đốc, khoang lòng, khoang mũi. Mỗi ghe có 3 cột để dựng buồm. Cao nhất là cột lòng (9 - 12m), thấp hơn là cột mũi, cột lái. Dây chằng buồm làm bằng mây, to bằng cổ tay, có nhiều ở vùng núi rứng phía tây. Mỗi ghe có 1 chèo lái, 1 bánh lái, 1 bánh mũi, 4 chèo ngang, 1 cây ganh lấn gió (đặt ngang, dài 12 thước ta, để cân 2 bằng ghe), 12 trái giằng (mỗi trái nặng 12-15 kg), được đặt lên thành giằng để cân bằng.

Ghe bầu Lý Sơn phổ biến có chiều dài hơn 20 mét, rộng khoảng 4 mét, cao 1,5m, trọng tải chừng 80 tấn. Ghe bầu đóng trong đất liền lớn hơn chút ít. Khoảng cuối thế kỷ XIX, người ta đóng những chiếc ghe bầu dài đến 30 mét, trọng tải hơn 120 tấn.

Ghe bầu theo mô tả của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương - 1991. Ảnh: TL.

Thân ghe bầu đóng bằng ván (be) chồng cao hai hoặc ba lớp (gọi là be đôi, be ba), giữa ghe có đòn ganh. Đòn ganh là tấm ván dày, dài gấp đôi chiều ngang của ghe, có dây chằng từ đầu cột buồm lòng xuống. Dưới be có một phần nằm trọn dưới nước là mê ghe, đan bằng nan cật tre dày và lớn bản, trét dầu rái. Hai đầu ghe bầu là hai sỏ lớn, dùng nguyên thân mù u, có chiều hơi cong, được khoét rỗng để tra lái ống (sỏ lái) và tra xà bác. Người ta dùng phân trâu trát lên mê ghe vài lớp rồi dùng cùi dừa nhúng dầu rái đánh mạnh lên ghe để chống thấm nước.

Tại các tỉnh Nam Trung bộ, ghe bầu được sử dụng để đánh cá chuồn và buôn biển. Đến mùa cá chuồn, ngư dân đưa thuyền ra khơi, lênh đênh nhiều ngày trên biển. Đánh được cá thì muối mặn; cá lớn đem phơi khô. Khi nào hết lương thực hoặc ghe đầy cá thì vào bờ.

Thời nhà Nguyễn, giao thông đường bộ đã khá phát triển, mà xương sống là con đường thiên lý, chạy từ kinh thành Huế đến 31 tỉnh thành trong cả nước với hệ thống trạm, dịch, quán tổ chức chu đáo. Tuy nhiên, việc đi lại theo tuyến đường bộ Nam - Bắc còn gặp nhiều khó khăn, do phải qua nhiều đèo dốc, sông suối, thường xuyên bị sạt lỡ, hư hại về mùa mưa. Tình trạng cướp bóc, nhũng nhiễu của một số nhóm thổ phỉ cũng làm cho những người buôn bán trở nên e dè.

Tình hình giao thương trên bộ như vậy đã khiến các thuỷ lộ dọc ven biển miền Trung, với hệ thống bến cảng vốn đã được cư dân Chăm, sau đó là các thương nhân người Hoa, người Nhật sử dụng, trở nên rất quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa với các vùng, miền trong nước. Gió mùa và kinh nghiệm đi biển già dặn của ngư dân Quảng Ngãi cũng là những yếu tố góp phần tạo cho giao thương đường biển phát triển. Đường, quế, mật ong, dầu phụng, mủ cây chai mắm (cây xác mắm), đá vôi, cau khô, muối Sa Huỳnh (Đức Phổ)…là những món hàng theo ghe bầu từ miền Trung bán đi nhiều nơi trong cả nước. Lúa, gạo, vải vóc, sợi gai...là những sản phẩm từ nơi khác đem về.

Tháng Chạp lên đường theo gió mùa Đông Bắc đi vào Nam, ngược xuôi cùng ngọn gió, đến tháng Tám về quê, kéo ghe lên bờ tu bổ. Đường gần thì vào Tam Quan (Bình Định) mua dây dừa, cói, các loại gỗ, vải, gai để về bán cho ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam đóng thuyền, may buồm, đan lưới. Xa hơn thì vào Bình Thuận mua cá mòi, mắm về bán ở quê hay ở Nam Định, Nghệ An, xa hơn nữa là xuôi tận Nam Bộ mua dừa, lúa gạo ra bán ở tại Quảng Ngãi và các tỉnh phía Bắc. Xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) một số tộc họ sống bằng nghề chở hàng thuê bằng ghe bầu, như họ Võ, họ Đặng, họ Phạm...Ở Cổ Lũy, Trường Định, Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) xưa có một số người sắm ghe bầu để đi buôn đường biển, người địa phương quen gọi là buôn các lái.

Ghe bầu in trên bìa cuốn sách của nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Paris – 1942. Ảnh: TL.

Vè các lái (còn có tên Hò thuỷ trình) là một sản phẩm văn hoá dân gian độc đáo của những người đi ghe bầu. Bài vè là một hải đồ thô sơ nhưng cụ tượng và sinh động giành cho người đi biển từ Nam ra Bắc và ngược lại, miêu tả đầy đủ các địa danh, sông lạch núi non, ngầm đá cửa sông, phố xá, thời tiết khí hậu từng vùng, lưu ý những nơi hiểm nguy thường gây tai nạn cho thuyền bè qua lại. Đặc biệt là Vè các lái thể hiện khá sinh động tình yêu quê hương đất nước và tâm tình của người dân miền biển: thật thà, chất phác nhưng vũng chí, bền gan:

Quảng Ngãi, Trà Khúc núi chi?/ Có hòn Thiên Ấn dấu ghi để đời/ Hòn Sụp ta sẽ buông khơi/ Trong vịnh, ngoài vời, núi đất mênh mang/ Buồm giăng ba cánh sẵn sàng/ Anh em chúng bạn nhiều đàng tư lương/ Mỹ Á, Cửa Cạn, Hàng Thương/ Chạy hết Bãi Trường xích thố băng băng/ Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng/ Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa…

Đến khoảng giữa thế kỷ XX, khi quốc lộ 1 được củng cố và nâng cấp, vận tải bằng xe cơ giới ngày càng tỏ rõ ưu thế về tải trọng cũng như tính linh hoạt trong việc giao chuyển hàng hoá, nghề buôn ghe bầu chấm dứt vai trò trong lịch sử giao thương đường thuỷ miền Trung và cả nước. Mặc dù vậy, trong ký ức của nhiều bạn ghe, “các lái”, hình ảnh những chiếc ghe bầu giong buồm ra Bắc, vào Nam vẫn là biểu tượng một thời dọc ngang biển cả, vừa trì chí mưu sinh vừa thoả mộng hải hồ.

Lê Hồng Khánh
Tin khác
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.