Nắng chiều như rót thêm mật ong vào mỗi bức tường nhà của bản Mông Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ở đây, trên đồi cao hay dưới thung sâu đều dễ dàng nhìn thấy những chòm xóm nhỏ. Những ngôi nhà trình tường cũng mọc lên trên mỗi vùng đất được xem là bằng phẳng nhất.
Chúng tôi ghé vào nhà ông thợ làm bạc Mua Xìa Sính khi bóng chiều đã đổ xuống. Căn nhà trình tường cổ, đẹp nhất nhì ở bản Lao Xa và cả xã Sủng Là. Ông Mua Xìa Sính nhiệt tình dẫn tôi đi xem từng ngóc ngách của căn nhà và mỗi phòng ngủ của gia đình.
Những căn phòng bé tẹo chỉ chứa được một cái giường với đống chăn màn cũ mèm chuyển màu đất và lộn xộn. Nhưng không thấy có mùi hôi, có lẽ cái nắng gió trên cao nguyên đã hong sạch mọi mùi ẩm mốc.
Tôi hỏi tối ngủ ở đây ạ? Ông Mua Xìa Sính tưởng tôi xin ngủ lại qua đêm vui vẻ đáp. Vâng! Tôi phải hỏi lại như giải thích: Đây là phòng ngủ của mỗi cặp vợ chồng ạ? Chỉ một sự nhầm lẫn dễ thương ấy thôi, đã kéo tôi gần lại với những con người hồn hậu, chất phác, đơn sơ như đá núi ở vùng đất này. Một cảm xúc thân thuộc đậm sâu!
1.
Nhà ông Mua Xìa Sính ở cuối bản Lao Xa, gần cột mốc 397, giáp với Trung Quốc. Nơi những vách đá tai mèo dựng đứng, chen lẫn vào nhà dân, chen lẫn vào những luống rau, nương ngô… Căn nhà cổ 5 gian với những bậc thang làm bằng đá to như những lùm cây lanh được người ta trồng cạnh nương ngô dùng để dệt vải; bức tường đất màu vàng sáp ong dày 50cm khiến cho ngôi nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.
Ở mỗi cây cột trước hiên nhà của ông Sính được kê bằng những quả anh túc làm bằng đá. Hoa văn được chạm khắc tỷ mỷ, tinh xảo đến mức tưởng như những quả anh túc ấy có thể trào nhựa ra bất cứ lúc nào. Anh túc và cây lanh là hai loài cây nằm lại nhiều trong đầu người Mông.
Nhà ông Sính có 5 đời làm nghề chạm bạc. Những năm chiến tranh biên giới, ông phải bỏ lại căn nhà ấy mang theo đàn con đi tránh bom đạn. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hơn chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông lại tìm về căn nhà xưa cũ ấy. Ông bảo mình phải trở về, bởi nơi ấy có những nương đá đón ông chào đời. Những nương đá giúp ông cất giữ phần mộ của tổ tiên, đưa tổ tiên về với đất mẹ. Cái lò than làm bạc vẫn nằm nguội ở đó chờ ông trở về nhóm lửa.
Từ đó đến nay, trong ngôi nhà ấy Tết năm nào nhà ông Sính cũng thịt mấy con dê, con lợn mới đủ cho đám con, đám cháu cùng sum họp. Ông có chín người con. Ông nuôi các con mình lớn lên bằng nồi mèn mén và dậy chúng nên người bằng lời dặn dò: Việc nghĩ ra thì phải làm, chứ không được nghĩ rồi để đấy! Phải lớn lên như cái cây thật cao, thật thẳng. Có lẽ cũng bởi thế mà các con ông từ đứa làm ruộng nương, đứa theo nghề làm bạc của ông, đứa làm việc cho Nhà nước... đều được xem là thành đạt nhất nhì ở bản Lao Xa.
Nhà của Mua Mí Phình, con trai ông Mua Xìa Sính ở dưới chân núi, cách nhà ông Sính một con dốc đi bộ chưa mỏi chân đã đến. Anh Phình là nghệ nhân làm khèn Mông có tiếng ở xã Sủng Là và cả huyện Đồng Văn. Ngay từ nhỏ, ngoài nghề làm bạc giỏi Phình còn mê thổi khèn và làm khèn.
Tiếng khèn của anh cất lên khiến người nghe chạm vào đâu cũng thấy miền ký ức, kỷ niệm, cũng muốn về bản Mông. Tài thổi khèn càng khiến Phình quyết tâm theo nghề làm khèn, thổi khèn thay vì theo nghề làm bạc của cha. Bố Phình bảo, làm khèn hay làm bất cứ nghề gì cũng được, nhưng phải sống tốt, phải đảm bảo nuôi sống gia đình và nuôi sống cả văn hóa tốt đẹp của người Mông ở bản Lao Xa.
Dù đã có nhà riêng, nhưng Phình vẫn thường xuyên về thăm nhà. Anh chia sẻ, khi anh và các anh em của mình ra đời thì tuổi xuân và vẻ đẹp của mẹ như thêm một lần bị đánh cắp. Đôi tay của bố ít được ngơi nghỉ hơn khi nồi mèn mén ngày càng to lên theo sự háu đói của đàn con tuổi ăn, tuổi lớn.
Phình đã hẹn các anh em của mình vào ngày mai sẽ trở về sum họp bên ngôi nhà trình tường thân thuộc, cùng ăn mèn mén, cùng uống rượu ngô, cùng quây quần thâu đêm bên bếp lửa. Những ngày xuân quây quần bên bố mẹ, Phình thấy mình và các anh em của mình như non trẻ giống những nụ mận, nụ đào trên cành hé nở cạnh những hạt sương long lanh khi nắng sớm chưa kịp kéo về.
2.
Hôm nay ngôi nhà ông Vàng Chứ Chơ ở bản Lao Xa, xã Sủng Là có khách Tây đến nườm nượp, chật nhà. Những vị khách cao lớn, da trắng nói tiếng xì xồ mà chỉ thằng con trai ông mới hiểu.
Ngôi nhà còn nhiều tuổi hơn cả cái tuổi ngoài 70 của ông. Nó là của bố ông để lại. Ông nhớ về ngày thằng Vàng Mí Hồng con ông về bàn với mình làm du lịch trên chính ngôi nhà ấy. Lại còn bảo phá đi cái chuồng bò kiên cố trước nhà mà ông bỏ cả trăm triệu đồng mới xây được.
Vàng Mí Hồng lý lẽ: Khách du lịch rất thích ở lại ngôi nhà của ông, từ cái cổng gỗ đơn sơ cổ kính đến bức tường trình và cả nồi mèn mén… Nhưng cái chuồng bò để như thế rất mất vệ sinh. Gió lùa vào thì mùi phân bò hôi khiến người ở trong nhà khó chịu, mầm bệnh cũng từ đó mà tìm cách chạy vào người, nhất là đám trẻ nhỏ.
Lời nói của nó khiến bụng ông giống như ấm nước đun trên bếp củi càng lúc càng sôi sùng sục. Bởi từ khi ông là một đứa trẻ, rồi đến thằng Mí Hồng, người bản làng này vẫn sống, nó vẫn lớn lên lừng lững khỏe mạnh như con bò mộng. Ông bực mình không nói chuyện với nó.
Mí Hồng không dám cãi lời ông, nhưng những ngày sau đó, trong những bữa cơm gia đình nụ cười chợt tắt mất trên môi của thằng trai vốn nói nhiều như con chim khiếu. Ông gắp thức ăn cho nó để làm hòa, nó không gắp ra mà chỉ cặm cụi ăn cho xong bữa. Ông liếc nhìn nó nhưng chẳng thấy khi nào nó liếc nhìn ông.
Không thể để những bữa cơm thiếu tiếng cười nói kéo dài. Ông Chơ trằn trọc nghĩ: Chẳng phải trong ngôi nhà ấy cả đời vợ chồng ông hà tiện nuôi mấy đứa con khôn lớn, chỉ với mong muốn thứ chúng không nên hà tiện chính là ước mơ và khát vọng hay sao? Ông nội của ông, đến bố ông khi sang thế giới bên kia cũng chẳng đem theo được của nả cả đời tằn tiệm. Thôi thì chiều theo ý nó, nó là người trẻ, tương lai xấu đẹp của gia đình ông và cả bản Mông này đều cậy nhờ vào đám trẻ như nó.
Ông chỉ bảo nó rằng, muốn làm gì cũng phải giữ được cội nguồn của người Mông. Sau cái gật đầu của ông, mặt thằng Mí Hồng rạng rỡ như bông hoa tam giác mạch đầu mùa. Kiến trúc ngôi nhà được giữ nguyên, nhưng gian bếp, phòng ngủ được sửa soạn lại. Cái cổng bằng gỗ được giữ nguyên, bức tường rào đá được nó đào đục xếp lại ngay hàng, ngay lối. Sửa lại, ông vẫn thấy được ngôi nhà xưa của mình nhưng đẹp hơn. Ông nở nụ cười hạnh phúc.
Sau đó mỗi ngày, khách trong nước, khách Tây đến ngôi nhà ông đều đặn cả chục người mỗi tuần. Vàng Mí Hồng bàn với ông, đã bỏ được tiền từ túi khách du lịch vào túi mình, vậy tại sao lại không nghĩ ra những cách khác để kiếm thêm được nhiều tiền hơn nữa. Khách càng ở lâu, làng có nhiều cái khiến khách hứng thú thì túi tiền của người làng càng đầy lên. Mí Hồng đã liên kết với các hộ khác để cả bản Lao Xa cùng làm du lịch giống như nhà mình. Đám trai bản và cả những người già trong làng đều nghe theo lời nó. Giờ thì Lao Xa đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn được nhiều du khách ghé thăm.
Mặt trời đỏ lựng giấu sau vách núi của bản Lao Xa gọi chiều về. Ánh trăng thượng tuần cũng bắt đầu nhấp nhô trên đỉnh núi. Chỉ còn một lần trăng lặn nữa là đến Tết Nguyên đán, ông Vàng Chứ Chơ đã chuẩn bị những hạt ngô đẹp nhất để nấu nồi mèn mén đón đám con cháu cùng về ăn Tết. Tết năm nào ngôi nhà của ông cũng đầy ắp tiếng cười.
Ông bảo với thằng Mí Hồng rằng, chỗ quẩy tấu ngô cạnh góc bếp ông đã cẩn thận lựa chọn từng bắp ngon nhất để dành lại cho nó, để nó tiếp đón khách trong ngày đầu xuân đầy nắng.
“Bản Mông Lao Xa có 117 nóc nhà, hầu như nhà nào cũng nghèo. Nhưng hộ nào cũng rất có ý thức giữ gìn ngôi nhà trình tường và văn hóa người Mông. Có lẽ chính điều đó đã giúp vùng đất này hấp dẫn khách du lịch tìm đến ngày càng nhiều hơn. Mỗi mùa du lịch, các nhà thu được tiền nhiều bằng cả mấy năm những bà vợ người Mông gùi hạt ngô trên nương đi bao nhiêu phiên chợ để bán. Hy vọng nghèo đói sẽ sớm được đẩy lùi”, Chủ tịch UBND xã Sủng Là Vàng Dỉ Xoáng cho biết.