Giải thưởng Văn học Trẻ được Đại học Quốc gia TP.HCM phát động từ tháng 7/2022. Mùa thi thứ nhất đã trao giải ngày 25/3/2023, và mùa thi thứ hai được trao giải chiều 9/1/2024 tại Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng ban giám khảo đã có bài viết đánh giá về giải thưởng này.
Sau Giải thưởng Văn học Trẻ lần 1 với nhiều ngỡ ngàng và hy vọng, Giải thưởng Văn học trẻ lần thứ 2 tiếp tục với sự háo hức và sự dè dặt của một sân chơi không còn xa lạ với công chúng trẻ.
Sở dĩ có sự háo hức, vì số lượng tác phẩm Giải thưởng Văn học Trẻ lần 1 đã chứng minh Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra thông điệp “khởi nghiệp văn chương” khơi đúng dòng chảy tâm tư của học sinh – sinh viên cả nước.
Còn sở dĩ có sự dè dặt, vì chất lượng tác phẩm Giải thưởng Văn học Trẻ lần 1 đã phô diễn một lực lượng cầm bút mới, liệu có thành áp lực cho những người tham dự lần sau không?
Thế nhưng, thật đáng mừng, ngoài những cây bút đã đoạt giải ở lần 2 vẫn tràn đầy ý tưởng sáng tạo, thì Giải thưởng Văn học Trẻ lần 2 đã xuất hiện thêm những cây bút đầy hứa hẹn. Trong 24 bốn tác giả được vinh danh, tác giả nhiều tuổi nhất sinh năm 1999 còn tác giả ít tuổi nhất sinh năm 2007. Nghĩa là, Giải thưởng Văn học Trẻ đã thực sự trở thành vườn ươm văn chương học trò, văn chương của độ tuổi đẹp nhất đời người.
Trước hết, xét về tương quan giữa Giải thưởng Văn học Trẻ lần 1 và Giải thưởng Văn học trẻ lần 2, có thể nhận ra sự mạnh dạn tìm tòi của một số cây bút trẻ.
Tác giả Trần Văn Thiên (sinh viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) ở lần 1 đã gây ấn tượng với chùm thơ ba bài “Soi mình lên nước mắt”, “Giữa lòng đêm” và “Bay trên đồi dương liễu”, thì ở lần 2 lại chinh phục bằng truyện ngắn “Cánh từ bi lặng im”. Nếu trong thơ, Trần Văn Thiên khắc khoải “Nơi đôi mắt làng chỉ một ô cửa còn thức/ Đóa hoa nở nghẹn từng cánh phù dung” thì trong truyện ngắn lại phác thảo một không gian ám ảnh về kiếp người nổi trôi.
Truyện ngắn “Cánh từ bi lặng im” đưa người đọc vào một miền ngổn ngang của những dằn vặt, những bịn rịn và những lưu luyến. Quá trình chuyển đổi giới tính từ Văn Hạo sang Út Đào và những ruổi rong của gánh hát Hồng Hạc đã phơi bày bao nhiêu nghẹn đắng của kiếp người. Hình ảnh bông từ bi ẩn hiện trong tác phẩm, không chỉ nâng đỡ những thân phận bất hạnh, mà còn che chắn cho vẻ đẹp trường tồn của sự lương thiện và sự nhân ái.
Trường hợp khác, tác giả Võ Đăng Khoa (sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân) ở lần 1 đoạt giải với truyện ngắn “Rời Bình Ba” thì ở lần 2 đoạt giải với bài thơ “Một bữa về nhà”. Hai thể loại khác nhau, hai phương pháp biểu đạt khác nhau, nhưng thái độ sống thì hoàn toàn nhất quán ở một người trẻ biết day dứt với những bất an và biết trân trọng với những yêu thương. Thơ của Võ Đăng Khoa bày tỏ: “Thành phố hẹp hòi, nhỏ mọn/ Những cuộc gọi không cho mẹ chen chân/ Chuyến đi của tôi thì gần/ Quê mình nhòa bóng khói”.
Điều đáng phấn khởi nhất ở Giải thưởng Văn học Trẻ là các tác giả đều phát huy được thế mạnh thanh xuân của mình, đó là sự khước từ những ngôn từ dễ dãi và những ý tưởng rập khuôn. Họ theo đuổi một tinh thần khác, ngay cả khi vẫn viết về những đề tài quen thuộc. Những tác phẩm ở mảng thơ cho thấy rất rõ ưu điểm này. Bài thơ “Người lạ” của Lương Phan Huy Bảo (sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM) băn khoăn về khoảng cách giữa quan hệ cha và con: “Cha lạ như đại dương, cha lạ như đồng quê/ Cha lạ như đêm vàng thành phố”. Còn bài thơ “Gặt rừng” của Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thảng thốt trước thiên nhiên bị ngược đãi: “Người ta đốn hạ cây như cách anh thấy ngoại gặt từng bó lúa/ Chém ngang thân, chặt đứt bốn mùa”.
Khác với những đòi hỏi về bút pháp của thơ và truyện ngắn, thể loại tản văn luôn mang đến cơ hội bộc bạch cảm xúc cho các tác giả. Ở Giải thưởng Văn học trẻ lần 2, có thể nói, các tác phẩm tản văn rất đa dạng góc độc soi chiếu cuộc sống. Những buồn vui riêng tư được tương tác trực diện với nhịp điệu cộng đồng mà hiển lộ những bâng khuâng, những trìu mến, những ước vọng của giới trẻ hôm nay.
Nếu tác giả Trần Trọng Đoàn (sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) tự nhủ: “Nếu không nỗ lực nhìn thấy những đường thẳng vô hình, làm sao tôi biết mình đã đi đến đâu trên hành trình cảm nghiệm về chính tôi, về người khác và về thế giới rộng lớn này?” và tác giả Lê Thị Thùy Khánh (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) truy vấn: “Trong một xã hội mà sự tử tế luôn cần được lên tiếng, sao ta chọn làm con cừu trong bầy im lặng?”, thì tác giả Phan Thị Kim Uyên (học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, Bến Tre) quan niệm: “Chúng ta đến với thế giới này có thể đơn độc, có thể không, lúc rời đi cũng thế. Nhưng khi ta còn đang sống, đừng bao giờ bỏ rơi chính mình, để mặc cho linh hồn ta héo úa”.
Xét trên tổng thể, không khó để nhận ra màu sắc hiện sinh lan tỏa trên nhiều tác phẩm trong Giải thưởng Văn học Trẻ lần 2. Các tác giả trẻ không ngần ngại mổ xẻ những hoang mang, những rối bời, những trắc ẩn từ bản thân, để làm sáng tỏ ý nghĩa tồn tại của con người trên cõi nhân gian.
Vì vậy, Giải thưởng Văn học Trẻ lần 2 đã có sự thành công nhất định, khi cuộc thi này đã nghe được những tiếng nói mới mẻ và chân thành về sự bền bỉ của lương tri trên hành trình đi tới ngày mai.