Từ gành đá ven bờ đến quần đảo Hoàng Sa

Lê Hồng Khánh - Thứ Sáu, 26/05/2023 , 06:15 (GMT+7)

Kinh nghiệm đi biển chắc chắn là một trong nhiều lý do quan trọng khiến triều đình nhà Nguyễn tuyển chọn ngư dân Quảng Ngãi sung vào các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải...

Khi người Việt đặt chân trên đất Quảng Ngãi, cùng với việc khai hoang lập ấp, vỡ ruộng trồng lúa khoai là khai thác các loài thủy sản (rong biển, ốc, cua, cá...) làm thực phẩm. Ban đầu ở cửa sông, ghềnh biển, sau ra dần đến lộng, xa nữa là đánh cá ngoài khơi.

Hoàng hôn trên đảo Lý Sơn. Ảnh: LHK.

Đến tận thế kỷ XVII, người Việt từ đất liền bắt đầu định cư lâu dài trên đảo Lý Sơn. Đây cũng là thời kỳ mà các phương tiện di chuyển trên biển và công cụ đánh bắt cá đã tương đối phát triển, mà bằng chứng là người ta đã có thể dùng các loại ghe thuyền đi lại dễ dàng từ đất liền ra đảo và ngược lại. Hái lượm các loại rong tảo biển, bắt các loại sò ốc, câu cá quanh gành bằng cần câu, đánh cá trong lộng bằng thúng chai, ghe nhỏ và lưới gai cùng với đứng bè rờ ở cửa sông, cửa biển là các kiểu đánh bắt quen thuộc lâu đời của ngư dân Quảng Ngãi và vẫn tồn tại cho đến ngày nay:

Ai dài cần, dài nhợ ra khơi

Tui ngắn cần, ngắn nhợ, tui nhắp chơi trong gành.

Đêm khuya gió mát trăng thanh

Họa may con cá cựu nó dựa gành giỡn trăng.

Đánh cá bằng lưới mành, lưới quét, câu mực ngoài khơi xa là một bước tiến đáng kể của ngư nghiệp Quảng Ngãi và cả nước. Lúc này, hải sản đánh bắt được đã khá phong phú về chủng loại, dồi dào về số lượng. Các ngư trường ở vùng biển Quảng Ngãi vốn dồi dào về tiềm năng khai thác thủy hải sản đã trở nên quen thuộc với ngư dân. Kỹ thuật chế biến cũng đã có sự chuyển biến đáng kể với việc xử lý cá mực đánh bắt được trong các chuyến ra khơi dài ngày bằng phơi khô và muối mặn ngay trên thuyền. Đời sống ngư dân đã có phần cải thiện. Người chồng đi biển đã có được lúc thảnh thơi mà nghĩ đến con cá ngon, cá lành mang về cho vợ con:

Anh đi lưới quét, lưới mành

Lăng tiu, bạc má để dành cho em.

Cùng với thời gian và thực tế lao động, kinh nghiệm đi biển của ngư dân Quảng Ngãi đã được nâng lên rõ rệt. Họ đã có thể nhìn trời, nhìn mây, nhìn màu nước biển mà phán đoán khá chính xác về thời tiết, về luồng cá di chuyển trên ngư trường.

Kinh nghiệm đi biển chắc chắn là một trong nguyên nhân quan trọng khiến triều đình tuyển chọn ngư dân Quảng Ngãi sung vào các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, bởi vì một chuyến đi trên biển kéo dài sáu tháng, ngoài sức khỏe, lòng can đảm, ngư dân cần có kinh nghiệm dồi dào để kịp thời đối phó với những bất trắc có thể xảy ra trên biển bất cứ lúc nào.

Sự hình thành các vạn chài, phường đánh cá dọc theo vùng ven biển và hải đảo Lý Sơn, đánh dấu những chuyển biến xã hội do tác động của sự phát triển ngư nghiệp. Vạn chài được tổ chức chặt chẽ, vừa gắn kết do điều kiện sản xuất vừa quần tụ do nhu cầu tâm linh. Từ các làng thuần nông, xem đánh cá là nghề phụ dần dần hình thành các làng kết hợp nông - ngư, thậm chí có một số làng các vạn chài đã giữ vai trò chính trong sản xuất và sinh hoạt của làng như Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), Tuyết Diêm (Bình Thuận, Bình Sơn).

Lượng thủy hải sản thu được khá dồi dào dẫn đến sự hình thành và phát triển một số làng kết hợp đánh bắt hải sản và chế biến mắm ở Sa Huỳnh (Đức Phổ), Kỳ Tân - An Chuẩn (Mộ Đức), Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), Tổng Binh (Bình Sơn)... Người làm mắm đã có niềm tự hào khi sản phẩm mà mình làm ra không kém so với sản phẩm nông nghiệp, diêm nghiệp, góp phần vào đời sống no ấm của cộng đồng:

Muối Xuân An, mắm Tịnh Kỳ

Khoai lang dưới Trảng, gạo thì Đường Trung.

Sản xuất ngư nghiệp vượt khỏi thời kỳ tự cung, tự cấp. Thủy sản đã trở thành hàng hóa có sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong tỉnh, trong nước; một số mặt hàng tham gia vào thị trường xuất khẩu qua ngã Thu Xà - Phú Thọ hoặc Hội An. Ghe kinh (ghe buôn bán đường sông) và nậu rỗi giữ vai trò quan trọng trong việc phân phối thủy hải sản nội địa, đặc biệt là vùng trung du, miền núi, vừa trang trải nguồn thực phẩm đến nhiều vùng trong tỉnh, vừa thu hút nguồn lợi lâm thổ sản phục vụ thị trường buôn bán ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Nhưng bức tranh ngư nghiệp Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung trong ca dao - dân ca không phải chỉ toàn một màu tươi sáng. Biển Đông đầy giông gió, bão tố bất ngờ luôn đe dọa tính mạng người đi biển. Mỗi một chuyến ra khơi dài ngày là một lần đối mặt với hiểm nguy, gian khó. Không phải chỉ vì nỗi nhớ mà người vợ trong câu ca sau đây “ruột thắt từng cơn” khi sửa soạn cho chồng mình “xuống ghe”, bắt đầu cho một chuyến đi biển dài ngày:

Ai kêu ai réo bên sông

Tôi đang sắm sửa cho chồng xuống ghe

Chồng xuống ghe, quạt che tay ngoắt

Cất mái chèo, ruột thắt từng cơn.

Tượng đài tưởng niệm đội Hoàng Sa. Ảnh: LHK.

Dọc vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn, đời này qua đời khác có biết bao nhiêu ngôi mộ mà bên dưới nấm đất không hề có xương cốt của người khắc tên lên bia đá. Dân gian gọi đó là “mộ gió”, vì đây chỉ là ngôi mộ tượng trưng của những người đi biển gặp nạn, xác thân vĩnh viễn gởi lại với biển khơi.

Có thể nói rằng, cuộc hành trình hướng biển của bao thế hệ người Quảng Ngãi đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản hùng ca làm chủ biển khơi của người Việt trong lịch sử. Bản hùng ca ấy đã đang và sẽ còn vang vọng trong tâm tư tình cảm bao thế hệ ngư dân Quảng Ngãi, mặc cho sóng gió hung hãn của thiên nhiên và sự man trá, điêu ngoa của những thế lực manh tâm cướp trắng miếng cơm manh áo của người đi biển:

      Trông lên tới đỉnh Hòn Son

      Son còn đỏ rực anh còn ra khơi.

Một hòn núi nhỏ ven biển huyện Bình Sơn gọi tên là Hòn Son. Có những buổi chiều về, hoàng hôn phản chiếu đỏ rực trên đỉnh núi rồi loang thành nhiều vệt màu đỏ thắm, lung linh trên mặt nước. Ngư dân tin rằng đó là điềm báo biển khơi lặng sóng, thuyền cá được mùa.

Cầu cho niềm tin ấy mãi mãi còn ở lại, mãi mãi mang lại cho những người đi biển cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.         

Lê Hồng Khánh
Tin khác
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.