Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam

Tiếng Chăm có làm thay đổi giọng Quảng Nam không? (II)

Tiếng Chăm có làm thay đổi giọng Quảng Nam không? (II)

Tiếng Việt có cái gì mà tiếng Chăm không có, để đến nỗi gà thành gòa, ăn nói thành eng núa, cháo thành chố, hai thành hưa… của người Quảng Nam?

Không kể trẻ em là thế hệ quan trọng nhất trong biến đổi ngôn ngữ, thay đổi trong phát âm cũng xảy ra khi một cộng đồng người nào đó cố tình phát âm một âm nào đó khác đi vì các lý do ngoài ngôn ngữ, như tạo dựng bản sắc riêng. Nhưng cách phát âm “ngọng nghịu” một tiếng nói nào đó thì hiếm mà gây ra biến đổi âm thanh, nhất là lại tác động ngược, khiến người nói tiếng bản ngữ phải thay đổi theo người học tiếng của họ.

Một cách dễ hiểu, chúng ta đều biết người lớn học ngoại ngữ thì thường phát âm với cái “accent”, đó là những đặc trưng trong tiếng mẹ đẻ của họ mà khác với ngoại ngữ họ dùng, ví dụ như một số âm không có trong tiếng mẹ đẻ, hoặc tiếng mẹ đẻ không có cách kết hợp vần nào đó. Trong trường hợp đó, hoặc họ bỏ luôn cái âm không có trong tiếng mẹ đẻ, hoặc họ sẽ đổi âm đó thành âm gì gần giống nhất trong tiếng mẹ đẻ. Những cách phát âm “trại” đi này thường được xem là “lỗi” phát âm.

 

Một ví dụ quen thuộc là vì tiếng Việt không có phụ âm đầu [p] cho nên những pile, poupeé của tiếng Pháp hay pound (một đơn vị đo cân nặng, bằng 454 gram) của tiếng Anh, khi vào tiếng Việt thì thành đèn bin, búp bê, bao trong tiếng Việt. Mail (thư) tiếng Anh vào tiếng Việt thành meo vì tiếng Việt không cho phép phụ âm /l/ đi theo nguyên âm, hay hot girl thành hót gơ vì cả hai âm /r/ và /l/ không đi sau nguyên âm trong tiếng Việt nên cả hai phụ âm này bị loại trừ. Nhiều người Việt ở Mỹ nói nai cho cả ‘con dao’ (knife) và ‘số chín’ (nine), thay vì [najf] và [najn], bởi tiếng Việt không cho phép các phụ âm ph hay n xuất hiện sau âm lướt /j/ (viết bằng i trong trường hợp này). Vì vậy, /f/ và /n/ bị bỏ mất. Đi vào nét khu biệt của mỗi âm, thì bat (con dơi) và bad (xấu) đều nói thành bát vì trong tiếng Việt âm /d/ không xuất hiện sau nguyên âm, âm /t/ thì được, cho nên thay phụ âm cuối /d/ thành /t/ cho nó quen thuộc với tiếng mẹ đẻ. Về nguyên âm, hai từ lid (cái nắp) và lead (hướng dẫn, dìu dắt) đều nói thành lít, cả hai nguyên âm khác nhau bị cho vào một giỏ, cũng như ship (con tàu/chuyển hàng) và sheep (con cừu) đều nói giống nhau, thành síp, vì người Việt không phân biệt âm ‘i’ dài cười toe toét miệng trong ‘con cừu’ với cái nguyên âm dở dang i không ra i, ê không ra ê, ơ không ra ơ trong từ ‘con tàu’ kia.

“Có bột mới gột nên hồ”. Cứ giả sử là người Chăm đã phát âm tiếng Việt “kiểu Chăm” lơ lớ, nghe một đằng phát âm một nẻo, thì cái “nẻo” đó phải có cái gì dây dưa dính líu với cái “đằng” kia, nghĩa là nghe một âm họ không có, thì họ thay thế bằng âm họ có trong tiếng Chăm. Tiếng Việt có cái gì mà tiếng Chăm không có, để đến nỗi gà thành gòa, ăn nói thành eng núa, cháo thành chố, hai thành hưa… của người Quảng Nam? Nói cách khác, vần gì của giọng Quảng Nam bị thay đổi vì ảnh hưởng của tiếng Chăm? Cái gì trong tiếng Chăm là nguyên nhân của thay đổi này? Và sự thay đổi đó đã diễn ra như thế nào? Cái nguyên âm trong ba, bàn, lá thì có dính dáng gì đến tiếng Chăm không?

Nhưng trước hết, những người Chăm đã tiếp xúc với những người Đại Việt đầu tiên vào sinh sống ở vùng đất nay là Quảng Nam đã nói tiếng Chăm gì?

Ngoài tiếng Chăm Tây và Chăm Phan Rang hay được nói đến, còn có tiếng Chăm Haroi (hay Chăm Bahnar, Chăm Hời) ít được miêu tả hơn. Tiếng Chăm Haroi lại chưa có chữ viết nên việc tìm hiểu lại càng khó khăn hơn (Trước khi ngôn ngữ Chăm sinh ra các biến thể địa phương, tiếng Chăm đã được ghi chép lại, sớm nhất là vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Có thời kỳ tiếng Chăm được viết bằng chữ Arabic, có khi dùng một thứ chữ dựa trên chữ Indic. Chữ viết Indic này không phản ánh đầy đủ hệ thống âm vị của tiếng Chăm (Grant và Sidwell, 2005). Người Chăm hiện nay dùng hệ thống chữ viết Bhahmic (Indic). Chăm Đông dùng chữ Akhr Thrah, Chăm Tây dùng chữ Akhar Sra.).

Thurgood (1999:42) đưa ra sơ đồ hình cây gia đình hệ Tiền - Chăm, trong đó có hai nhánh. Nhánh Chăm vùng núi gồm các tiếng Rade, Jarai, Chru và Chăm Bắc (gồm bắc Roglai và Tsat). Nhánh Chăm dọc bờ biển gồm có tiểu nhóm Haroi và Chăm. Tiểu nhóm Chăm gồm Chăm Tây và Chăm Phan Rang (Chăm Đông). Như vậy tiếng Chăm và Chăm Haroi gần gũi nhau nhất. Người Chăm Haroi ở Bình Định, Phú Yên, Gia Rai (Lê et al, 2014). Về mặt địa lý, vì Bình Định là một trong những nơi người Haroi sống, sát biên giới với Quảng Ngãi và gần Quảng Nam hơn là nhóm Chăm Phan Rang. Liệu có phải những người Chăm sống ở Quảng Nam khoảng thế kỷ thứ 15, 16 phần lớn là người Haroi không? Nhưng qua việc tiếp xúc gần gũi với những người trong nhóm Chăm miền núi, người Chăm Haroi bị ảnh hưởng sâu đậm tiếng Mon - Khmer của người Hrê. Theo Thurgood (1999) tiếng Chăm Haroi hiện đại đã thay đổi, phát triển âm vực dưới ảnh hưởng của tiếng Hrê. Ông dẫn lại việc Burnham (1976) xếp tiếng Chăm Haroi ở giữa nhóm Chăm miền núi và Chăm Tây vì nó bị ảnh hưởng của cả hai nhóm trong những thời điểm khác nhau.

Tuy tiếng Chăm Haroi bắt đầu phát triển tách xa Chăm Đông và Chăm Tây từ thế kỷ thứ 15, vẫn có thể thấy nét tương đồng giữa các tiếng Chăm này còn nhiều. Vài ví dụ của tiếng Chăm Haroi được trích dưới đây khi Thurgood (1999) so sánh nó với tiếng Chăm Phan Rang, Aceh, Rade, Jarai, Tsat và bắc Roglai trong phục dựng (reconstruction). Chúng tôi chỉ dẫn ví dụ của tiếng Chăm Haroi và tiếng Chăm Phan Rang (PR) tức Chăm Đông. Mặc dù chỉ có vài từ đếm, mức độ khác nhau giữa hai tiếng Chăm này có vẻ là sự khác nhau ở mức kiểu phương ngữ chứ không khác đến mức như hai ngôn ngữ riêng biệt.

 

Thurgood đưa ra các bảng phục dựng lại âm tiếng Tiền Chăm và một nhóm gồm tiếng Chăm Haroi với nhóm kia (gồm Chăm Tây và Chăm Phan Rang). Trong nhiều trường hợp, tiếng Chăm Haroi hầu như không khác tiếng Chăm Tây và Chăm Phan Rang về phụ âm đầu. Ví dụ như Chăm Haroi và Chăm Tây, Chăm Phan Rang đều bị mất đối lập các phụ âm hầu, hữu thanh (glottalized voiced obstruents) trong khi nhóm Chăm vùng núi như Rade, Jarai, Chru và bắc Roglai thì giữ đối lập này (Thurgood, 1999:91). Vài ví dụ trong bảng so sánh phụ âm /l, r/ cũng thấy sự tương ứng khá gần gũi: Haroi lətaʔ ~ Chăm PR rataʔ ‘đậu’, Haroi ləkŏi ~ Chăm PR likĕy ‘đàn ông/người’, Haroi ləphɨ̆au ~ Chăm PR ripɔ̆w ‘ngàn’, Haroi ləŋiʔ  ~ Chăm PR laŋiʔ ‘bầu trời’, Haroi ləka ~ Chăm PR lika ‘vết thương, vết sẹo’ (Thurgood, 1999: 75).

 

Có rất ít thông tin về vấn đề song ngữ hay đa ngữ liên quan đến tiếng Chăm Tây và Chăm Đông, ngoài việc họ nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Chăm. Tư liệu sớm nhất về tiếng Chăm Phan Rang là dựa trên kết quả điền dã năm 1979 (Grant và Sidwell, 2005). Còn với tiếng Việt thì những tư liệu sớm nhất về giọng Quảng Nam cũng khoảng dăm thập niên trở lại. Nếu nhất định muốn xem liệu âm gì trong tiếng Việt mà tiếng Chăm không có đến nỗi họ phải phát âm trại đi (cái accent chúng ta nói ở trên), và rốt cuộc khiến giọng Quảng Nam thành như hiện nay thì đành phải “so” giọng Quảng Nam hiện đại với Chăm Haroi, Chăm Tây và Chăm Phan Rang. Chúng tôi biết chuyện so sánh này là khiên cưỡng và hời hợt, nhưng đã trót thì phải trét xem sao.

Giả định là chỉ cách đây vài thế kỷ, cũng như tiếng Việt, tiếng Chăm trung đại không biến dạng đến mức làm thay đổi cả hệ thống, chúng tôi không tìm thấy những đặc trưng kỳ lạ gì trong giọng Quảng Nam mà có dây mơ rễ má gì với tiếng Chăm.

Thứ nhất, tiếng Chăm Haroi, Chăm Tây và Chăm Phan Rang có rất nhiều nhóm phụ âm đầu (initial cluster). Tiếng Việt chỉ có vài nhóm như pl-, tl-, kl còn thấy ở thế kỷ thứ 17 nhưng đã biến mất trong hầu hết phương ngữ tiếng Việt hiện đại. Thứ hai, trong tiếng Chăm Đông hiện đại có các phụ âm cuối họng [h] và [ʔ] (Brunelle, 2005). Những phụ âm này không có trong hệ thống âm cuối của tiếng Việt hiện đại. Thứ ba, trong khi tiếng Chăm Tây hiện đại có 10 nguyên âm và đặc biệt là hệ thống nguyên âm đôi rất phong phú, thì giọng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 3 nguyên âm đôi. Giọng Nam Bộ bao gồm Quảng Nam không có nguyên âm đôi nào. Những đặc trưng này của tiếng Chăm không để dấu vết gì lên tiếng Việt nói chung và giọng Quảng Nam nói riêng. Cuối cùng và đặc biệt nhất với mục đích của chúng ta, là không thấy bóng dáng của cái nguyên âm dòng sau kỳ cục của giọng Quảng Nam như trong ba, bàn, cá... trong miêu tả tiếng Chăm hiện đại như Chăm Tây trong Smith (2014) và Ueki (2011), hay Chăm Đông trong Phu et al. (1992). Nguyên âm [a] vẫn được người Chăm phát âm là [a] chứ không ra oa như người Quảng Nam.

Grant và Sidwell cho biết tuy có thể dưới ảnh hưởng của tiếng Việt và cộng đồng người Chăm nói song ngữ Việt - Chăm mà thúc đẩy quá trình hình thành thanh điệu trong tiếng Chăm Đông, nhưng có rất ít tương ứng cụ thể về mặt cấu trúc trong hệ thống âm vị của hai ngôn ngữ này (2005:xiv). Thurgood viết rằng khi những đợt di dân ồ ạt của người Việt vào vùng đất vừa chiếm được, tiếng nói của người Chăm và các tộc người nói tiếng Mon - Khmer ở lại dọc bờ biển tiếp tục biến đổi một cách mạnh mẽ theo chiều hướng lâu dài, qua con đường tiếp xúc, những thay đổi liên quan trực tiếp đến nhóm cư dân người Việt thống trị ở dọc vùng duyên hải. Người Việt không ngừng di cư vào đây, hoặc đi theo từng giai đoạn trong thời chiến, hoặc thẩm thấu dần dần trong thời bình. Tiếng nói của những nhóm người nói tiếng Chăm và Mon - Khmer bị điều chỉnh, đồng hóa, và trong vài trường hợp thậm chí họ chuyển sang nói tiếng Việt (1999: 27).

Tuy nhiên, có một trường hợp quan sát được về ảnh hưởng của tiếng Chăm lên phát âm tiếng Việt. Đó là các từ mà âm đầu viết là r được người Việt một số tỉnh miền Tây Nam bộ nói thành như âm viết là g, ví dụ như câu giễu thân mật trong dân gian bắc coong cá gô bỏ gổ, nó gục ghịch gớc dào gổ gau găm (bắt con cá rô bỏ rổ, nó rục rịch rớt vào rổ rau răm). Đây có lẽ là ảnh hưởng của tiếng Chăm Tây, vì âm /r/ trong tiếng Chăm Tây được phát âm như âm viết bằng g của tiếng Việt, vì vậy mà con cá rô trở thành con cá gô. Trong tiếng Chăm Đông thì /r/ phát âm như âm rung nhanh, gần với /r/ hơn (Smith, 2014). Việc âm ‘r’ nói thành ‘g’ này không xảy ra với giọng Quảng Nam hay Quảng Ngãi.

Quan niệm người Chăm làm thay đổi giọng Quảng Nam cũng không thể trả lời cho ra nhẽ câu hỏi oái oăm là ở những vùng đất khác, từ Quảng Bình trở vào Bình Thuận, nơi có những người Chăm ở lại sống cùng người Việt, nhưng vì sao không hề thấy ở đâu mà người Việt “nói thành” một giọng như giọng Quảng Nam? Các nhà ngôn ngữ học dựa vào những tiêu chuẩn về ngôn ngữ để phân loại các nhóm phương ngữ lớn của tiếng Việt, không dựa vào việc có hay không có tiếp xúc với người Chăm. Vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên từng là đất của Champa, mãi đến thế kỷ thứ 11 mới về tay Đại Việt. Người không quen phân biệt giọng địa phương cũng nhận ra các giọng vùng Bình Trị Thiên kia gần gũi với các giọng vùng Nghệ An, Hà Tĩnh hơn là với giọng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhẽ ra người Thừa Thiên, Quảng Trị phải nói một giọng như giọng Quảng Nam hiện nay mới phải. "Ô Châu cận lục" còn mô tả hẳn hoi có một làng nói tiếng Chiêm ở Thừa Thiên nữa. Nhưng sự việc đã không phải là như thế. Tương tự, có ý kiến cho rằng các giọng địa phương từ Quảng Nam vào Phú Yên khác nhau là do những thời kỳ di dân khác nhau của người Việt hay Chàm vào sâu về phía nam, mặc dù không giải thích rõ ràng vì sao những người đi sau lại nói khác đi, và vì sao chỉ khác ở một số âm hay vần nhất định nào đó. Ý kiến này cũng không thể giải thích trường hợp tương tự xảy ra ở Đàng Ngoài. Những số lượng lớn tù binh Chăm và những người Chăm bị đưa ra sống ở Đàng Ngoài vào nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau (2 đợt vào thế kỷ thứ 11, một đợt vào thế kỷ thứ 15). Theo những gì chúng ta biết được thì họ không tác động lên tiếng Việt để tạo ra một phương ngữ hay thổ ngữ nào ở Đàng Ngoài mà có thấp thoáng bóng dáng của những vần kỳ quặc của giọng Quảng Nam.

Trong khi đó, không cần phải tìm đâu xa, một số nét độc đáo nhất trong giọng Quảng Nam tồn tại rành rành ở các phương ngữ khác của tiếng Việt. Các phương ngữ Nam Trung bộ có dấu vết của phương ngữ Thanh Hóa, Nghệ An trong một số vần, và cả dấu vết của việc âm lướt cuối rơi rụng ở một thổ ngữ Hà Tĩnh như đã trình bày trong chương 3. Đặc biệt nhất là nguyên âm /a/ lạ lùng của người Quảng Nam trong ba, bàn, cá đã được phát hiện ở nhiều thổ ngữ Nghệ - Tĩnh, một nơi cách Quảng Nam bao nhiêu núi đồi sông suối. Nguyên âm này hẳn còn có mặt trong nhiều phương ngữ khác mà chưa được miêu tả hoặc biết đến.

Về hiện tượng này, các ký giả thường dùng chữ ô trong các bài báo ngắn khi kể về những âm lạ lùng trong một số thổ ngữ ở Nghệ An và Hà Tĩnh, như con gà thành con gồ. Độc đáo hơn nữa là vần ao thành ô trong giọng Quảng Nam, ví dụ cái bao thành cái bô, cũng được tìm thấy một cách có hệ thống trong thổ ngữ Kẻ Chay ở Hà Tĩnh, như đã miêu tả trong chương 4. Cũng giống giọng Quảng Nam, giọng Thanh Hóa không có nguyên âm đôi (tiếng > tíng, xương > xưưng, xuồng > xùung. Thêm nữa, nét dị hóa cực mạnh của nguyên âm o khiến cho “quả cau nho nhỏ” thành “quả cau nhua nhủa” ở giọng Thanh Hoá rất gần gũi với thổ ngữ Hà Tĩnh, nơi mà chó sói nói thành “chó suối”, quả nho thành quả nhua. Các dị hóa (o > ua, oi > uôi) như nhỏ > nhủa, sói > suối của giọng Thanh - Nghệ khiến cho loi choi thành lua chua của Quảng Nam trở nên có thể hiểu được nhờ tính xâu chuỗi. Đặc biệt, Thanh Hóa và Quảng Nam đều có âm cuối nh/ch theo sau i và ê như giọng Bắc bộ, điều không thấy ở bất kỳ giọng nói nào khác từ Quảng Nam trở vào. Ở một thổ ngữ Thanh Hóa, tuy số hai không thành số hưa nhưng “Bà ơi bà đi chợ mua cho tui hai trái cà” lại thành bừa ơi bừa đi chợ mua cho tui hai trái cừa. Có thể giải thích được con đường chuyển hóa của /a/ ở giọng Thanh Hóa thành cái gì như ưa, như đã trình bày ở chương 5. (Hết)

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
TL
.

Tin khác

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/03/2024