| Hotline: 0983.970.780

Cô giáo 9x ‘cõng’ con chữ lên cực bắc Tổ quốc

Thứ Năm 01/02/2024 , 09:35 (GMT+7)

Hà Giang Cái lạnh thấu xương như chỉ trực chờ 'cắt da, cắt thịt' bất kì ai. Thế nhưng cô giáo trẻ vẫn hàng ngày vượt hơn 20 km để kịp giờ đón học sinh đến lớp…

Cô giáo Nông Thị Hà cùng các em học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Cháng.

Cô giáo Nông Thị Hà cùng các em học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Cháng.

Ngôi trường ẩn mình trong sương mù, mưa phùn và gió bấc

Trường của em be bé

Nằm ở giữa rừng cây…

Ẩn mình giữa núi rừng trùng điệp và làn sương mù mịt nơi cực bắc của Tổ quốc, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Cháng (xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, Hà Giang) là nơi hơn 600 con em đồng bào dân tộc thiểu số đang hàng ngày cần mẫn đến lớp để học được những con chữ.

Thế nhưng việc đi dạy và học của thầy và trò nơi đây không được thuận tiện như ở dưới xuôi. Những ngày mùa đông giá rét, quãng đường đất đá vốn dốc và trơn tuột nay lại càng thêm khó đi khi mưa phùn và sương mù như một lớp chăn, “đắp” lên con đường nhỏ, che khuất tầm nhìn của người đi đường. Dưới làn sương trắng của buổi sớm tinh mơ, chỉ có duy nhất một cách là nhìn xuống chân để có thể xác định được lối đi đang lờ mờ ẩn hiện nơi rừng núi.

6 giờ sáng, ngoài trời vẫn tối mịt, cơn gió rét vẫn rít từng cơn, cái lạnh thấu xương chỉ 5 đến 6 độ C của mùa đông miền núi phía Bắc như chỉ trực chờ “cắt da, cắt thịt” bất kì ai ra đường vào thời điểm này. Thế nhưng cô giáo Nông Thị Hà đã “trang bị” xong cho mình những lớp quần áo ấm và sẵn sàng vượt hơn 20 km từ thị trấn Yên Minh đến ngôi trường Tiểu học Sủng Cháng để kịp giờ đón học sinh đến lớp.

Cô giáo Nông Thị Hà tại lễ khai giảng năm học 2023 - 2024.

Cô giáo Nông Thị Hà tại lễ khai giảng năm học 2023 - 2024.

Bén duyên với nghề giáo viên từ năm 2016, đã 8 năm nay, cô giáo sinh năm 1993 vẫn hàng ngày vượt mưa, vượt gió để “gieo” con chữ, “cõng” tri thức lên nơi núi rừng cực bắc của Tổ quốc.

“Ngay từ khi còn bé tôi đã có ước mơ muốn trở thành một giáo viên, truyền đạt kiến thức đến các em nhỏ. Cho đến nay, nhiệt huyết ấy vẫn còn cháy trong tôi. Tôi luôn tự hào là một nhà giáo, đặc biệt là một cô giáo nơi vùng cao, dạy học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số”, cô giáo Nông Thị Hà chia sẻ.

Hiện nay, cô giáo Nông Thị Hà đang là giáo viên chủ nhiệm của một lớp 5 tại trường Tiểu học Sủng Cháng, công việc chính của cô là lên lớp và trực bán trú. Ngoài việc dạy học, hàng ngày cô Hà sẽ chăm sóc cho các em, hướng dẫn các em học sinh thực hiện thêm các hoạt động ngoại khóa của trường như trồng rau, trồng cây xanh…

Dạy học và chăm sóc những “búp măng non”, đối với các em học sinh của cô giáo Nông Thị Hà, câu hát “cô giáo như mẹ hiền” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì mỗi lần cha mẹ các em phải đi làm ăn xa, cô Hà sẽ thay phụ huynh của các em làm các thủ tục, giấy tờ để cho các em được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Năm học 2023 - 2024, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Cháng có 632 học sinh học tập tại 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Gần 100% số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 15 học sinh thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người.

Những ngày lên nương ngô thuyết phục các em đi học

“Nếu để mà kể những khó khăn trong suốt quá trình dạy học cho các em học sinh nơi đây thì nhiều lắm, có mà kể cả buổi cũng không hết”, cô Nông Thị Hà vừa cười vừa trả lời khi được hỏi về những khó khăn hiện nay mà một giáo viên vùng cao đang phải vượt qua.

98% học sinh của lớp cô Nông Thị Hà là người dân tộc Mông.

98% học sinh của lớp cô Nông Thị Hà là người dân tộc Mông.

Theo cô Hà, khó khăn lớn nhất cản trở công việc dạy học của cô có lẽ là quãng đường xa xôi, cách trở và thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nơi đây. “Với những ngày khô ráo, nắng ấm thì không sao nhưng những ngày mưa gió, tôi sẽ không thể về nhà mà phải ở lại trường để kịp giờ lên lớp hôm sau. Trời mưa sợ nhất là núi đất đá bị sạt lở, đường đi rất nguy hiểm”, cô giáo trường Tiểu học Sủng Cháng bộc bạch.

Một khó khăn khác, hiện nay, 98% học sinh của lớp là dân tộc Mông, các em vẫn chưa sõi tiếng phổ thông. Do bất đồng ngôn ngữ nên cô Hà gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Chính vì thế, cô vẫn luôn khuyến khích các em sử dụng tiếng phổ thông mỗi khi đến lớp và vừa dạy chữ, vừa dạy tiếng phổ thông cho các em. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đồ dùng, phương tiện dạy học còn thiếu thốn cũng là một thách thức không hề nhỏ với bất kì giáo viên nào nơi đây.

Thêm đó, xã Sủng Cháng là địa phương có địa hình thuần núi đá và cao nguyên, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn nên việc học tập của các em học sinh còn gặp nhiều hạn chế. Gia đình các em rất khó khăn, nhà đông con mà bố mẹ các em thường đi làm ăn xa nên nhiều em đi học không đều.

“Đặc biệt, mỗi mùa trồng ngô các em sẽ thường xin nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ. Có những ngày các em học sinh nghỉ học nhiều, tôi phải đi bộ lên từng nương ngô, lục khắp cả quả đồi để thuyết phục bố mẹ và động viên các em lên lớp. Bố mẹ các em sợ công việc nương rẫy nhiều nên không muốn cho con đi học. Đến khi cô giáo ra sức thuyết phục thì bà con mới chịu cho con trở lại lớp học.”, cô Hà chia sẻ.

8 năm gắn bó với nghề giáo viên, cô Nông Thị Hà vẫn hàng ngày cần mẫn đưa con chữ đến với các em học sinh vùng cao.

8 năm gắn bó với nghề giáo viên, cô Nông Thị Hà vẫn hàng ngày cần mẫn đưa con chữ đến với các em học sinh vùng cao.

“8 năm gắn bó với trường, với các em học sinh vùng cao là một chặng đường dài và đầy gian nan. Thế nhưng suốt hành trình 8 năm ấy, chưa bao giờ tôi chùn bước và nản chí vì luôn nghĩ đến các em học sinh, luôn thương các em vẫn còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn”, cô giáo Nông Thị Hà bày tỏ.

Khi nhận được câu hỏi “công việc vất vả, khó khăn như vậy, mức lương hiện nay giáo viên ở vùng cao nhận được là bao nhiêu?”, cô Nông Thị Hà chỉ biết cười. Nhưng đó lại là một nụ cười gượng gạo và có phần chua chát, tủi thân.

“Hiện nay ngoài khoản lương 9 triệu đồng hàng tháng thì tôi không có thêm khoản hỗ trợ nào. Ở dưới xuôi, với mức lương 9 triệu đồng 1 tháng có thể không phải là mức lương thấp nhưng tại vùng sâu vùng xa, nơi mà điều kiện sinh sống và dạy học đặc biệt khó khăn, mức lương 9 triệu đồng đó vẫn không đủ để tôi trang trải cuộc sống”, cô giáo bày tỏ.

Quả đúng như vậy, mỗi ngày sau khi hoàn thành hết công việc ở trường, cô giáo Nông Thị Hà sẽ trở về nhà vào lúc 5 giờ chiều và bắt đầu công việc bán hàng online, giao hàng cho khách.

“Do lương dạy ở trường không đủ nên tôi phải tìm cách xoay xở, bán thêm hàng để có thêm thu nhập. Chính vì vậy mà thời gian tôi dành cho gia đình là rất ít, hầu như không có. Mỗi tối cơm nước xong xuôi tôi sẽ soạn giáo án, soạn bài tập cho học sinh. Đến khi xong việc, ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ thì đã là 12 giờ đêm”, cô Nông Thị Hà cho hay.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng bên cạnh người giáo viên cần mẫn, chăm chỉ ấy luôn có gia đình nhỏ chia sẻ và cảm thông. Hàng ngày, người chồng và bố mẹ chồng của cô Hà vẫn giúp cô quán xuyến công việc nhà, chăm sóc cho 2 đứa con nhỏ.

“Gia đình luôn thông cảm và chia sẻ với công việc của tôi, luôn tạo mọi điều kiện để tôi yên tâm công tác. Tôi luôn tự nhủ sự may mắn đó chính là động lực để tôi có thể bám trường, bám lớp đưa con chữ đến với các em học sinh vùng cao nơi đây”, cô Hà chia sẻ.

Chiếc bánh chưng nhỏ mang ý nghĩa lớn

Những ngày này, không khí Tết đang len lỏi vào từng ngóc ngách tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Cháng. Cũng như mọi năm, dịp Tết năm nay, nhà trường sẽ vận động các nhà hảo tâm tổ chức buổi làm bánh chưng cho các em học sinh.

Theo cô Nông Thị Hà, những chiếc bánh chưng ấy tuy nhỏ bé nhưng lại là món quà ý nghĩa đối với các em học sinh nơi đây. Hoàn cảnh hàng ngày thiếu thốn nên các em rất háo hức, mong chờ những dịp như vậy. Nhìn thấy niềm vui trong đôi mắt thơ ngây của các em, dường như người giáo viên tâm huyết ấy cũng cảm thấy ấm lòng hơn.

“Trong năm mới, tôi mong Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những giáo viên vẫn đang ngày đêm bám trường, bám bản nơi vùng cao. Tôi cũng hy vọng sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ cũng như có thưởng Tết cho giáo viên”, cô Hà chia sẻ.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.